Thưa ông, một thông tin đưa tại hội nghị các khu công nghiệp và khu chế xuất cho biết, các DN chỉ sử dụng 18% lao động qua đào tạo. Ý kiến của ông về việc này thế nào?
- Hiện nay, cơ cấu DN có các thiết bị càng hiện đại thì sử dụng lao động càng đơn giản, vì tất cả các khâu đều đã có máy móc làm thay. Bởi thế, những DN này chỉ cần sử dụng lao động được huấn luyện tay nghề trong vài tuần thay cho một tay máy. Nếu người ta thiết kế thêm một tay máy sẽ khỏi cần đến lực lượng này, nhưng lao động của mình có giá công rẻ, lương chỉ vài ba triệu đồng/tháng, tính ra có lợi hơn. Những lao động làm thay tay máy, sau 10 năm ra ngoài vẫn là những người chưa qua đào tạo, vì họ chỉ biết nhặt cái này bỏ vào chỗ kia. Lao động đã qua đào tạo thì phải làm từ khâu đầu đến cuối, làm ra thành phẩm. Nếu họ không làm ở nhà máy này thì chuyển qua công ty khác, ở đâu người ta cũng cần. Tôi muốn nói thêm, các DN cũng cần lao động qua đào tạo làm công việc sửa chữa, bảo dưỡng, để vận hành hệ thống thiết bị tự động, nhưng không nhiều.
Trước xu thế hoạt động của các DN như vậy, chúng ta cần có sự thay đổi trong chiến lược đào tạo thế nào, trong khi quy hoạch 70% lao động trong các DN đã qua đào tạo?
- Chỉ những DN có trình độ cao như Samsung mới sử dụng lực lượng lao động làm thay tay máy. Còn ở nước ta, 90% DN vừa và nhỏ, máy móc tự động hóa ở mức độ vừa phải cho nên phải sử dụng 60 - 70% lao động qua đào tạo nghề. Cơ cấu lao động nói chung của nước ta và các nước phát triển đi theo hướng trong 100% có 40 - 50% lao động không qua đào tạo làm thay tay máy, 35 - 40% được đào tạo nghề và 10% tốt nghiệp đại học.
Xã hội hóa đào tạo đại học (ĐH) và trường nghề là mục tiêu được đặt ra trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Hiện nay, một số trường ĐH đã được Nhà nước cho phép thực hiện thí điểm tự chủ hoàn toàn. Vậy, các trường nghề sẽ được xã hội hóa ra sao và tự chủ thế nào?
- Trong lĩnh vực dạy nghề, hiện nay, chúng tôi đang lựa chọn 4 trường để thực hiện thí điểm tự chủ (Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh, Cao đẳng nghề Lilama 2, Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh và Cao đẳng nghề Quy Nhơn). Chúng tôi đã đọc xong đề án của 4 trường này và trình Chính phủ để làm thí điểm với các mức tự chủ khác nhau. Cùng với đó là đang xây dựng dự thảo Nghị định tự chủ trong lĩnh vực dạy nghề; xin ý kiến các bộ, ngành, các địa phương và sau đó sẽ trình Chính phủ ra quyết định.
Đương nhiên, xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề sẽ gặp khó so với các trường ĐH vì những người đi học nghề thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nhưng tôi tin sẽ có một số trường thực hiện được, họ sẵn sàng đi trước và rút kinh nghiệm, từ đó mở rộng xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề. Đặc biệt, sau này những trường tự chủ trong đào tạo nghề sẽ gắn với DN, vì DN được thụ hưởng rất nhiều sản phẩm của dạy nghề. Hiện, chúng ta đang thí điểm mô hình đào tạo kép của Đức ở một số nơi, đáp ứng nhu cầu của DN. Trong tháng 1/2016, chúng tôi sẽ tổng kết, đánh giá, xem xét khả năng có thể nhân rộng. Thực hiện cách làm này chính là xã hội hóa, giảm gánh nặng cho Nhà nước về mặt kinh tế.
Để các trường nghề có thể tự chủ được cần phải có các điều kiện tối thiểu?
- Muốn tự chủ được thì phải có điều kiện, trước tiên về tài chính. Các trường công được Nhà nước cấp kinh phí thường xuyên và kinh phí đầu tư, khi thực hiện tự chủ, trường phải lo hết. Tôi cho rằng, khả năng các trường tự chủ theo kiểu ấy rất thấp. Nói chung, nếu trước mắt Nhà nước cắt đi ngay 2 khoản kinh phí vẫn cấp cho các trường thì sẽ không đơn vị nào đứng độc lập được. Thế nên bây giờ làm từng bước một, theo lộ trình, trước hết đặt ra một số trường tự chủ được chi thường xuyên, còn kinh phí đầu tư vẫn được Nhà nước cấp. Những đề án đã được Nhà nước phê duyệt thì vẫn triển khai. Về sau, các trường đào tạo ra sản phẩm được xã hội thừa nhận, nhiều người muốn vào học và đóng học phí cao, lúc đó mới có thể tự chủ hoàn toàn.
Xin cảm ơn ông!