Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội:

Trường đầu tiên diễn tập phương án đón học sinh học trực tiếp sau Tết

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để sẵn sàng phương án, đảm bảo an toàn cho học sinh từ khối 7 đến 12 học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết, chiều 22/1, trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) đã tổ chức diễn tập điểm về công tác đón học sinh trở lại trường học.

Tham dự buổi diễn tập có lãnh đạo Giám đốc Sở GD&ĐT; lãnh đạo quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến, trưởng phòng GD&ĐT 12 quận và hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn quận.

Các đại biểu tham dự buổi diễn tập tại trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình
Các đại biểu tham dự buổi diễn tập tại trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình

Để công tác đón học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường sau nghỉ Tết Nguyên đán đảm bảo hiệu quả và an toàn, việc diễn tập các tình huống có thể xảy ra khi tổ chức triển khai cho học sinh đi học là thực sự cần thiết.

Với các kinh nghiệm diễn tập trước đó (tại kỳ thi vào lớp 10 THPT 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021), trường THCS Giảng Võ thực hiện diễn tập theo 7 bước cơ bản với 7 phương án giải quyết, ứng phó rất cụ thể.

Bước một là bố trí, sắp xếp và hướng dẫn khi phụ huynh khi đưa, đón học sinh. Các trường học đa phần nằm ở vị trí có mật độ phương tiện qua lại đông, do vậy khi tổ chức cho học sinh đi học, lực lượng thanh tra giao thông, công an cơ sở, tự quản cần tích cực phối hợp điều tiết đảm bảo an toàn giao thông, không để ùn ứ người và phương tiện; nếu xảy ra tình trạng tập trung đông cùng một thời điểm, cần nhắc nhở học sinh, phụ huynh di chuyển ngay và chú ý giãn cách.

Bước hai là hướng dẫn học sinh vào trường, vào lớp học đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Vì số lượng học sinh đi học đợt này đông nên các trường học lưu ý mở rộng hết các cổng trường, thông báo rõ ràng về phương án phân luồng về cổng chính, cổng phụ, cổng sau; các khu vực cầu thang… để học sinh, phụ huynh nắm được và thực hiện. Với học sinh đi bộ, khi đến cổng sẽ đi theo hàng lối, được đo thân nhiệt từ cổng trường, sau đó tiếp tục di chuyển lên lớp học.

Bước ba là hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập tại các lớp học đảm bảo công tác phòng chống dịch. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ lớp sẽ cập nhật nhiệt độ của học sinh lúc đầu giờ và cuối giờ để ghi vào sổ nhật ký theo dõi sức khỏe; nhà trường căn cứ vào đó để cập nhật, báo cáo Phòng GD&ĐT hàng ngày. Mỗi lớp học có sổ Nhật kí, rổ đựng nhiệt kế, khẩu trang dự phòng, cốc giấy,  sọt rác có nắp đậy. Quá trình học tại trường, học sinh không gọi đồ bên ngoài; khi tan học, các em ra về theo cầu thang và lối ra cổng theo quy định như lúc vào trường, luôn giữ khoảng, đeo khẩu trang, thực hiện đúng quy định 5K. Nếu học sinh ho, sốt...báo cho giáo viên chủ nhiệm và xin phép nghỉ học, không đến trường.

Buổi diễn tập đã đưa ra 7 tình huống và phương án xử lý cơ bản
Buổi diễn tập đã đưa ra 7 tình huống và phương án xử lý cơ bản

Bước bốn- bước quan trọng nhất là xử lý các tình huống khi phát hiện học sinh có dấu hiệu thân nhiệt cao, sốt, mỏi mệt, nghi ngờ nghiễm Covid-19 trên lớp học (hoặc trong khuôn viên nhà trường). Với tình huống này, giáo viên sẽ nhanh chóng đưa học sinh đó xuống phòng y tế hoặc phòng cách ly y tế tạm thời để nghỉ ngơi, hỏi han tình trạng, trấn an tinh thần, đo thân nhiệt và thông báo gia đình kết hợp điều tra dịch tễ. Nếu thân nhiệt ổn định, không có yếu tố dịch tế sẽ cho học sinh lên lớp học bình thường; còn nếu tiếp tục ho, sốt, nhân viên y tế sẽ báo cáo liên hệ đội phản ứng nhanh đến xử lý theo quy định.

Trong quá trình học tập trên lớp, nếu phát hiện học sinh có biểu hiện ho, sốt, mỏi mệt, mất vị giác, khứu giác, nghi nhiễm Covid-19, giáo viên cho tạm dừng việc giảng dạy, báo cáo ban giám hiệu; đưa học sinh về phòng cách ly tạm thời để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Tiếp đó, giáo viên thực hiện xác định các học sinh có tiếp xúc gần với F0 trong lớp học để đánh giá nguy cơ; khử khuẩn lớp học và những nơi học sinh đó có tiếp xúc; thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn mới của Liên ngành Y tế- GD&ĐT; đồng thời thông báo cho gia đình học sinh, báo cáo phòng GD&ĐT.

Bước năm là, lớp có học sinh nghỉ học do được xác định là F0. Giáo viên chủ nhiệm nắm bắt thông tin, báo cáo ban giám hiệu nhà trường. Tại lớp, giáo viên tổ chức tiến hành xác định những học sinh có tiếp xúc gần với F0 để đánh giá nguy cơ và đề xuất thực hiện các giải pháp theo hướng dẫn Liên ngành mới.

Bước sáu là hướng dẫn học sinh ra khỏi lớp (trường) đảm bảo công tác phòng chống dịch khi kết thúc buổi học. Bước này được thực hiện tương tự như bước hai; giáo viên, giám thị trực tích cực nhắc nhở học sinh giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc khi không thực sự cần thiết, nhanh chóng ra khỏi trường; giữ trật tự trường, lớp; trường thực hiện vệ sinh, khử khuẩn phòng học sạch sẽ sau mỗi buổi học.

Bước bảy là bên ngoài cổng trường, hướng dẫn, nhắc nhở, giám sát học sinh và phụ huynh đảm bảo công tác phòng chống dịch và an ninh trật tự, an toàn giao thông. Khi ra cổng trường, học sinh đi đúng phân luồng, đảm bảo giữ khoảng cách, không tụ tập ở vỉa hè, lòng đường. Phía cổng trường, các lực lượng hướng dẫn phụ huynh sau đón học sinh cần di chuyển ngay để đảm bảo không ùn ứ người, phương tiện giao thông tại khu vực (tương tự bước một). 

Về việc cho học sinh trở lại trường học, Thường trực Thành uỷ giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo xây dựng lộ trình việc cho học sinh từ lớp 7 trở lên trên địa bàn TP trở lại trường học bảo đảm an toàn, phù hợp, có thông báo trước về thời gian để chuẩn bị tốt nhất. UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT xây dựng phương án đưa học sinh trở lại trường và chuẩn bị các kịch bản ứng phó; trong đó lưu ý công tác diễn tập đón học sinh sẽ thực hiện trước Tết Nhâm Dần 2022.