Trường Đại học Kinh tế công bố 3 chuyên ngành mới
Kinhtedothi - Ngày 10/5/2025, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội đã tổ chức lễ công bố ba chuyên ngành đào tạo mới thuộc chương trình Cử nhân Kinh tế quốc tế.
Cụ thể, 3 chuyên ngành đào tạo mới thuộc chương trình Cử nhân Kinh tế quốc tế gồm: Thương mại quốc tế; Kinh doanh quốc tế và Phát triển thị trường toàn cầu; Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội phát biểu trong Buổi công bố các chuyên ngành đào tạo ngành Kinh tế quốc tế
Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Chủ tich hội đồng Trường, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, chương trình được thiết kế nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có hoài bão, lý tưởng, có tư duy toàn cầu và khả năng thích ứng với bối cảnh hội nhập.
PGS.TS. Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội cho biết, sinh viên ngành Kinh tế quốc tế được học tập trong môi trường đổi mới, quốc tế hóa, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế. Sinh viên cũng có nhiều cơ hội tham gia chương trình trao đổi tín chỉ, study tour tại nhiều quốc gia.

PGS.TS. Lê Trung Thành - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội phát biểu trong Buổi công bố các chuyên ngành đào tạo ngành Kinh tế quốc tế.
Trong chương trình, PGS.TS. Vũ Thanh Hương - Phó trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế nhấn mạnh chương trình học tích hợp lý thuyết chuyên sâu với thực tiễn hiện đại, cập nhật xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh và trí tuệ nhân tạo. Sinh viên được trang bị toàn diện về tư duy chiến lược, kỹ năng phân tích và khả năng làm việc đa văn hóa, từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường lao động. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt khoảng 95%, thể hiện chất lượng đào tạo uy tín và sức hút của ngành.

PGS.TS. Vũ Thanh Hương - Phó Trưởng Khoa, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế giới thiệu Bản đồ nghề nghiệp ngành Kinh tế quốc tế.
Một điểm mới nổi bật được giới thiệu trong chương trình là “Bản đồ nghề nghiệp ngành Kinh tế quốc tế”, công cụ trực quan giúp sinh viên định hướng rõ ràng lộ trình học tập và phát triển nghề nghiệp, kết nối giữa học phần, kỹ năng và vị trí việc làm trong tương lai.
Đồng thời, nhà trường ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với 4 trường THPT đối tác: Kim Liên, Đống Đa, Nhân Chính và Khương Đình. Hoạt động này thể hiện cam kết tăng cường công tác hướng nghiệp và xây dựng cầu nối bền vững giữa giáo dục phổ thông và đại học. Đại diện doanh nghiệp cũng chia sẻ nhu cầu thực tiễn về tuyển dụng và kỹ năng thiết yếu dành cho sinh viên trong kỷ nguyên hội nhập.

Các đại biểu, khách mời tham dự lễ công bố các chuyên ngành đào tạo ngành Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dự kiến năm 2025, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội tuyển sinh 3.000 chỉ tiêu cho 9 ngành và 30 chuyên ngành đào tạo, gồm chương trình chính quy trong nước và liên kết quốc tế. Phương thức tuyển sinh đa dạng: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025; xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả học tập bậc THPT; xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của ĐHQG Hà Nội.

Trường Đại học Cần Thơ công bố thành lập 4 trường chuyên ngành trực thuộc
Kinhtedothi - Ngày 10/10, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức khai giảng năm học 2022 – 2023; công bố thành lập 4 trường, 01 khoa và 01 viện trực thuộc trường.

Cả nước mới có 49 trường đại học đào tạo đúng chuyên ngành Logistics
Kinhtedothi– Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa, các hoạt động logistics từ sản xuất đến tiêu dùng ngày càng đóng vai trò quan trọng. Hiện nguồn nhân lực được xem là vấn đề nan giải nhất của ngành Logistics do vừa thiếu, vừa chưa được đào tạo bài bản.

Khoa học vật liệu - ngành học gắn liền với sự phát triển của công nghệ
Kinhtedothi - Trong thời đại công nghệ phát triển, việc đẩy mạnh nghiên cứu và đào tạo ngành khoa học vật liệu có ý nghĩa rất lớn đối với khoa học kỹ thuật cũng như nhu cầu cuộc sống của con người.