UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức lấy ý kiến góp ý của các lãnh đạo địa phương và các chuyên gia về Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Các đại biểu khẳng định, việc thành lập Trung tâm là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL.
“Một điểm đến đa dịch vụ” trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Vùng ĐBSCL là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp; nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước; Hạ tầng giao thông nội và liên vùng thiếu và yếu; Biến đối khí hậu tác động đến toàn vùng…
Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ có nội dung thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Theo đó, Trung tâm được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL.
Trung tâm có mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, mô hình này góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Đồng thời, khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Ông Nguyễn Khánh Tùng - Viện trưởng Viện KT-XH TP Cần Thơ cho biết: Trung tâm sẽ có 2 khu với tổng diện tích 250ha. Trong đó, Khu 1 có diện tích khoảng 50 ha, có phạm vi giới hạn tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Chức năng Khu 1 gồm: Văn phòng, quản lý, dịch vụ, logistic, hội chợ triển lãm, kiểm dịch... Khu 2 có diện tích dự kiến 200 ha, có vị trí, phạm vi giới hạn tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ. Chức năng Khu 1 gồm: Trung tâm công nghiệp nông nghiệp, Khu sản xuất, chế biến...
Ngoài ra, Trung tâm còn có mối liên kết có tính hệ thống với các trung tâm khác trong Vùng theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và với các trung tâm dịch vụ logistics, cảng biển tại Cần Thơ.
Trung tâm có 10 chức năng chức năng chính gồm: đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, ưu tiên các loại công nghệ để hình thành các chuỗi cung ứng gắn kết các nhà sản xuất nguyên liệu, nhà chế biến, thương nhân, các nhà vận chuyển, dịch vụ logistics, nhà phân phối và khách hàng, người tiêu dùng cùng các bên liên quan khác;...
Nhiều ưu đãi đầu tư vào Trung tâm liên kết
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ thông tin: Trung tâm dự kiến thu hút đầu vào cơ sở hạ tầng khoảng 6.600 tỷ đồng và hơn 9.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp trong thời gian tới.
Trung tâm sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cho các mặt hàng ĐBSCL, đặc biệt là giúp người dân, doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản thông qua việc nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản.
Theo quy định tại Nghị quyết số 45/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư tại Trung tâm được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo....
Ngày 7/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 816/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo kế hoạch, ĐBSCL sẽ được đầu tư phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp, bao gồm: 1 trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP Cần Thơ thực hiện vai trò là trung tâm logistic của vùng gắn với phát triển dịch vụ logistic ở Hậu Giang; 7 trung tâm đầu mối có chức năng chính thu gom, phân loại, chế biến nông sản.