Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung tâm dữ liệu xanh - Xu hướng tương lai

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Việc “xanh” hóa các trung tâm dữ liệu đang dần trở thành tiêu chuẩn chung tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế đó.

Không chỉ thân thiện hơn với môi trường, những trung tâm dữ liệu dạng này còn giúp tiết kiệm tối đa chi phí năng lượng vận hành, từ đó mang lại doanh thu cao hơn cũng như phục vụ tốt hơn cho quá trình chuyển đổi số.

Thiếu cung, thừa cầu

Nhắc tới chuyển đổi số là nhắc tới sử dụng và khai thác dữ liệu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mặc dù quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ nhưng hiện cả nước mới chỉ có 30 trung tâm dữ liệu, con số này chỉ bằng 1/2 của Malaysia, 1/5 của Thái Lan hay thậm chí chỉ bằng 1/15 của Singapore.

Bên trong một trung tâm dữ liệu tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Vân
Bên trong một trung tâm dữ liệu tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Vân

Trong khi đó, tiềm năng của thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam lại rất lớn. Theo báo cáo của Savills (công ty 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn toàn diện trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam), quy mô của thị trường này đã đạt mốc 850 triệu USD vào năm 2020 và có tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm cho đến 2026. Trên thực tế, với số lượng trung tâm dữ liệu hiện có tại Việt Nam chỉ đủ sức đáp ứng tối đa 30% nhu cầu của thị trường.

Sở dĩ yêu cầu về trung tâm dữ liệu gia tăng đột biến trong khoảng hơn một năm trở lại đây là do đại dịch Covid-19 đã giúp người Việt hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ trực tuyến, từ mua sắm cho đến hoạt động giải trí. Điều này kéo theo nhu cầu thuê thêm nhiều máy chủ nhằm bảo đảm trải nghiệm khách hàng tốt nhất của các công ty công nghệ. 

Cùng với đó, Nghị định 53/2022/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2022 đã có yêu cầu bắt buộc đối với các dịch vụ xuyên biên giới có thu thập dữ liệu về thông tin cá nhân người dùng internet

Việt Nam thì phải được lưu trữ trong nước. Do đó, các dịch vụ như Google, Amazon, Facebook… cũng đang tìm tới những trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Đối với DN trong nước, nhu cầu sử dụng các trung tâm dữ liệu cũng tăng mạnh theo từng năm. Bởi việc này không chỉ giúp DN tiết kiệm được chi phí lưu trữ dữ liệu mà còn bảo đảm về vấn đề bảo mật. Và đây cũng được dự báo là xu hướng chung của các công ty có phát sinh dữ liệu ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đánh giá về thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam, CEO Viettel IDC Hoàng Văn Ngọc cho rằng, vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Điều này cũng đồng nghĩa tiềm năng ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung là rất lớn. Nhiều khả năng giai đoạn khởi đầu của Việt Nam vẫn sẽ kéo dài trong 10 năm tới, do đó hoàn toàn có thể kỳ vọng về số lượng khách hàng cũng như quy mô thị trường trung tâm dữ liệu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Trong vòng 5 năm tiếp theo, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam có thể sẽ cán mốc 1 tỷ USD với mức tăng trưởng 2 con số. Đây chính là cơ hội của các DN cung cấp trung tâm dữ liệu trong nước. Tuy nhiên sức sàng lọc của thị trường cũng rất mạnh. “Trong 5 năm tới, số lượng DN nội có trung tâm dữ liệu nhiều khả năng sẽ rút từ 40 của hiện tại xuống còn khoảng 4 - 5 cái tên có thực lực nhất”- ông Hoàng Văn Ngọc dự đoán.

“Xanh” hóa trung tâm dữ liệu

Cũng theo CEO Viettel IDC Hoàng Văn Ngọc, mặc dù thị trường trung tâm dữ liệu là rất hấp dẫn nhưng DN công nghệ cũng cần giải rất nhiều bài toán khó nếu muốn tham gia. Bên cạnh chi phí hạ tầng, cạnh tranh với cả DN nội lẫn DN ngoại thì “phát triển xanh” cũng là một yếu tố đang dần trở thành bắt buộc.

Các trung tâm dữ liệu trên thế giới đang đứng trước áp lực phải giảm lượng khí thải carbon, chuyển dần sang mô hình “xanh” nhằm tiết kiệm chi phí cho năng lượng phải tiêu thụ (lên tới 30%), từ đó gia tăng doanh thu. “Một số DN nước ngoài khi thuê trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đã bắt đầu đưa ra yêu cầu phải đáp ứng được các tiêu chuẩn “xanh”, đặc biệt là trong vấn đề tối ưu năng lượng”- ông Hoàng Văn Ngọc chia sẻ.

Đối với Việt Nam, theo Trưởng phòng Cơ chế chính sách và Quy hoạch (Cục Viễn thông - Bộ TT&TT) Trần Tuấn Anh, trung tâm dữ liệu “xanh” cũng sẽ sớm thành tiêu chuẩn bắt buộc. Giảm phát thải khí nhà kính, giảm dấu vết carbon trong chuỗi sản xuất công nghiệp không chỉ là xu thế tất yếu toàn cầu trong những thập kỷ tới mà cũng là cam kết của Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26.

Cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, với vị thế địa lý thuận lợi, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để trở thành điểm kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để hiện thực hóa được khả năng này, việc hòa nhịp với xu hướng quốc tế là bắt buộc và “xanh” hóa các trung tâm dữ liệu chính là điểm khởi đầu.