Trung Quốc và kế hoạch 1+ 3 + 2 về đô thị hóa

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cụm thành phố vệ tinh và khu phức hợp sẽ được Trung Quốc tăng cường xây dựng để thúc đẩy phát triển trong 5 năm tới.

Bắc Kinh cũng muốn tăng gấp đôi tầng lớp trung lưu của mình trong 10 đến 15 năm để hỗ trợ chiến lược kinh tế mới, xoay trục khỏi các “trụ cột” truyền thống như bất động sản, đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại đã bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế trong hơn 30 năm qua.

Phát biểu với giới truyền thông vào đầu tuần qua bên lề kỳ họp quốc hội thường niên, ông Liu Shijin, Phó giám đốc Ủy ban các vấn đề kinh tế cho biết, ưu tiên của Trung Quốc hiện nay là đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Kế hoạch mà ông gọi là "1 + 3 + 2".

 1 đề cập đến sự thúc đẩy đô thị hóa của Trung Quốc, 3 đề cập đến những điểm yếu hiện tại trong nền kinh tế của nước này và 2 là những lĩnh vực mới để tăng trưởng. Ông Liu cho biết: “Các cụm đô thị vệ tinh sẽ là động lực chính cho tăng trưởng trong tương lai và mở ra các lĩnh vực mới để phát triển, thúc đẩy xu hướng thu hút đầu tư và nâng cao năng suất".

Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, kế hoạch chi tiết kinh tế của Trung Quốc cho năm 2021 và 2025, mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa là 65%. 
Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, kế hoạch chi tiết kinh tế của Trung Quốc cho năm 2021 và 2025, mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa là 65%. 

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc giai đoạn 2021- 2025 đã đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa là 65%. Tỷ lệ này đã vượt quá 60% vào cuối năm 2020. Giáo sư kinh tế Tan Kong Yam tại Đại học Công nghệ Nanyang cho rằng miền trung và miền tây Trung Quốc còn nhiều dư địa bứt phá hơn do tỷ lệ đô thị hóa hiện vẫn ở mức thấp, từ 45% đến 60%.

Kế hoạch 1+3+2

Giáo sư Tan - đồng thời cũng là Phó chủ tịch của APS Asset Management (Trung Quốc), cho biết, tỷ lệ đô thị hóa có thể đạt 75% trong vòng 15 đến 20 năm tới.

Về kế hoạch 1 + 3 + 2, ông Liu nói: "Hoàn thành các lĩnh vực này sẽ đưa Trung Quốc vào con đường tăng trưởng chất lượng cao và bền vững trong dài hạn".

Về 3 điểm yếu đề cập trong kế hoạch, Trung Quốc sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc mở rộng tầng lớp trung lưu, nâng cao năng suất của các ngành công nghiệp cơ bản như sắt và thép, đồng thời tăng cường nghiên cứu và phát triển cơ bản (R&D), ông nói thêm. Phát triển xanh và nền kinh tế kỹ thuật số là hai cánh của tăng trưởng mà Trung Quốc sẽ tập trung vào.

Ông Liu dẫn khu vực xung quanh hồ Songshan trước đây chỉ được biết đến như một thắng cảnh,  động thái của gã khổng lồ CNTT Huawei để thiết lập khu R&D tại đó vào năm 2018 đã thúc đẩy năng suất kinh tế khu vực này.

Ông Liu đề cập một ví dụ khác về phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh các thành phố chính dành cho người cao tuổi ở Trung Quốc. Nước này đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. 

“Có nhu cầu đối với những thị trấn như vậy, và đây là nơi mà các nhà phát triển bất động sản có tiềm năng mở rộng," ông Liu nói, đồng thời cho biết thêm rằng nhu cầu vận tải cũng sẽ tăng cùng với sự gia tăng của các đô thị. Kết quả là, đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ phát triển.

Tăng gấp đôi số lượng người dân trung lưu

Trung Quốc cũng đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi tầng lớp trung lưu, hiện có khoảng 400 triệu người, trong khoảng 10 đến 15 năm nữa.

Việc phát triển tầng lớp này phù hợp với động lực thịnh vượng chung của quốc gia, trong đó nhấn mạnh một cấu hình kinh tế hình ô-liu - nơi đa số thuộc tầng lớp trung lưu - vì một xã hội công bằng hơn, ông nói thêm.

Tiến sĩ Tommy Wu, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics ở Hong Kong, cho biết chiến lược đô thị hóa "rất phù hợp để đạt được mục tiêu thịnh vượng chung". "Điều này cũng sẽ giúp tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi tình trạng nợ nần, đầu tư theo hướng sáng tạo, dựa vào tiêu dùng".

Ông Liu nói, những thay đổi là cần thiết khi nền kinh tế Trung Quốc trưởng thành và cần phải tìm ra những cách thức bền vững hơn để phát triển.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi từ Covid-19, ghi nhận mức tăng trưởng 2,3% vào năm 2020. Năm ngoái, mức tăng trưởng là 8,1%, nhưng phần lớn trong số đó đến trong nửa đầu năm, với tăng trưởng kinh tế chững lại còn 4% trong quý IV.

Tại buổi khai mạc của cơ quan lập pháp hàng đầu, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc cuối tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố, Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên 5,5%.