Cụ thể, di tích lịch sử Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (năm 1949) được xếp hạng di tích quốc gia về di sản văn hóa. Theo đó, UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Cách đây 70 năm, ngày 4/4/1949, trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng khai giảng khóa đầu tiên gồm 42 thành viên (đến từ các tòa soạn báo trung ương, quân đội, các ban, ngành, đoàn thể, liên khu…).
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Theo thông tin được Bảo tàng Báo chí Việt Nam cung cấp, Ban Giám đốc trường Huỳnh Thúc Kháng lúc đó do Tổng bộ Việt Minh trực tiếp chỉ định. Giám đốc là Nhà báo Đỗ Đức Dục. Phó Giám đốc là Nhà báo Xuân Thủy. Ủy viên là các Nhà báo Như Phong, Đồ Phồn, Tú Mỡ.
Một đội ngũ giảng viên hùng hậu đã tham gia công tác đào tạo, bao gồm những nhà báo kiêm chính trị gia nổi tiếng như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Xuân Thủy, Hà Xuân Trường, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Như Phong, Từ Giấy, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Hải, Trần Đình Thọ, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao…
Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 5 di tích quốc gia là nơi thành lập các cơ quan báo chí, gồm: Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Văn nghệ cứu quốc và Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.