Truyện ngắn: Đến kỳ hoa nở

Quang Lộc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nào cũng vậy, đầu tháng Chạp, khi gió đông trùng trình ngoài ngõ mẹ đã lo sắm đồ đón Tết. Từ ngày cha tôi về với tổ tiên, mẹ là linh hồn của mấy anh em.

 Minh họa: Quỳnh Hoa
Tôi là con cả, lấy vợ rồi ở ngôi nhà kế bên nhà mẹ. Em gái thứ hai lấy chồng xa. Em thứ ba cưới được ba năm, ở ngôi nhà đối diện nhà tôi. Cậu em trai út ở cùng mẹ trong nếp nhà cổ rêu phong. Ba ngôi nhà quây cụm trong một không gian rộng bình yên, khá lý tưởng trong nếp làng ngoại thành chưa bị xâm thực nặng bởi đô thị hóa. Dù vậy mẹ và em út vẫn ăn chung với vợ chồng tôi.
Từ ngày cuối cùng của năm cũ đến mồng năm tháng Giêng, mẹ muốn cả gia đình em thứ ăn chung. Đó là một nét đẹp. Tôi nghĩ vậy. Nhưng dù có hai cô con dâu ở bên cạnh thì mẹ vẫn dành phần nhiều công việc chuẩn bị về mình. Hai cô con dâu chỉ lo con cái, còn cỗ bàn cũng chỉ xắn tay phụ giúp. Dẫu bận bịu nhưng mẹ vẫn bảo, cả năm một lần Tết, sao có thể làm sơ sài. 
Mẹ là người hoài cổ. Vợ chồng tôi hợp với mẹ. Còn vợ chồng cậu thứ thích phóng khoáng, đón Tết trên từng cây số nơi các vùng rừng rú, chả năm nào chịu ngồi yên. Ngay năm đầu về làm dâu, Thủy Tiên vợ cậu thứ đã ráo: “Giảm bớt cho chúng con các cụ phải đi nhận họ để còn lên đường mẹ ạ”. Chồng nó cũng thêm vào: “Đúng đấy mẹ ạ. Giờ Tết nhạt lắm.
Giá đừng có thì hơn”. Mẹ phật ý, buồn mất hai ngày. Tôi phải động viên: “Là bọn trẻ nó nghĩ thế thôi chứ không ác ý gì đâu mà buồn. Mẹ cứ làm những gì mình muốn. Chúng nó muốn đi đâu mấy ngày đó thì tùy”. Mẹ gật, nói: “Nhưng mà chúng nó cũng phải tôn trọng cái gia đình này”. Tôi lựa lời nói với em trai, chúng ta lớn rồi, có gia đình riêng, có con cái, phải tôn trọng mẹ. Mẹ làm vậy cũng vì để đại gia đình đón Xuân vui vẻ. Em thứ vâng.

Hợp tính vợ chồng cậu thứ là cậu út. Từ ngày nó đi du học về, làm việc trong nước, đi ra ngoài động đến cái gì cũng chê ỏng chê eo. Nào phố thì chỗ nào chật, bụi bặm. Nào là người ta đón xuân rườm rà, lãng phí và mua sắm tốn kém. Nó bảo mẹ: “Cái nhà ông gì bên hàng xóm đã mua quất, rồi đào, lại còn tha đủ thứ hoa kiểng cầu kỳ. Nước ngoài người ta không thế”. Mẹ quở: “Anh thì lúc nào cũng so sánh khập khiễng. Sống đâu quen đó. Chớ đừng thấy ai cũng chê”. “Thì con thấy chưa văn minh”. Mẹ quát: “Này nhá, cái chốn chưa văn minh này đẻ ra anh, nuôi anh lớn bằng ngần ấy đấy nhá. Đừng tưởng học được mấy cái chữ tây tàu mà về đây coi thường mọi thứ”.

Bận đó tôi cũng phải xen vào, đẩy em út đi ra. Mẹ đừng để bụng. Tuổi trẻ mà.

***

Năm nay từ đầu tháng mười hai mẹ đã xăng xái nói chuyện đón Xuân. Ý chừng những năm trước chuẩn bị vẫn chưa chu đáo. Mẹ đặt mối mua bốn đôi gà đồi Yên Thế ở tận Bắc Giang, bảo dành hai đôi để làm quà biếu. Rồi đặt chú Cân hàng xóm ba cân giò lụa. Đặt cô Oanh ít dưa hành, khoai tây và miến. Ngoài vườn mẹ trồng thêm rau mùi, xà lách để phục vụ các con ăn lẩu.
Thủy Tiên bảo: “Mẹ đừng cầu kỳ, chỉ mệt. Bọn trẻ chúng con giờ thấy Tết rất bình thường. Mẹ giảm được cái gì hay cái đó”. Mẹ hơi dỗi: “Ai chả biết các anh chị tân tiến”, rồi lại dịu: “Nhưng mà cũng phải làm cho đàng hoàng, đủ món. Mẹ muốn các con duy trì nền nếp như cũ”. Thủy Tiên thở dài. Mẹ quay ra hiên. Ngoài hiên gió heo hút…

Em dâu thứ của tôi đặc biệt thích hoa thủy tiên. Không hiểu vì cô nàng mang tên loài hoa ấy, hay có điều gì hợp mà năm nào cũng mua một bình thủy tinh đặt trên bàn trong tổ ấm nhỏ của mình. Năm nay cô nàng lại mua hoa đúng ngày ông Công ông Táo, nói là tặng mẹ, đặt lên bàn trong nếp nhà cổ. Mẹ nhìn những nụ thủy tiên trắng muốt, căng mọng đầy sức sống thì vui lắm. Con dâu thứ đã biết mua hoa tặng mẹ cơ đấy.
Tính mẹ tôi là vậy, có thể nhọc xác phục vụ, bỏ công bỏ việc nấu nướng, chăm sóc các con. Nhưng các con phải biết trân trọng mẹ mới vui. Tôi hiểu tâm trạng mẹ, người vẫn giữ phần hương khói trong từ đường họ Phan. Mẹ muốn làm theo tâm nguyện của cha là giữ gìn nếp nhà cổ này, khuôn viên ngôi vườn và nền nếp gia phong dòng họ. Mẹ muốn bằng công việc giáo dục con cái.

Mẹ nấu cỗ thì khỏi phải bàn. Về làm dâu cả họ Phan, mẹ luôn được ghi nhận là người khéo tay nấu nướng nhất. Có việc cỗ bàn thì không thể thiếu mẹ.

Ngắm nghía bình thủy tiên, mẹ dọn dẹp cốc chén. Sơ ý thế nào làm đổ bình thủy tiên. Chiếc bình trong vỡ toang. Mẹ quày quả ra chợ mua chiếc bình thủy tinh khác thay vào. Hai nụ hoa bị gẫy. Mẹ lo hoa vì thế mà không nở kịp Xuân, lòng thấp thỏm lo. Em dâu Thủy Tiên, dù không nói ra nhưng đủ biết rất buồn. Mặt xịu xuống, tưởng mẹ chồng ghét nên vờ lấy chuyện sơ ý làm đổ, thực ra muốn bỏ hoa đi. Thủy Tiên nói với chồng: “Mẹ không thích thì bảo em mang về, việc gì phải đập”.
Em thứ phân bua: “Không. Mẹ không có ý đó đâu”. “Rõ là vậy mà. Từ ngày em về làm dâu, lúc nào mẹ cũng có định kiến với em. À không, với cả vợ chồng mình. Em nói có đúng không?”. “Thôi đi”.

Đào quất năm nay ý chừng đắt đỏ, mẹ bảo tôi đánh cây quất năm trước trồng lại ở góc vườn, cũng vàng rực quả. Sắm thêm cành đào đặt ở nhà từ đường. Tôi tuân lệnh mẹ. Ngoài ra cũng sắm cây đào đặt ở nhà tôi. Cậu thứ không sắm sanh gì, mẹ nhắc: “Anh nó mua đào rồi, con tính thế nào đi chứ. Chúng ta phải dâng hoa tổ tiên, dâng hương thơm cho ngôi nhà để được ban phúc”.
Nghe câu ấy, Thủy Tiên như bị chạm nọc: “Tại vợ chồng con nghèo, không sắm được như anh cả. Cái gì mẹ cũng bảo phải học tập anh cả”. Chồng nó thêm: “Thực tế thì chúng con có đón Xuân ở nhà đâu. Mồng hai là vợ chồng con gửi cháu bên ngoại và lên đường. Mỗi người có một cách chứ”. Cậu út chen ngang: “Làm sao vui là được. Con đồng ý sắm sửa ít thôi. Tết, con chỉ muốn ngủ”.

Vậy là chỉ có vợ chồng tôi và ba đứa cháu ủng hộ việc mẹ làm. Tôi thấy nét mặt mẹ hơi buồn. Hỏi thì mẹ gượng cười. Mẹ được em Hân bên nhà hàng xóm động viên. Hân nết na, thích cậu út. Ý chừng mẹ muốn Hân cưới cậu út lắm lắm.
Ngày cuối cùng của năm Hân sang chơi với mẹ, giúp mẹ chuẩn bị bữa tất niên. Cậu út thấy Hân giúp mẹ nên vui, trở ra nhặt rau, gọt khoai cùng. Vợ chồng cậu thứ xin phép sang bên ngoại, chiều tối mới về. Mẹ bảo tôi: “Mình cứ làm cỗ, chiều tối vợ chồng nó với thằng Bột về thì ăn tất niên”.

Ngay từ sáng sớm mẹ dậy đãi gạo nếp, đồ xôi và nấu đỗ xanh gói bánh chưng. Tôi ra chợ chọn mua những thứ tươi ngon nhất. Việc ngâm măng, bóng được làm từ hôm trước. Làm sao nấu đủ bát canh măng, bóng, bát tôm bao. Cũng không thể thiếu các đĩa gồm giò thủ, thịt bò cuốn, chân giò bỏ xương và bao giờ cũng có nồi cá kho.
Bát đĩa đựng thức ăn khá nhỏ, đủ để đựng một phần tư con gà, sáu miếng chả quế, sáu miếng giò lụa… Có đĩa chỉ to bằng chiếc đĩa trong khay trà. Mâm cỗ tất niên đa màu sắc, nhưng không lòe loẹt. Việc xong xuôi vào cuối chiều. Chúng tôi sửa soạn mâm cúng gia tiên. Lúc ấy vợ chồng Thủy Tiên cũng về. Mẹ mời Hân ở lại dùng cơm tất niên. Cậu út đùa: “Em ý được mẹ cưng, không ở lại mới lạ”. Cậu út luýnh quýnh. Có thể chê nhiều thứ và nhiều cô gái khác nhưng đặc biệt thích Hân.

Khi cả nhà ngồi vào mâm thì thiếu Thủy Tiên. Em dâu lấy cớ mệt và đau đầu, không ăn. Mẹ bảo cậu thứ lên nhà gọi vợ xuống. Hai lần mới kéo được vợ, nhưng rõ ràng mặt Thủy Tiên khá nặng nề. Tôi bảo: “Thím cùng ăn cho cả nhà vui vẻ, bõ công mẹ vất vả chuẩn bị. Tất thẩy đều vì gia đình chúng ta”.
Thủy Tiên gượng gạo ăn, nhưng khá ít rồi xin phép về phòng. Tôi cố gợi chuyện để cả nhà ăn vui. Đặc biệt có Hân nên mẹ mãn nguyện. Bữa cơm nói rất nhiều về hoa. Hân là con nhà trồng hoa. Khi cậu út đi học nước ngoài thì Hân cũng học đại học. Nay đang học năm cuối. Lúc cơm xong, mẹ nói nhỏ với tôi: “Con Hân nết na, nấu nướng giỏi, nó sẽ là đứa chiều chồng”.

***

Sáng mồng một Tết anh em chúng tôi tề tựu chúc mẹ mạnh khỏe. Các cháu được mẹ lì xì. Điều đặc biệt là trên bàn, một bình thủy tiên kiêu sa bung nở. Nhìn, thấy rất giống bình em dâu đã mua. Thủy Tiên hỏi: “Mẹ kiếm đâu thế ạ?”. Mẹ nói: “À, vẫn là bình hôm trước thôi. Nhưng đến kỳ, thời khắc thì hoa nở”.

Cả nhà nhìn mẹ cười vui. Mẹ đã nhờ Hân thay bình thủy tiên ấy, và nói với mọi người đó vẫn là bình Thủy Tiên mua tặng.
Từ hôm trước đến hôm sau hoa đã nở một cách thần kỳ. Thủy Tiên vẫn tin điều đó, dù biết nguyên do. Sự gượng gạo bay biến đâu hết, còn hoa trắng nhụy vàng cứ trổ sắc vào Xuân. Thủy Tiên thưa với mẹ: “Năm nay chúng con hoãn đi xa. Chúng con ở nhà với gia đình, với mẹ”. Mẹ cười: “Con nhận ra điều đó, mẹ rất mừng lòng”.

Sau này tôi biết chuyện, lúc chuẩn bị thời khắc giao thừa Thủy Tiên đã nói với chồng: “Em đã nghĩ nhiều. Vợ chồng mình có cái gì đó sai sai. Mấy tổ ấm nhỏ được vui vẻ như vậy là nhờ công mẹ, chúng ta đừng làm mẹ buồn nữa. Anh nhỉ?”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần