Trừng trị hành vi tung tin, đồn nhảm mùa dịch bệnh

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp những tin đồn nhảm, sai lệch liên quan dịch Covid-19 xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của các cơ quan chức năng, công ty mạng xã hội.

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, phải xử lý hình sự để răn đe mới có thể ngăn chặn được tình trạng tung tin đồn nhảm - "đại dịch" khác thời Covid-19.
Tràn lan tin đồn nhảm
Theo Bộ Công an, thời gian vừa qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến nay, cơ quan chức năng đã triệu tập các đối tượng, buộc gỡ các thông tin sai, cam kết không tái phạm; đồng thời, căn cứ vào quy định pháp luật để xử phạt những trường hợp nghiêm trọng. Nếu sau khi bị xử lý hành chính vì tung tin giả mà tái phạm và có đủ căn cứ sẽ xử lý hình sự.
Cơ quan an ninh Hà Nội xử lý một đối tượng tung tin giả về dịch Covid-19. Ảnh: VTV
Mặc dù cơ quan chức năng liên tiếp cảnh báo, xử lý nhiều trường hợp tung tin đồn nhảm liên quan dịch Covid-19, thế nhưng, gần như ngày nào cũng có các trường hợp bị xử lý. Mới đây nhất, chiều 1/4, Sở TT&TT tỉnh Quảng Nam cho biết, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Hoài Thu (SN 1976, trú tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) số tiền 12,5 triệu đồng.
Bà Thu bị phạt hành chính vì có hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên trang facebook cá nhân. Tại cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Hoài Thu thừa nhận hành vi sai phạm của mình và đã gỡ thông tin đăng trên facebook cá nhân.
Ngày 31/3, thông tin từ Công an tỉnh Hà Giang cho biết, cơ quan công an đã làm việc với đối tượng S.T.M. (40 tuổi, trú tại huyện Quản Bạ, Hà Giang) về việc đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến dịch Covid-19.
Trước đó, S.T.M. đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân đăng tải với nội dung: “Tin tức thời sự 10 giờ 30 phút sáng: Hà Giang 6 ca mắc mới. Hà Giang ơi, cố lên”. Do S.T.M. là công chức nên những thông tin đưa lên trên mạng đã nhận được nhiều phản hồi, lo ngại trong cộng đồng. Xét tính chất, mức độ của vụ việc, Công an huyện Quản Bạ đã quyết định xử phạt S.TM 10 triệu đồng theo Nghị định 174/NĐ-CP của Chính phủ.
Cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh mới đây đã phát hiện chủ tài khoản facebook Nguyễn Sin - người đưa tin thất thiệt “Có một người chết vì Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh”, gây hoang mang dư luận hôm 28/3. Tài khoản facebook này có sức ảnh hưởng lớn, khi có hơn 800.000 người theo dõi. Thông tin này ngay lập tức nhận được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng khi có hơn 4.100 người “like”, gần 700 bình luận, hơn 500 lượt chia sẻ thông tin thất thiệt này.
Thanh tra Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đã mời chủ tài khoản này lên làm việc vào ngày 30/3, để làm rõ các vấn đề xung quanh thông tin thất thiệt nêu trên. Về phía facebooker Nguyễn Sin, sau khi nhận được yêu cầu lên làm việc với Thanh tra Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh, chủ tài khoản này đã xóa bỏ nội dung nêu trên, sau đó liên tiếp đăng thông tin trên facebook: “Bệnh nhân chỉ đang nguy kịch, chưa tử vong”; “Thông tin tôi đưa không chính xác. Nhiệt huyết quá thành phá hoại. Tôi xin chấp hành mọi quy định xử phạt…”.
Tuy nhiên, theo Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh, hành vi tung tin xuyên tạc, sai sự thật cần được xử lý nghiêm minh, nhất là trong thời điểm cả nước đang quyết tâm chống dịch Covid -19 như hiện nay.
Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã làm việc với Đ.N.Q (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) - một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để làm rõ về hành vi đăng thông tin thất thiệt liên quan dịch Covid -19 trên facebook cá nhân. Từ tháng 2/2020 đến nay, tài khoản này phát tán hơn 200 bài viết với nội dung thông tin chưa được kiểm chứng về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước…
Xử lý hình sự hành vi tung tin đồn nhảm
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, hiện nay, cả nước đang gồng mình lên chống dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công bố dịch trên toàn quốc và có Chỉ thị cách ly toàn xã hội. Trong khi người dân cả nước dồn sức chống dịch, rất nhiều trường hợp lại đăng tin đồn nhảm, sai sự thật về dịch Covid-19, ca nhiễm bệnh, tình trạng cách ly… nhằm câu view, câu like cho tài khoản faceboook của mình. Những thông tin này đã gây ra sự hoang mang, lo sợ cho người dân khi lượng chia sẻ rất nhiều.
Nếu xét bản chất, nguyên nhân sâu xa, người đăng tin giả, sai sự thật, xuyên tạc có thể xuất phát từ sự hiếu kỳ, tò mò hoặc lợi dụng thông tin nóng về dịch bệnh Covid-19 được nhiều người quan tâm nhằm mục đích câu view, kinh doanh online. Họ cho rằng, mình là chủ tài khoản facebook, được quyền phát ngôn, đăng tin, thậm chí nghĩ không rằng, không có cơ quan nhà nước nào xử lý được mình và các tài khoản facebook chỉ là ảo.
Chính vì sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế mà nhiều người vẫn đăng tin sai sự thật, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng rất lớn, tác động xấu đến việc đấu tranh phòng chống dịch Covid-19 mà Chính phủ đang ra sức thực hiện.
"Nếu muốn đăng tin trên mạng xã hội, nên lựa chọn các thông tin chính thống, được kiểm chứng từ các trang tin chính thống của Chính phủ, Bộ y tế, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các cơ quan báo chí, truyền hình được cấp phép hoạt động; tránh chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng về tính chính xác hoặc chưa được cơ quan nhà nước công bố” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ.
Trong khi đó, TS Hoàng Thị Loan - giảng viên Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, cần xử lý thật nghiêm đối với các hành vi tung tin đồn nhảm trong mùa dịch. Theo quy định của pháp luật hình sự, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh gây ra hậu quả xấu có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Hình phạt nặng nhất có thể bị áp dụng là 200 triệu đồng và 5 năm tù giam (Điều 288).
Trường hợp người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng chống dịch, người mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác. Hình phạt nặng nhất có thể bị áp dụng là 30 triệu đồng và 5 năm tù giam (Điều 155).
Ngoài ra, tùy vào mức độ xâm phạm của hành vi tung tin, người tung tin có thể phải gánh chịu các mức phạt vi phạm hành chính hoặc bồi thường thiệt hại khác theo quy định. Các cơ quan chức năng cần rà soát, xác định và xử lý thật triệt để đối với các hành vi tung tin không đúng sự thật về dịch bệnh để trục lợi, gây hoang mang dư luận trong mùa dịch.

Với hành vi trái pháp luật như vậy, mức phạt được quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3/2/2020, có hiệu lực từ 15/4/2020. Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội từ 10 - 20 triệu đồng. Việc xử phạt người đăng tin đồn thất thiệt, sai sự thật là cần thiết nhằm răn đe, giáo dục chung cho người vi phạm. Đồng thời, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho người khác khi muốn đăng tin trên mạng.

Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng