Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Cỏ Lông chông

Lê Ngọc Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới hơn 5 giờ sáng, mặt trời như vẫn ngần ngại chưa muốn nhô lên khỏi mặt biển để bắt đầu hành trình của một ngày dài.

Chỉ có ánh hồng hắt lên những gợn mây mỏng mảnh hứa hẹn một ngày trời đẹp. Thủy triều đang xuống, để lộ cả một dải bãi bồi vùng cửa sông. Thấp thoáng vài người đàn bà áo nón tùm hum đang cào ngao với một dáng vẻ cần mẫn. Ngay bãi biển trước khu resort, những nhân vên phục vụ cũng đang bắt đầu một ngày làm việc. Trên đoạn kè chắn sóng kiên cố, dài hơn cây số được giới hạn bởi hai vọng gác có nhân viên bảo vệ mặc sắc phục trông nom, một ông già đang sải những bước đi bộ đầu tiên. Dáng dấp hoạt bát, khỏe mạnh, nếu không có mái tóc bạc phơ, không ai nghĩ ông đã xấp xỉ bảy mươi. Thỉnh thoảng ông dừng lại trò chuyện với mấy anh bảo vệ. Có lúc ông lội hẳn xuống bãi cát để ngắm một đám muống biển nở hoa tím ngát hay hỏi chuyện một phụ nữ cào ngao đang nhẫn nại vạch những đường kỉ hà trên mặt cát.
Minh họa: Mỹ Văn
Ông mới cùng gia đình đến đây chiều hôm trước. Khu Resort những ngày cuối hè không mấy đông đúc. Dịp này trời đã ngả sang thu. Bọn trẻ cũng đã rậm rịch tựu trường nên khách thành phố ít tới đây. Nằm ở gần cửa sông, khu resort này có cảnh trí thiên nhiên khá nên thơ. Tòa nhà chính như đôi cánh tay rang rộng, ôm gọn lấy khu đất chạy ra biển với những vườn hoa, quầy bar và một bể bơi nước luôn trong xanh. Tất cả hướng ra ngoài khơi, nơi hòn Song Ngư huyền thoại nằm cách bờ chừng hơn hải lý. Khu nghỉ dưỡng phù hợp với những du khách muốn có một kì nghỉ thật thảnh thơi, yên tĩnh. Những thành viên của gia đình mà nhân viên khu resort đặt cho cái tên là “đoàn bác đầu bạc” hầu như không ra khỏi khu nghỉ dưỡng, như muốn dành trọn cho nhau thời gian quý báu trích ra được từ guồng quay cuộc sống. Những ngày lưu lại đây, sáng nào ông đầu bạc cũng đi bộ, tập mấy động tác thể dục bên bờ biển rồi xuống bể bơi dăm vòng. Các nhân viên khu resort cũng đã quen với lịch của ông. Họ thấy mến ông già phúc hậu có ánh mắt và nụ cười thật hiền này, sẵn sàng tiếp chuyện, trả lời những câu hỏi nhiều khi tưởng như lẩn mẩn của ông. Những phụ nữ cào ngao trung tuổi vui vẻ nói với ông về một buổi đi cào từ 2, 3 giờ sáng cho đến lúc nước triều lên ngập cả cánh bãi, để có được chừng hơn trăm nghìn, chỉ cho ông đâu là những con ngao hoa, có giá gấp ba bốn lần loại ngao khác.

Hôm ấy là sáng Chủ nhật. Ở đoạn bờ kè phía Bắc khu nghỉ dưỡng có một đám trẻ, áng chừng học trò Trung học phổ thông đang ngồi hóng gió biển. Có vẻ như gặp được dịp tốt, ông già đầu bạc đến gần bắt chuyện. Sau vài câu mở đầu, bỗng ông hỏi một cậu bé có vẻ lanh lợi nhất đám:

- Ở đây còn cỏ Lông chông không các cháu?

- Là cỏ chi cơ ông?

Thấy lũ trẻ ngơ ngác, ông cố tả hình dáng những bông cỏ còn đọng lại trong kí ức đã mấy chục năm của mình. Đó là loài cỏ mọc rất nhiều ở những bãi phi lao ven biển. Chỉ cần đi về phía cuối bãi là bắt gặp từng đám với đám bông cỏ nở những chiếc tua thanh mảnh nhưng không kém phần cứng cáp!

Dù ông đã cố gắng rất nhiều, lũ trẻ dường như không hề biết đến những bông cỏ khi chín có màu vàng ngà với những tua dài mảnh mai. Hái một bông cỏ Lông chông đã chín có mầu vàng ngà, đợi một cơn gió mà thả xuống bãi cát ta sẽ có cảm giác thích thú như được chạy thi với chú nhím con tinh nghịch.

Hơi thất vọng, ông quay ngược lại đầu kè phía Nam, vừa sải bước vừa ngắm bãi bồi cửa sông lúc này đã ửng hồng trong ánh bình minh vươn ra tận vùng nước mênh mang đỏ mịn phù sa. Thật may, cậu bảo vệ có nụ cười rất tươi với hàm răng trắng bóng ánh lên trên gương mặt nâu bóng dễ mến của người vùng biển đã trả lời được câu hỏi của ông. Cậu không chỉ biết về những bông cỏ Lông chông mà còn biết cả trò chơi với những bông cỏ đó. Ngày còn nhỏ, cậu cũng đã từng thích thú chạy thi với những bông cỏ Lông chông trong những chiều hè mát rượi gió nồm Nam trên bãi biển quê mình, lúc ấy còn khá vắng vẻ.

- Vẫn còn đó ông. Ông cứ đi ra chỗ bãi phi lao, thế nào cũng gặp ông ạ… Mà răng ông biết cỏ Lông chông?

Câu hỏi của chàng trai gợi một vùng kí ức cách nay đã mấy chục năm…

Năm ấy, chuyến công tác theo một đoàn khách nước ngoài đưa chàng phóng viên trẻ đến vùng biển nghỉ mát này, khi ấy còn khá hoang sơ. Cả mấy cây số bờ biển khi đó chỉ có nhà nghỉ của Công đoàn và khu Giao tế, cơ sở chuyên tiếp khách nước ngoài. Thật ra, chuyến đi của đoàn khách cũng chỉ nhằm nghỉ ngơi sau những hoạt động ngoại giao chính thức nên công việc của cánh nhà báo cũng khá nhàn hạ. Sau bài ghi nhanh đã gửi về tòa soạn, anh chỉ còn phải làm bài phỏng vấn ông Trưởng đoàn, một người rất mê biển. Vì biết chút ít tiếng Nga nên anh được ông ta chia sẻ: Ở khu nghỉ mát này có 3 thứ rất tuyệt, đó là bãi biển đẹp tuyệt, hải sản ngon tuyệt và Lúa Mới rất tuyệt. Hai cái tuyệt đầu thì lúc nào cũng có thể đáp ứng. Còn cái tuyệt thứ ba, tuy không thiếu nhưng ngặt nỗi lúc đó cả ở Việt Nam lẫn Liên Xô, đều đang có lệnh cấm uống rượu, kể cả tiếp khách nước ngoài. Ông Trưởng đoàn chỉ có thể nhấm nháp chút ít ở trong phòng riêng. Oái oăm ở chỗ, tắm biển, ăn toàn đồ biển mà trong bữa ăn không một giọt rượu. May thay chàng phóng viên trẻ đã nghĩ ra cách để đoàn khách, tất nhiên là cả mấy anh em báo chí, có rượu để tiêu hóa đám cua bể to đùng, đỏ au hay mấy con mực tươi trắng nõn, ròn tan. Sau bữa chiêu đãi chính thức của lãnh đạo tỉnh, tất nhiên là không có rượu, đến bữa sau anh nói với mấy cô phục vụ:

- Bán cho anh một chai Lúa Mới!

- Anh muốn em bị đuổi việc à?

- Sao mà đuổi? Mà đuổi thì về Hà Nội với anh…

Anh cười rất duyên rồi ghé tai cô bé phục vụ có nước da nâu mịn, thì thầm.

Chẳng biết chàng phóng viên nói gì, chỉ thấy cô bé nở nụ cười tinh nghịch đồng lõa. Sau nụ cười đó, những chai nước khoáng trên các bàn tiệc dù chưa hết cũng được thay mới đồng loạt bằng những chai mới, đầy nguyên đã mở sẵn. Như một cử chỉ hữu nghị, anh sang bàn khách, rót một cốc “ nước khoáng” mời ông Trưởng đoàn. Tín hiệu được bắt rất nhanh. Ông Trưởng đoàn đưa cốc lên hít nhẹ rồi làm một hơi, kèm cái khà đầy khoan khoái, nháy mắt “khơraxô” lia lịa.

Từ bữa đó, anh trở thành bạn bè với ông ta và bài phỏng vấn với nội dung chính là ca ngợi tình hữu nghị và hợp tác giữa Nhân dân hai nước cùng những lời có cánh ca ngợi cảnh đẹp, lòng hiếu khách của Nhân dân Việt Nam coi như đã bỏ túi, chỉ còn bố trí thời gian ghi âm vào cái máy R5 cổ lỗ nữa là xong.

Cũng từ bữa đó quan hệ của anh với mấy cô phục vụ, nhà bếp trở nên gần gũi hơn, nhất là cô bé mà anh thì thầm vào tai cái trò đánh tráo hôm nào. May mà mấy vị lãnh đạo phía Việt Nam đi theo đoàn bật đèn xanh, và cả chủ lẫn khách cứ uống “nước khoáng” tì tì.

Khi đã có với nhau một chút bí mật, dù là cái bí mật chẳng mấy quan trọng, thì người ta dễ gần nhau hơn. Anh với Nụ cũng vậy. Họ nhanh chóng trở thân thiết trong những ngày đoàn khách lưu lại bãi biển này. Anh đã kịp truyền cho cô công thức pha món nước chấm, anh thuận mồm đặt tên cho cái tên “Gia vị tình yêu” mà anh trổ tài pha chế trong một bữa ăn đêm khiến mọi người khen tấm tắc. Đôi lúc ngắm Nụ đi lại, cười nói, anh lại nghĩ tới những bông hoa muống biển, mạnh mẽ, cứng cáp mà không kém phần duyên dáng. Nhờ Nụ, mà anh biết đến cái thú tắm biển đêm, được đằm mình trong làn nước biển ấm với những con sóng ngời ánh lân tinh, áp thân thể xuống bờ cát mịn, ấm nóng sau một ngày mặt trời chiếu rọi. Cũng nhờ cô mà anh biết một điều thú vị mà những buổi tắm đêm như thế đem lại là đón những con thuyền câu mực về bến. Những con mực sim, chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái như vẫn đang thở hí hóp, tươi roi rói, ánh sắc xanh lấp lánh trong đêm. Theo lời dặn của Nụ, anh mang rổ mực mới mua được xuống mép nước, chao bằng nước biển cho sạch rồi mang về nhà bếp của khu Giao tế. Vừa gõ nhẹ cánh cửa dùng để chuyển thức ăn, đã thấy khuôn mặt nghịch ngợm trẻ trung của Nụ. Đón rổ mực trên tay anh, lúc ấy vẫn trần trùng trục, người dính đầy cát, cô nhắc khéo:

- Mấy anh về phòng thay đồ đi rồi xuống đây. Chồng tụi em đến đón giờ đó!

Được đặc cách theo Nụ vào bếp, anh mới hiểu vì sao cô dặn anh rửa kĩ mực ngoài biển. Những con mực tươi còn nguyên bầu mực được Nụ cho vào nồi, thêm chút bia rồi hấp to lửa. Nụ bảo, phải để nguyên như vậy con mực mới ngọt và người ăn không bị đau bụng. Đứng đằng sau nghe Nụ giảng giải, ánh mắt anh chợt chạm vào mảng gáy nâu mịn bết mấy sợi tóc tơ vì mồ hôi. Phải cố gắng lắm anh mới kìm được cảm giác khó cưỡng muốn đặt môi lên đó.

Sau bữa ăn đêm mà ai nấy đều môi miệng dính đầy nước mực đen bóng ấy, buổi sáng lúc thay đồ anh mới thấy trên vai phía sau chiếc áo lót một hình môi đen như mực. Cố nhớ lại, hình như lúc Nụ đứng sau anh để rót rượu, có một cái gì đó chạm nhẹ nơi bờ vai…

Một buổi trưa, trằn trọc mãi vì tiếng lọc xọc của chiếc máy lạnh một cục nhãn hiệu CCCP, anh nổi máu nghề nghiệp vác chiếc R5 ra rặng phi lao ven biển. Thu xong đoạn băng tiếng sóng biển ầm ào dành làm nền cho bài phỏng vấn, anh đóng máy, ngả lưng trên thảm lá phi lao rụng thơm mùi nắng, lim dim tận hưởng làn gió Nam ve vuốt cùng lời ru của biển. Đang thiu thiu, chợt có gì đó sắc nhọn cọ nhẹ vào má. Mở mắt, anh đối diện với gương mặt xinh xắn, cặp mắt tinh nghịch của Nụ. Gương mặt đó rất gần, đến nỗi anh cảm nhận cả hơi thở mang hương vị biển từ người con gái. Anh nhận ngay ra thứ đã gây cho anh cảm giác nhồn nhột dễ chịu vừa rồi. Nụ cầm trên tay một bông cỏ mà anh chưa thấy bao giờ.

- Cỏ gì mà ngộ thế em?

- Anh đoán xem…

- Trông như con nhím nhỏ…

- Anh ví von hay ghê, đúng là nhà báo. Quê em gọi đây là cỏ Lông chông …

Cô nói với anh về thứ cỏ đặc biệt của vùng biển quê mình một cách hào hứng. Loài cỏ có tên ngộ nghĩnh đó mọc rất nhiều ở những rặng phi lao ven biển, lúc ấy còn phủ hầu khắp một dải bờ biển hơn chục cây số được giới hạn bởi hai cùng cửa sông. Loài cỏ này sinh ra như để thích ứng với cái nắng gay gắt cùng những cơn gió Lào bỏng cháy của miền Trung. Bụi cỏ Lông chông nom thật ấn tượng với những chiếc lá mảnh, sắc, sẵn sàng chích vào ai đó có ý muốn hái những bông cỏ xòe những tua dài, dễ tổn thương trên phần ngọn lúp xúp của nó.

Phải đến chiều hôm đó, khi những cơn gió nồm Nam nổi lên, cùng Nụ ra quãng bờ cát mãi cuối bãi anh mới hiểu làm sao Nụ yêu loài cỏ dại quê mình đến thế. Anh cùng Nụ thích thú đuổi theo những bông cỏ Lông chông được gió đưa chạy tít mù như những con thú nhỏ tinh nghịch. Mải ngắm bông cỏ đang xoay tròn, hai người va vào nhau. Trong khoảnh khắc ấy, anh cảm nhận rõ dưới bầu ngực con gái thanh tân là một trái tim đang loạn nhịp. Lần này thì cặp mắt tinh nghịch của Nụ khép hờ và đôi môi mọng chín he hé như chờ đợi, gọi mời…

Những ngày sau, Nụ tránh gặp anh. Anh cũng thầm cảm ơn cô vì điều đó. Nó làm anh bớt ân hận, bởi dù rất vô tư, dường như anh đã reo vào lòng cô gái miền biển chân chất ấy một rung động nào đó. Và thật lòng mà nói, không phải anh không xao xuyến trước vẻ đẹp mộc mạc, sự hồn nhiên của cô. Vào buổi chiều ấy, anh chợt tỉnh bởi những đầu lá sắc nhọn của bông cỏ Lông chông cô cầm trên tay chích vào má trong giây phút Nụ gần như đã nằm gọn trong vòng tay anh. Anh đã kịp dừng lại. Khi hai người đã ngồi bên nhau ngắm những đợt sóng xô bờ, anh nói với cô về một người con gái đang đợi anh ở Hà Nội. Họ đã đính hôn và sắp làm đám cưới…

Kể từ cuộc “ trốn chạy” đó, như cách nói của vị hôn thê khi ngắm bông cỏ Lông chông mà anh mang về từ vùng biển miền Trung ấy, đã là cả quãng dài dâu bể. Cuộc đời làm báo đã đưa chàng phóng viên trẻ ngày nào bôn ba khắp mọi nơi, trong đó gần hết thời gian làm phóng viên thường trú ở nước ngoài. Nay khi mái đầu đã bạc ông mới có dịp trở về vùng biển gắn với những kỉ niệm khó phai. Khó khăn lắm, ông bà mới tìm được một đám cỏ Lông chông còn sót lại nơi một cầu cảng cũ, gần cây đèn biển đứng chơ vơ bên cửa sông. Và như một điều run rủi, cô bé lễ tân mà ông khoe những bông cỏ Lông chông mới tìm được đã mách ông có một nhà hàng cũng mang tên Cỏ Lông chông, trên bờ biển gần khu resort. Nghe đâu bà chủ từng có thời nấu ăn ở khách sạn Giao tế. Cô còn nói thêm, nhà hàng ấy nổi tiếng bởi món mực sim hấp ăn kèm với thứ nước chấm rất ngon, có tên là “Gia vị tình yêu”…

Ông đã dợm miệng định hỏi bà chủ có phải tên là Nụ, nhưng kịp dừng lại. Chiều nay, sau khi cùng lũ cháu nội, ngoại chạy thi với những chú nhím con trên bãi biển, ông sẽ rủ bà đưa chúng đi tìm nhà hàng Cỏ Lông chông…

Quyết định thế và ông thầm thấy mình thật may mắn khi vào buổi chiều mấy chục năm trước trên bãi biển đã kịp dừng lại, không ghì tấm thân thiếu nữ run rẩy của Nụ vào lòng để hôm nay có thể thanh thản tìm về một vùng kỉ niệm thật đẹp đẽ, trong lành…