Tổ chức chiếm giữ đài phát thanh, xây dựng hơn trăm cơ sở bí mật
Đồng chí Lê Thị Bạch Cát, bí danh “Sáu Xuân”, sinh ngày 10/10/1940, tại làng Mai Bảng, xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (nay là phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình nhà nho nghèo.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương của phong trào Cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Là một giáo viên, giảng viên của nhiều trường phổ thông, đại học, đứng trước cảnh nước mất nhà tan, ngày 28/9/1964, nữ giảng viên Lê Thị Bạch Cát nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện cán bộ cho chiến trường, nữ giảng viên Lê Thị Bạch Cát viết “huyết tâm thư” xung phong vào Nam để được sát cánh cùng đồng bào đánh giặc.
Ngày 22/12/1964, đồng chí Lê Thị Bạch Cát cùng với hơn 200 cán bộ, trong đó có 11 nữ lên đường vào Nam chiến đấu. Sau 86 ngày đêm trèo đèo, vượt suối, băng rừng, đoàn có mặt tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Bạch Cát được điều về T4 (khu Sài Gòn-Gia Định).
Thời gian công tác tại chiến trường miền Nam, đồng chí Lê Thị Bạch Cát lần lượt tham gia chiến đấu tại chiến khu Tây Nam Bến Cát (tỉnh Bình Dương) và các mặt trận Đà Lạt, Sài Gòn. Cùng với lực lượng yêu nước tuyên truyền, thu phục được số lượng lớn sinh viên, trí thức đứng về phía cách mạng; móc nối thành công với cơ sở cách mạng bí mật 36/Sào Nam và số 5/ấp Nghệ Tĩnh. Trực tiếp chỉ đạo, thành lập Hội “Nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ”; đề xuất phương án chuyển những cuộc đấu tranh riêng lẻ “kêu gọi, hưởng ứng” thành phong trào “đấu tranh chính trị” sâu rộng.
Kết quả ngày 29/3/1966, tại trung tâm chợ Hòa Bình (TP Đà Lạt) với trên 5.000 sinh viên, học sinh, tiểu thương, công nhân và Nhân dân tham gia biểu tình, chiếm giữ Đài Phát thanh Đà Lạt từ sáng 30/3 đến 4/4/1966. Trong thời gian công tác tại Đà Lạt, đồng chí Bạch Cát cùng với đồng đội phát triển 140 cơ sở cách mạng bí mật, gây dựng “lõm” chính trị (căn cứ lòng dân) tại nhiều địa phương.
Tại mặt trận Sài Gòn, với vai trò “điệp viên”, cô giáo Cát làm nhiều nghề khác nhau: thợ may, công nhân thu dọn bao bì ở nhà máy, bán rau tại chợ Cầu Ông lãnh, chợ Cầu Muối, chợ Bến Thành, Bà Chiểu, Tân Định… nhờ đó gây dựng được 12 cơ sở bí mật đầu mối tại 3 quận nội đô Sài Gòn.
Chúng tôi chiến đấu đến giọt máu cuối cùng
Tháng 11/1967, đồng chí Lê Thị Bạch Cát được Khu ủy Sài Gòn-Gia Định phân công làm Quận ủy viên, Bí thư quận đoàn, Bí thư Chi bộ Võ trang tuyên truyền liên quận 2-4 (nay là quận 1, TP Hồ Chí Minh). Trên cương vị mới, đồng chí Cát đã cùng đồng đội xây dựng lực lượng, vận chuyển, tập kết vũ khí… chuẩn bị chiến đấu. Khi hiệu lệnh Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 phát ra, Lê Thị Bạch Cát trực tiếp chỉ đạo Chi bộ Võ trang tuyên truyền liên quận 2-4, phát động Nhân dân nổi dậy vũ trang tấn công các khu vực: Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bến Chương Dương, hẻm Hiệp Thành, Bến Vân Đồn...
Kết thúc đợt 1, Chi bộ Võ trang tuyên truyền liên quận 2-4, diệt nhiều sinh lực địch, treo Cờ giải phóng từ 23 giờ đêm Mùng Một đến 3 giờ sáng Mùng Hai Tết Mậu Thân 1968, tại số nhà 225 hẻm Hiệp Thành, Bến Vân Đồn. Trong đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, thực hiện chỉ đạo của cấp ủy tiền phương là “Không trông chờ, không ỷ lại ngoại biên, tiến công, khởi nghĩa, chiếm lĩnh đường phố”, đồng chí Bạch Cát chỉ huy một trung đội chiến đấu dũng mãnh.
Tại hẻm 83/2 Đề Thám (phường Cô Giang, quận 1), trung đội do Lê Thị Bạch Cát chỉ huy đã kiên cường chiến đấu với một tiểu đoàn địch để giữ từng bờ tường, đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch. Do chênh lệch quá lớn về lực lượng và vũ khí, trong khi lại có thương vong không thể tiếp tục đối đầu với quân địch. Đứng trước khó khăn này, với sự mưu trí và nhất là dám hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng, Lê Thị Bạch Cát đã yêu cầu đồng đội đưa lại cho mình lựu đạn rồi ra lệnh đồng đội rút lui, còn mình ở lại chặn địch.
Thấy đồng đội chưa chịu rút, Lê Thị Bạch Cát đã ra lệnh: “Tôi yêu cầu các đồng chí đi ngay để bảo toàn lực lượng. Nhớ về báo cáo cấp trên, chúng tôi ở lại chiến đấu đến giọt máu cuối cùng”. Dù bị thương nặng, nhưng đồng chí Lê Thị Bạch Cát vẫn gắng gượng lấy từng quả lựu đạn ném trả, dùng súng AK bắn để thu hút hỏa lực địch về phía mình. Chiến đấu đến hết đạn, khi địch hò nhau lao lên đòi bắt sống, đồng chí Lê Thị Bạch Cát đáp trả bằng cách dùng quả lựu đạn cuối cùng diệt thêm 4 tên địch, trước khi hy sinh vào trưa ngày 5/5/1968.
Ngày 18/12/2024, tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát.