Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam chưa tuân thủ quy chuẩn nào

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ tại buổi hội thảo trực tuyến "Truy xuất nguồn gốc - nâng tầm nông sản Việt", ông Nguyễn Văn Đoan, chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết: Hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, chưa tuân thủ theo quy chuẩn nào.

Hội thảo do Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia tổ chức chiều 4/11.
 Ông Nguyễn Văn Đoan chia sẻ thông tin tại hội thảo trực tuyến. 
Ông Đoan cho biết: "Chỉ cần một thao tác tìm kiếm trên các kho ứng dụng, có thể thấy hàng loạt ứng dụng truy xuất nguồn gốc, nhưng tính xác thực lại thấp. Tôi đã thử nghiệm truy xuất nguồn gốc trên một số sản phẩm trong một siêu thị lớn thấy đa phần mới chỉ là điện tử hóa tem nhãn. Trên mã tem mới hiện thông tin về sản phẩm chứ không phải lịch sử sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm. Tình trạng này rất phổ biến. Khách hàng cũng không hiểu đó chỉ là tem nhãn chứ không phải truy xuất nguồn gốc".
 "Sản phẩm nào cũng là 7 ngày với phân bón và 10 ngày với thuốc bảo vệ thực vật, dù đó là phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật gì. Trong khi có những loại phân bón, yêu cầu thời gian cách ly chỉ 3 ngày hay thuốc bảo vệ thực vật yêu cầu cách ly 14 ngày", ông Đoan dẫn chứng.
Ông Đoan cho biết, các thông tin truy xuất chưa có đầy đủ dữ liệu về ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao. Thậm chí một sản phẩm có thông tin truy xuất nguồn gốc rất bài bản là vải thiều Hải Dương, khi quét tem truy xuất nguồn gốc cũng không có các thông tin đầy đủ về sự tham gia của các bên trong chuỗi cung ứng, không có đơn vị sơ chế, vận chuyển.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, truy xuất nguồn gốc chính là chìa khóa khởi tạo niềm tin cho người dùng, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của Việt Nam. "Truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc đối với nông sản xuất khẩu", ông Linh nói.

Tuy nhiên một thực tế được bà Nguyễn Thị Thành Thực, Hội Nông nghiệp số Việt Nam nêu, có rất nhiều doanh nghiệp coi việc truy xuất nguồn gốc giống như bị thanh kiểm tra, là việc buộc phải làm. Vẫn còn còn nhiều tình trạng ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối, giả tạo. Nhà vườn có sổ tay sản xuất, đến kỳ đánh giá tiêu chuẩn VietGap hay mã vùng trồng, nhiều người đưa ra theo kiểu đối phó mà không hiểu đây là hồ sơ kinh nghiệm để đúc rút trong sản xuất. "Họ không hiểu rằng truy xuất nguồn gốc chính là công cụ xây dựng thương hiệu cho chính mình, uy tín của doanh nghiệp", bà Thực khẳng định.

Để truy xuất nguồn gốc nông sản, cần đến các công cụ số. Nhưng theo bà Thực, "muôn vàn khó khăn" khi thực hiện chuyển đổi số truy xuất nguồn gốc. Khó khăn lớn nhất là quản lý nhà nước còn yếu kém, có rất nhiều quy định về quản lý lưu thông hàng hóa nhưng với nông sản lại chưa làm nghiêm.

"Có tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app diễn ra khá phổ biến. Hiện có rất nhiều app nhưng không có sự thống nhất, thiếu tính tin cậy", bà Thực nói và cho rằng vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, liên quan đến mọi người, mọi nhà, không có lý do gì để kéo dài mãi tình trạng này.
Về giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản Việt, bà Thực cho rằng Nhà nước cần có các khung chính sách sát thực tế, kiểm soát nghiêm việc tuân thủ về quy định truy xuất nguồn gốc. Người dân, cán bộ cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo quy định về truy xuất nguồn gốc. Có những công cụ số phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phẩm ngành hàng để người dân, doanh nghiệp thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Ông Đoan cũng thông tin thêm, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đang phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia. Dự kiến sẽ ra mắt vào quý V năm 2022.

Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia là nhiệm vụ triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng, phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100), giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.