Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng: Sinh viên đi trải nghiệm làm “công nhân”?

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm sinh viên đang theo học ngành điện tại trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng thay vì được đi trải nghiệm đúng ngành học thì lại bị trường này “ép buộc” đi làm công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng?

Một sinh viên học hệ cao đẳng năm thứ 3 cho biết:" Hiện tại chúng em đang đi trải nghiệm tại một DN ở KCN Vsip. Nói là đi trải nghiệm nhưng thực chất là chúng em đi làm công nhân, ngày làm 8 tiếng được trả lương từ 4 - 5 triệu VNĐ/tháng. Có xe đưa đến nơi, đón về đúng chỗ, hiện chúng em đang học ngành điện lạnh nhưng lại làm ở DN hoạt động trong lĩnh vực máy in, máy tính văn phòng. Công việc này hoàn toàn không liên quan đến ngành đang học. Nhưng buộc phải đi trải nghiệm theo kế hoạch nhà trường đã định sẵn. Vì bạn nào muốn đi riêng thì phải xin ý kiến trưởng khoa, thực tế việc này là rất khó nếu không coi như không được tốt nghiệp ra trường".
Chúng em cũng không muốn đi nhưng không còn cách nào khác. Do là sinh viên dưới hình thức đi “trải nghiệm” nên không có bảo hiểm xã hội, chỉ là làm việc 8 tiếng và hưởng lương theo ngày làm. Nếu là công nhân sẽ được hưởng theo các chế độ của DN. Bạn H còn cho biết sau khi nhận bằng ra trường sẽ đi làm tự do chứ không đi làm công nhân như đang làm như hiện tại. Mỗi khóa trải nghiệm này kéo dài khoảng 3 tháng nên các bạn sinh viên hệ cao đẳng đều phải theo hết.

Trả lời về vấn đề nêu trên ông Cao Anh Tuấn - Hiệu phó nhà trường cho biết hiện nay đối với ngành điện đưa sinh viên đi thực tập là rất khó, lẻ tẻ, rải rác không quy tụ được vào một chỗ. Ông Tuấn thừa nhận có việc cho các em đi như vậy là không đúng và sẽ rút kinh nghiệm không cho các em khóa sau đi “trải nghiệm thực tế” như trên nữa.

Lý giải vì sao sinh viên đi trải nghiệm lại được Công ty ký “hợp đồng thực tập” cho mỗi em vì theo luật lao động thì chỉ có hợp đồng thời vụ, hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng thử việc... chứ không tồn tại loại hợp đồng nào có tên là “hợp đồng thực tập” Ông Tuấn lí giải đây là hợp đồng để Công ty trả tiền cho các em vào mỗi tháng đến kỳ nhận tiền.

Ông Phạm Văn Đát - Trưởng phòng công tác sinh viên nhà trường cho biết; mỗi khóa trường tuyển sinh và đào tạo khoảng 250 sinh viên, đối với hệ cao đẳng nhà trường sẽ chủ động liên hệ với các DN nước ngoài đang hoạt động tại các khu CN như Nomura, Vsip, Tràng Duệ…để cho các sinh viên này đi trải nghiệm. Còn vì sao các em phải đi trải nghiệm trái ngành học thì ông Đát cho rằng thực tế các em sẽ học hỏi được rất nhiều, tích lũy kinh nghiệm... việc cho các em đi như vậy là do nhà trường tự liên hệ, nhà trường sẽ ký riêng hợp đồng với DN.

Khi được hỏi về việc các chế độ, quyền lợi của sinh viên đi làm với thời hạn 3 tháng ông Trần Cáp Phi - Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho rằng mọi chế độ quyền lợi là đầy đủ như bảo hiểm 24h, bảo hiểm con người…Theo luật quy định khi ký hợp đồng cho người lao động 1 tháng trở lên thì người lao động sẽ được đóng BHXH, về câu hỏi này ông Phi cho biết không nắm rõ. Trong khi đó cả hai trưởng phòng đều khẳng định các sinh viên đi “trải nghiệm” được quan tâm hết mức. Có điều “hợp đồng thực tập” được ký giữa DN với sinh viên thì cả 2 ông này khẳng định không được biết, không nhìn thấy…

Cũng theo em sinh viên thì các em không được hưởng các quyền lợi bảo hiểm nào khác giống như 2 ông Trưởng phòng đã khẳng định. Vì sợ bị trù dập và sợ không được ra trường nên không sinh viên nào dám lên tiếng phản ánh. Em H còn cho rằng đợt đi trải nghiệm lần này có 3 khóa học gồm; sửa chữa ô tô, điện và dập kim loại lên tới vài trăm em...

Rõ ràng Trường Cao đẳng công nghiệp Hải Phòng đang đào tạo sinh viên một đằng nhưng lại cho các sinh viên này “trải nghiệm thực tế” một nẻo. Liệu đây có phải là chiêu thức lách luật của nhà trường khi các em sinh viên “chính là công nhân” thực thụ. Hơn thế nữa vấn đề đặt ra là nhà trường sẽ được hưởng lợi gì khi các sinh viên đi trải nghiệm đều do nhà trường tự liên hệ, tự ký hợp đồng với các công ty. Liệu sau khi các em tốt nghiệp nhà trường có đảm bảo cho các em ổn về mặt “chất lượng”. Liệu

Đã đến lúc các cơ quan chức năng tại Hải Phòng cần vào cuộc để xem xét lại cách thức đào tạo tuyển dụng tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng. Nếu nhà trường làm đúng, làm tốt thì cần được phát huy. Nhà trường không làm đúng và tuân thủ theo quy định của pháp luật thì cần được chấn chỉnh kịp thời tránh để xảy ra tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, học một đằng làm một nẻo.