Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường thông tin: Từ ngày 18/7 đến 3/9, trên địa bàn huyện ghi nhận 70 ca mắc Covid -19 (27 ca tại cộng đồng, 4 ca trong khu vực phong tỏa, 39 ca trong khu cách ly). Các đơn vị, địa phương đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung 559 trường hợp F1, ban hành quyết định cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà cho 3.172 trường hợp F2. Từ 31/3 đến nay, toàn huyện đã triển khai 10 đợt tiêm vaccine với 60.158/53.210 liều, đạt 113%. Việc tiêm vaccine đảo đảm an toàn, minh bạch, đúng đối tượng, đúng kỹ thuật, không xảy ra tai biến sau tiêm...
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra công tác phòng chống Covid -19 ở huyện Hoài Đức. |
Huyện Hoài Đức cũng đã thành lập các khu cách ly tập trung, đáp ứng 6.000 chỗ, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất (với kinh phí hơn 11 tỉ đồng) theo chỉ đạo của TP. Huyện đã vận hành 2 khu cách ly tập trung (tại trường Tiểu học thị trấn Trạm Trôi và trường Mầm non An Khánh B), tiếp nhận 228 trường hợp F1 của các xã, thị trấn và 7 trường hợp trở về từ TP Hồ Chí Minh, đến cách ly đúng quy định.
Huyện đã thành lập 22 điểm bán hàng, 14 điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản và 4 đội xe vận chuyển trên địa bàn các xã, bảo đảm ổn định giá cả thị trường và nhu cầu của người dân; không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản trên địa bàn. Huyện đã hỗ trợ nông dân vận chuyển, tiêu thụ được hơn 412 tấn rau củ quả, hơn 111 tấn nhãn, ổi, 321.851 quả trứng gà, 898.095 quả trứng chim cút, 222.000 cây giống. Hỗ trợ nông dân các huyện: Ba Vì, Thanh Oai tiêu thụ hàng chục tấn măng tươi, thịt ếch...
Các "vùng xanh" trên địa bàn huyện Hoài Đức sẽ được xem xét để nới lỏng, tạo điều kiện cho người dân sản xuất và lưu thông hàng hóa... |
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, các đối tượng là hộ nghèo, hộ chính sách, lao động nghỉ không lương…đã được huyện hỗ trợ theo đúng quy định với số tiền hơn 25 tỉ đồng. Ngoài ra trên địa bàn còn có hơn 9 ngàn lao động tự do là người ngoài huyện bị mắc kẹt, đã được các nhà thầu hỗ trợ 50.000/ngày và cộng đồng dân cư ủng hộ tiền bạc, lương thực, thực phẩm. Qua rà soát, xã An Thượng cũng đã hỗ trợ các lao động tự do kẹt lại tới 160 tấn gạo…
Về việc phòng chống dịch tại các chốt, Trưởng Công an huyện Hoài Đức Nguyễn Ngọc Mẽ thông tin: Thời gian qua không có người vi phạm, người mắc bệnh lọt qua các điểm chốt. Trên địa bàn không xảy ra phạm pháp hình sự, Công an huyện đã bắt 2 vụ việc liên quan đến buôn bán thiết bị y tế, tiếp nhận 6 người đặc xá dịp 2/9, (đã giao cho cấp xã theo dõi, giám sát).
"Ngoài việc duy trì những chốt hiện tại, từ 6/9, Công an huyện sẽ lập thêm 3 chốt, với 100% quân số trực chiến đã được xét nghiệm, đầy đủ sức khỏe, sẵn sàng chống dịch. Tuy nhiên, công tác cấp giấy đi đường cho người dân theo quy định mới chắc chắn sẽ gặp khó khăn vì đến giờ phút này, lực lượng công an trên địa bàn huyện vẫn chưa được cung cấp máy móc thiết bị"- Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ cho biết.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống Covid -19 huyện Hoài Đức kiểm tra trực tuyến từ Sở Chỉ huy huyện đến Sở Chỉ huy các xã, thị trấn trên địa bàn. |
Thời gian tới, trên cơ sở phân vùng của TP, huyện Hoài Đức sẽ có một phần địa giới nằm trong vùng đỏ, còn lại phần lớn các xã nằm trong vùng xanh, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức dự kiến: Chia các xã, thị trấn thành các vùng cụ thể, trên cơ sở đó, kiểm soát chẽ mọi hoạt động tại vùng đỏ, nới lỏng các vùng xanh, cho phép hoạt động giao thương trở lại. "Công nhân, lao động được phép đi lại giữa các xã vùng xanh, huyện vùng xanh, nhưng với điều kiện các địa phương nơi đến, nơi đi đồng ý..."-Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hồng Trường thông tin.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đánh giá cao công tác phòng dịch tại huyện Hoài Đức. Đồng thời đề nghị, huyện Hoài Đức cần có phương án phân chia các vùng cụ thể để kiểm soát công tác phòng dịch một cách nghiêm ngặt. Siết chặt việc kiểm soát "vùng đỏ", với "vùng xanh" cần điều chỉnh các chốt cho phù hợp. Các xã, thị trấn phải có phương án chi tiết về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, trình và được UBND huyện phê duyệt. Về xây dựng, chủ tịch huyện cần cân nhắc, trước mắt ưu tiên những công trình trọng điểm cấp huyện; những công trình cấp bách, để đảm bảo giải ngân nguồn vốn đầu tư công…
Về trao đổi hàng hóa, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đề nghị, huyện Hoài Đức hiện có 3 chợ đầu mối, nên cần phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể để hoạt động trở lại. Nhưng phải bảo đảm giãn cách, phòng dịch và đáp ứng tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho nông dân, không để xảy ra ùn ứ nông sản tại địa phương. Tập trung tiêu thụ sản phẩm trong địa bàn huyện; sau đó, từng bước có quy chế hoạt động được kiểm soát tốt, để tiêu thụ sản phẩm của các huyện lân cận...
"Từ 0h ngày 6/9, huyện Hoài Đức phải có phương án, kế hoạch chi tiết được phê duyệt và đáp ứng tiêu chí phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hoài Đức phải đồng tâm, hiệp lực, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong thời gian tới. Hy vọng huyện sẽ là đơn vị dẫn đầu trong phong trào chống dịch của 30 quận, huyện trên địa bàn TP”- Trưởng ban Tổ chức Thành ủy nhấn mạnh.