Nhiều cái chết đau lòngBé Nguyễn Gia B. (22 tháng tuổi, trú tại thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) có biểu hiện bị cảm nên hai vợ chồng đưa ra phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thị Kim C. (392 Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội) khám. Được kê đơn, uống thuốc mấy ngày không khỏi, gia đình tiếp tục đưa bé quay lại phòng khám đề điều trị. Bác sĩ C. đã cho bé uống thuốc và truyền dịch. Trong lúc đang truyền dịch, bé C. có dấu hiệu tím tái và tử vong. Cách đây vài tháng, bệnh nhân N.N.C. (sinh năm 1954, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) cũng đã tử vong khi đang truyền thuốc tại Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ngoài ra, mới đây cái chết đau lòng của một cô giáo tại phòng khám tư (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) ngay khi đang truyền dịch thêm một lời cảnh báo.
Ngày 17/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Công văn số 5062/UBND-TKBT giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Long Biên kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân tại phòng khám 392 Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội (nếu có); báo cáo Thành ủy, UBND TP trước ngày 25/10/2018, đồng thời thông tin với báo chí theo quy định. |
Ngoài các đơn vị y tế như phòng khám tư, trạm y tế, thì thời gian qua, tại Hà Nội cũng như cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai biến, tử vong do truyền dịch tại nhà riêng. Có trường hợp may mắn được cứu sống khi đưa đến BV kịp thời. Như trường hợp bà Vũ Thị Bai (56 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương) tự mua 1 chai dịch và nhờ người truyền hộ. Sau khi cắm kim truyền được khoảng 10 phút, bà Bai thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, rét run. Gia đình vội vàng rút kim truyền và ngay lập tức đưa bà đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Bà Bai nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ độ III, tiên lượng nặng. Ngay lập tức các bác sĩ bệnh viện đã xử lý kịp thời, bà Bai thoát chết trong gang tấc.
Theo các bác sĩ, đa số những ca sốc phản vệ do truyền dịch tại nhà đều tử vong vì không đủ phương tiện cấp cứu, xử lý sốc phản vệ. Khi bệnh nhân được đưa đến BV thì đã qua mất “thời gian vàng" trong xử lý sốc phản vệ.
Cần thận trọngMột thực tế hiện nay, rất nhiều người khi trong người có chút mệt mỏi, ăn uống kém ngon, ít ngủ hoặc chỉ vì bị ốm nhẹ đã nghĩ ngay đến việc truyền dịch tại nhà hoặc cẩn thận hơn thì đến phòng khám tư. Việc lạm dụng truyền dịch có thể gây những hậu quả đáng tiếc. Đã có không ít trường hợp gặp tai biến, thậm chí tử vong vì tự ý truyền dịch khi người đang mệt.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, truyền dịch tuy là một thủ thuật y tế thông dụng nhưng có rất nhiều nguy cơ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Không phải ai cũng truyền dịch được và không phải lúc nào truyền dịch cũng là lựa chọn hàng đầu. Nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C rất cao qua con đường truyền dịch nếu việc truyền dịch không được vô trùng. Ngoài ra, bất cứ người bệnh nào khi truyền dịch đều có thể bị tai biến và biến chứng. Đặc biệt khi truyền dịch nhanh, đối với người bệnh bị tăng huyết áp, suy tim và người lớn tuổi, có thể bị phù phổi cấp, nghĩa là một lượng dịch lớn vào cơ thể sẽ ứ lại tại phổi làm cho người bệnh ngộp thở có thể gây tử vong. Biến chứng nguy hiểm nhất là người bệnh bị sốc, tụt huyết áp và tử vong ngay trong khi truyền dịch.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, người dân phải thay đổi quan niệm, hết sức thận trọng khi truyền dịch, nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ và không nên tự ý truyền dịch tại nhà. Vì tại nhà không có người theo dõi đầy đủ, không có thuốc và phương tiện cấp cứu chống sốc sẽ nguy hiểm đến tính mạng.