Tư vấn kỹ, đổi nguyện vọng ngay từ đầu
Năm học 2022- 2023, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT, mỗi học sinh sẽ học 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc cùng việc đăng ký học 4 môn lựa chọn. Bộ GD&ĐT cho phép các nhà trường căn cứ vào điều kiện thực tế gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để sắp xếp các môn học phù hợp.
Ngay từ khi thực hiện thủ tục nhập học đối với lớp 10, các thầy cô giáo có thêm một nhiệm vụ quan trọng khác, đó là triển khai đăng ký Ban/tổ hợp và môn lựa chọn đến tất cả học sinh. Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, nhu cầu của học sinh và điều kiện nhân sự thực tế, các nhà trường cho học sinh đăng ký vào các lớp theo tổ hợp mà nhà trường sắp xếp. Do làm tốt công tác thông tin, tư vấn cũng như tạo điều kiện để học sinh chuyển tổ hợp và môn lựa chọn ngay từ đầu năm học nên kết thúc học kỳ 1, các lớp học thuộc khối 10 tại nhiều trường THPT tại Hà Nội tương đối ổn định.
Năm học 2022- 2023, tại trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân tổ chức 6 nhóm lớp tự nhiên và 9 nhóm lớp xã hội với khối 10. Trước khi xếp lớp, nhà trường tập trung học sinh tư vấn trực tiếp. Trường cũng tổ chức 2 buổi mời phụ huynh đến để phân tích kỹ từng tổ hợp đi kèm nhóm môn lựa chọn để phụ huynh và các con thống nhất đăng ký.
“Đầu tháng 9, sau khi học được khoảng 1 tuần, trường ghi nhận 1-2 trường hợp muốn thay đổi tổ hợp và môn lựa chọn nên đã tạo điều kiện giải quyết. Đến nay, các lớp học đều ổn định và trường không ghi nhận trường hợp nào muốn đổi tổ hợp nữa”- Nhà giáo Vũ Đình Hà- Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân cho biết.
Theo nhà giáo Phạm Tuyết Mai- Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung, quận Hà Đông, việc tổ chức các lớp học theo tổ hợp và môn lựa chọn với lớp 10 của trường được thực hiện rất nền nếp và đến nay không có biến động gì. Công tác tư vấn lựa chọn tổ hợp, môn lựa chọn được trường triển khai kỹ lưỡng, đồng bộ với tất cả phụ huynh và học sinh từ đầu năm học. Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đã giải đáp thắc mắc của từng phụ huynh, học sinh liên quan đến các tổ hợp, môn lựa chọn.
Thời điểm hiện tại, trường THPT Phùng Khắc Khoan, huyện Thạch Thất cũng không ghi nhận học sinh lớp 10 nào muốn đổi tổ hợp và môn lựa chọn. Tuy nhiên, trước đó, khoảng giữa tháng 9/2022, nhà trường đã tiếp nhận đơn, giải quyết cho khoảng 40 học sinh có nhu cầu chuyển tổ hợp.
“Nắm được nguyện vọng của học sinh, nhà trường yêu cầu các em làm đơn có xác nhận của bố mẹ; sau đó triển khai họp ban giám hiệu, giáo viên để thống nhất phương án, sắp xếp lại cơ cấu lớp học và đã đồng ý với nguyện vọng thay đổi của các em”- Hiệu trưởng trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất) Nghiêm Hồng Trung chia sẻ.
Chờ hướng dẫn và chủ động phương án
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã giải thích rất rõ với cả phụ huynh và học sinh, đó là phải cân nhắc kỹ trước khi đăng ký tổ hợp bởi đã chọn sẽ rất khó thay đổi. “Nếu học sinh vẫn muốn thay đổi tổ hợp, nhà trường sẽ phải xem xét điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên xem có đáp ứng được không. Nếu đáp ứng được thì cần tiến hành cho học sinh làm các bài kiểm tra để đánh giá học sinh có theo được chương trình nếu chuyển tổ hợp mới hay không…”- một hiệu trưởng trường THPT tại huyện Chương Mỹ nêu ý kiến. Vị hiệu trưởng này cũng cho biết thêm: “Đành rằng nguyện vọng của các em là chính đáng nhưng cũng phải rõ nguyên tắc, rõ thời điểm, tránh việc chuyển tùy hứng, chuyển tràn lan dẫn đến rối trong công tác tổ chức lớp học của nhà trường”.
Còn theo Hiệu trưởng trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất) Nghiêm Hồng Trung: “Việc học theo tổ hợp của trường hiện rất ổn định. Tuy nhiên nhận thấy vẫn có học sinh muốn được học thêm các môn lựa chọn khác mà tổ hợp của các em không có, nhà trường đã mở các lớp dạy miễn phí theo hình thức trực tuyến (vào các buổi tối) và trực tiếp (vào cuối tuần) để bổ trợ kiến thức theo nhu cầu của các em. Học sinh muốn được học thêm môn học nào sẽ đăng ký và tham gia lớp học. Việc tổ chức lớp học miễn phí như vậy rất hữu ích với học sinh, đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của các em cả trong việc lựa chọn môn học, cả việc quyết định sẽ thi theo tổ hợp nào tại kỳ thi tốt nghiệp THPT”.
Mặc dù chưa có khảo sát về mức độ hài lòng và việc học sinh có cảm thấy sự phù hợp giữa năng lực, sở thích với tổ hợp các em đã lựa chọn hay không nhưng để chủ động phương án giải quyết với trường hợp học sinh muốn thay đổi tổ hợp thì phải có hướng dẫn rõ ràng, thống nhất từ Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH chỉ dừng lại ở gợi ý: “Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở giáo dục và đào tạo”.
Nhiều hiệu trưởng trường THPT cho rằng, nội dung hướng dẫn của Bộ còn chung chung, không ghi rõ thời điểm, quy trình thực hiện nếu học sinh có nguyện vọng đổi môn học lựa chọn và việc bổ sung kiến thức, kỹ năng để học sinh học môn lựa chọn mới sẽ triển khai như thế nào… Trong giai đoạn thực hiện tiếp nhận, giải quyết các trường hợp học sinh chuyển trường, các nhà trường mong muốn Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể hơn để việc thực hiện được thống nhất giữa các trường, tránh tình trạng lúng túng hoặc mỗi trường làm một kiểu.
Được biết, với quan điểm “Tạo thuận lợi tối đa cho học sinh”, Sở GD&ĐT Hà Nội đã nắm bắt được tình hình và có ý kiến với Bộ GD&ĐT về việc cần có hướng dẫn chi tiết về nội dung trên, tránh hiện tượng chuyển môn lựa chọn tràn lan, không có căn cứ, ảnh hưởng đến chất lượng học tập nói chung.