70 năm giải phóng Thủ đô

Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Ngãi - Dấu ấn 30 năm

Hà Phương - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 30 năm hình thành và phát triển, trường THPT Dân tộc Nội trú (DTNT) tỉnh Quảng Ngãi khẳng định được vai trò nòng cốt của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các huyện miền núi của tỉnh này.

Trời bắt đầu trở lạnh, sáng sớm, anh Đinh Văn Sửu (xã Sơn Cao, huyện Hơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) vội vàng gói ghém theo quần áo ấm mang xuống phố cho con trai.
 2 cha con anh Đinh Văn Sửu
“Tranh thủ mang theo ít đồ cho con chứ trời lạnh rồi. Nó học trong trường có chỗ ăn uống, ngủ nghỉ nên tui yên tâm lắm. Xuống cho thêm ít tiền tiêu vặt với dặn nó cố gắng học thôi”, anh Sửu cười.

Năm trước, Đinh Văn Mông, con trai anh Sửu đã rất cố gắng để có kết quả cao hơn các bạn khác và vào học trong trường. Hiện Mông đang học lớp 11B6 trường THPT DTNT tỉnh Quảng Ngãi.

“Học ở đây hơn 1 năm rồi, không phải lo gì hết vì người ta nuôi mình luôn. Hàng tháng cũng được nhận hỗ trợ nữa”, Mông chia sẻ.
  trường THPT DTNT tỉnh Quảng Ngãi
Như đúng theo tên gọi, học sinh trong trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số như H’re, Cor, Cadong ở các khu vực miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài học bổng theo quy định của nhà nước, hàng tháng các em được hưởng 80% mức lương tối thiểu. Khoản học bồng được dùng để thực hiện chế độ ăn hàng ngày cho các em (3 bữa/ ngày) đảm bảo chất lượng. Tiền học bổng còn thừa từ 280 đến 300 nghìn đồng/ tháng của 1 học sinh, nhà trường cấp phát đầu tháng để các em mua sắm vật dụng cá nhân. Mỗi khóa học các em còn được cấp một bộ quần áo, 1 bộ chăn, màn, chiếu, 1 áo ấm, 1 áo mưa và 1 ba lô.

Những năm học trước, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số được xét tuyển vào học tại Trường THPT DTNT tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kỳ thi tuyển vào lớp 10 Trường THPT DTNT tỉnh có sự cạnh tranh rất lớn của học sinh dân tộc thiểu số ở 6 huyện miền núi và các xã miền núi của các huyện đồng bằng, như Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành… do chỉ tiêu tuyển sinh vào trường có hạn nhưng nguyện vọng vào trường lại rất lớn. Cũng nhờ thi tuyển nên đầu vào của trường được cải thiện đáng kể, chất lượng giáo dục tăng lên.
 Học sinh trong trường là con em các dân tộc thiểu số
Theo ông Đặng Văn Giữ- Hiệu trưởng trường THPT DTNT tỉnh Quảng Ngãi, hiện trường có 62 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Kể từ khi được thành lập đến nay (1990- 2020), được sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Ngãi và các đơn vị, cá nhân hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh nên hiện cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, sinh hoạt của các học sinh trong trường khá đảm bảo.

“Trường có đặc thù là nội trú nên ngoài việc dạy học trên lớp vào ban ngày, vào buổi tối các thầy cô giáo còn quan tâm, nhắc nhở việc ăn ngủ, sinh hoạt của các em. Thầy cô giáo cũng như là cha, mẹ thứ 2 của các em vì các em đều ở xa nhà, một năm chỉ được về nhà vài lần”, thầy Giữ cho biết.

Cũng theo hiệu trưởng Đặng Văn Giữ, trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, trường THPT DTNT tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng được “thương hiệu” bởi sự cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường. Thể hiện rõ nhất là kết quả trong các kỳ thi. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, trường có 122/123 học sinh đỗ tốt nghiệp, chiếm tỉ lệ 99,19% và xếp thứ 9 trong số 48 đơn vị tham gia; tỷ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi cũng cao hơn năm trước. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, năm nào trường cũng có em đạt giải.

Được biết, thời gian qua, chất lượng dạy và học ở Trường THPT DTNT tỉnh đã được nâng lên. Để thu hút ngày càng nhiều học sinh có năng lực dự thi vào trường, tập thể nhà trường tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Nhà trường không chỉ tăng cường kiến thức, mà còn giúp các em hình thành các kỹ năng sống.

Từ ngôi trường này, nhiều con em người đồng bào dân tộc thiểu số đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trở về phục vụ quê hương, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đáng kể trong việc xây dựng, phát triển các huyện miền núi Quảng Ngãi.