Thao dừng lại giữa cầu đăm đăm nhìn xuống lòng sông nơi ba dòng chảy gặp nhau. Màu đỏ của phù sa sông Thao quện vào dòng xanh ngọc biếc của sông Lô, sông Đà tạo thành dòng sông Hồng trù phú. Thao muốn trầm mình xuống đó lặn ngụp về thời thơ nhỏ. Để nghe thấy tiếng cười lanh lảnh của mình lúc cùng anh trai vùng vẫy dưới sông như con rái cá. Người Khương đen nhẻm và đầy sẹo nhưng hai hàm răng trắng bóc. Bố mất, Khương mới mười hai tuổi đã buộc phải trở thành trụ cột gia đình. Ngày nào cũng ra sông bắt cá, mò trai, vớt củi bán lấy tiền. Thao lẽo đẽo theo anh lấm lem bùn đất. Mùa cạn, sông chắt chiu dòng chảy len lỏi qua những bãi cát trải dài. Mẹ bắt đầu mùa trồng ngô. Những bụi tre triền đê cũng bắt đầu đẻ măng. Anh em Thao rời sông lên rừng hái rau, tìm củi. Tuổi thơ tuy cơ cực mà đầm ấm yên vui. Ba mẹ con ngồi ăn cơm với rau đắng cá khô cũng tràn ngập tiếng cười. Hồi ấy mẹ cứ mong các con mau khôn lớn thành người. Nhưng mẹ đâu lường trước được rằng cuộc đời ngoài kia đầy cám dỗ hiểm nguy. Mà con của mẹ thì nhiều khi có lớn mà chẳng có khôn. Vùng vẫy giữa dòng đời khó khăn hơn giữa dòng sông ký ức.
Thao nhắm mắt trút tiếng thở dài theo gió sông. Trút luôn cả nỗi đau xuống dòng trong đục và tự nhủ đã cắt đi khúc ruột của mình. Qua hết cây cầu này là thấy triền đê xanh quen thuộc. Những ngôi nhà cao tầng nối đuôi nhau. Biển hiệu cắt tóc gội đầu, massage, bia ôm nhấp nháy đèn led. Nhập nhoạng tối, vài người đi đường nhận ra mẹ con Thao. Thao dắt con rảo bước đi xuống triền đê rẽ vào lối nhỏ. Nhà mẹ nằm ở đó, lọt thỏm giữa vòm xanh cây cối lâu năm. Khói bếp len lỏi qua vòm cây bay lên trời chiều mỏng manh như tuổi già của mẹ. Chưa gì Thao đã ngửi thấy mùi tép đồng kho tương bùi ngùi trong ý nghĩ. Bé Na kêu mỏi chân chùn bước đứng lại vệ đường. Một lúc sau hai mẹ con mới về đến nhà, con chó già đón ở cổng với vẻ điềm đạm. Mẹ hiện ra ở trái bếp lơ thơ tóc bạc. Vứt bó củi trên vai xuống, mẹ nhào lại ôm cháu. Thao đứng đó ngẩn ngơ nhìn hai thế hệ quấn quýt nhau. Mẹ xoa đầu cháu, sờ nắn khắp người nó xem béo hơn được chút nào không. Rồi khen cháu lớn phổng phao chẳng mấy chốc mà thành thiếu nữ. Mẹ xuýt xoa vết hằn đỏ ở gót chân cháu, mắng Thao sao không chọn đôi giày vải mềm cho con đi. Mẹ bế cháu vào lòng mắt rơm rớm buồn. Dường như mẹ chỉ chờ Thao về là cởi nỗi buồn. Lòng mẹ đã trũng như sông.
- Chẳng biết nó bị nhốt ở đó có bị đánh đập không? Có cho ăn uống gì không?- Mẹ kệ anh ấy. Phải như vậy mới tỉnh ngộ ra. Mới thành người. Mới biết quý đồng tiền và công sức lao động. Mẹ cứ xót thương bao bọc thế bảo sao hết lần này đến lần khác phải đi trả nợ thay.- Giận bao nhiêu thì thương bấy nhiêu.- Lần này con coi như không còn có anh. Khúc ruột con cắt đi rồi. Đau một lần rồi thôi. Anh cứ u mê tăm tối đầu óc hoài không chịu thay đổi. Người ta chơi có thời thôi. Anh gần bốn mươi tuổi rồi còn nông nổi đến bao giờ nữa. Mẹ thương anh kiểu đó thì chỉ còn nước bán nhà trả nợ thay anh rồi ra đê ở.- Ờ thì…Mẹ thở hắt ra, mệt mỏi chống tay đứng dậy. Thao nhìn theo dáng mẹ gầy gò khắc khổ lòng đau như cắt. Nỗi đau này dai dẳng suốt mấy chục năm qua không cách nào chữa khỏi. Khương từng hiền khô giờ thành người đầu đường xó chợ sống kiểu bất cần tạm bợ. Tuổi mười lăm vừa kịp lớn, Khương rời sông đi bốc vác kiếm tiền giúp mẹ nuôi em ăn học. Nhiều tối ngồi xoa dầu lên những vết bầm tím ở vai anh Thao đã khóc. Anh đã hy sinh phần mình để Thao được đến trường cùng bè bạn. Có lần vì xót anh mà Thao đòi nghỉ học. Khương vỗ vai mình bảo “anh dư sức lo cho mẹ và em. Con trai quăng quật đâu cũng sống ngon ơ. Nhưng con gái như em mà không học thì sau này thiệt thòi lắm”. Vậy mà mười tám tuổi anh mang món nợ đầu tiên về nhà. Mẹ phải bán đàn gà, đôi lợn giống để trả cho người ta. Anh bần thần hồi lâu, hứa với mẹ sẽ không bao giờ vay mượn nữa. Món tiền ấy anh ném vào sới đá gà bên kia sông. Trong giấc mơ lúc nửa đêm anh còn thốt lên tiếc nuối con gà chân trắng nào đó đã đá thua.Thao học xong cấp ba thì nghỉ hẳn, chấm dứt mơ ước thi vào đại học. Một mình mẹ gắng gượng lắm mới có thể nuôi Thao học hành từng ấy năm đằng đẵng. Khương theo đám bạn rủ rê lao vào cờ bạc như một con thiêu thân không biết đâu là vùng sáng ma mị chết người. Nhà thành ổ nợ, chó sủa inh ỏi suốt ngày. Mẹ khất lần người ta khi trong nhà chẳng còn gì đáng giá. Thỉnh thoảng Khương trở về nhà với thân xác bơ phờ, không một xu dính túi. Về lục cơm nguội vừa ăn vừa nấc nghẹn. Mẹ xót xa quay đi lau nước mắt chỉ biết than trời. Thao nhìn mái tóc bù xù xơ xác, bộ quần áo cáu bẩn và những đường gân xanh nổi trên tay Khương mà không cầm nổi nước mắt. Cô chẳng hiểu được tại sao anh trai mình lại chọn sống một cuộc đời như thế. Sau giờ làm người ta về với gia đình thanh thản nói cười. Ngồi ăn một bữa cơm không phải sợ có người ập vào đòi nợ. Nửa đêm đâu phải thon thót giật mình mỗi khi có tiếng xe dừng dưới cổng. Cũng đâu phải rầu rĩ nghĩ suy chuyện tiền nong như người mất hồn. Thao không nhớ nổi có bao nhiêu đêm người ta đến đập cửa uỳnh uỳnh. Khương trốn cửa sau. Mẹ con Thao phận gái ngồi co ro ở góc nhà sợ hãi. Mãi rồi cũng quen. Giống như người ta quen với hình ảnh người mẹ già nua khắc khổ lầm lũi thức khuya dậy sớm. Sống một cuộc đời tằn tiện để tích cóp trả nợ cho con. Mẹ như thân cây chắt chiu nuôi con bằng nhựa sống của chính mình. Thao từng hỏi Khương đã bao giờ biết xót xa mẹ hay chưa? Khương chỉ lầm lũi cúi đầu. Trong đôi mắt lúc nào cũng cụp xuống ấy là ánh nhìn man dại của một con nghiện đỏ đen. Để rồi vừa nhìn nước mắt mẹ rơi là Khương lại lao ngay vào khoanh chân trong ổ bạc.Hai tám tuổi Khương lấy vợ. Vợ Khương làm trong xưởng may trên thị xã. Thao vịn vào cuộc hôn nhân ấy để tin có vợ con rồi Khương sẽ thay đổi tâm tính để vun vén gia đình. Nhưng tiếng cười con thơ không níu Khương lại với mái nhà bình yên. Anh lao đầu về phía của cám dỗ và cạm bẫy. Chị dâu không chịu đựng được cảnh chồng bài bạc nợ nần nên dẫn theo đứa con gái nhỏ bỏ về quê ngoại. Sau mỗi chuyện buồn tóc mẹ lại bạc thêm. Mẹ không dám ngẩng cao đầu nhìn bà con lối xóm vì sợ bị chê cười. Đi đâu mẹ cũng cúi gằm mặt nên lưng mẹ cứ gù dần, lòng khòng trong từng ý nghĩ của Thao. Có lúc Thao từng chua xót nghĩ một mai mẹ không còn trên đời này nữa thì nhà này sẽ ra sao? Thao đi lấy chồng hưởng phúc phận nhà chồng đã đành. Còn Khương? Anh sẽ ra sao khi không còn ai chở che cứu vớt? Không còn có người ngồi đợi cơm mỗi chiều. Có thân tàn ma dại cũng không còn ai thương xót. Nhiều lần về thăm nhà rồi đi, Thao chỉ nói với anh mình một câu duy nhất “mẹ già rồi”.Thì mẹ già thật rồi nên thường đãng trí quên mất chiếc nón vừa đội trên đầu giờ đã để ở đâu? Đi chợ quên mua rau. Nấu cơm quên cho nước. Có khi ốm quên mất mình đã uống thuốc hay chưa? Có lần Thao ngồi ngoài hè mẹ định gọi tên mà không sao nhớ nổi. Mẹ như dòng sông Hồng bên lở bên bồi. Bao nhiêu nghĩ suy mẹ đều hướng về đứa con ngu muội để rồi quên cả chính mình. Thao về lần này vì mẹ điện xuống nói Khương đang bị nhốt ở xưởng gỗ vì lấy tiền của chủ đi đánh bạc. Họ nói nếu không mang tiền đến trả thì sẽ giao cho công an xử lý. Thao rụng rời chân tay. Số tiền gần hai trăm triệu đồng chứ ít ỏi gì, biết xoay đâu cho kịp. Giận quá Thao nói cứ để mặc cho anh đi tù thì mới thấm. Nhưng đêm nằm không ngủ được. Máu mủ chứ đâu phải người dưng. Một ngày trong tù bằng ngàn thu ở ngoài. Rồi mẹ sẽ sống thế nào trước những lời dị nghị? Trước những bữa cơm nghẹn đắng, lẩn thẩn nghĩ giờ này không biết con mình sống ra sao? Có được ăn no mặc ấm? Đầu óc liệu có biết tu tỉnh hay lại thêm u mê tiêu cực? Rồi ra tù biết làm gì để sống? Thao không chịu đựng được khi nhìn mẹ chết dần chết mòn trong mớ ý nghĩ về Khương. Nên lại thêm một lần bòn mót đến từng đồng tiền tiết kiệm cuối cùng mang chuộc Khương về. Dù đó vốn là số tiền Thao định tích cóp lo cho mẹ già con nhỏ lúc ốm đau. Nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Chồng Thao biết vợ có tiền riêng hay về dấm dúi cho mẹ đẻ nên thỉnh thoảng trong cơn say lại rít lên “tiền ở cái nhà này đi đâu hết?”. Thao chỉ biết khóc thầm khóc vụng. Khương đâu có biết thương em gái mình. Thân là phận gái đi lấy chồng mà vẫn phải nặng gánh lo toan nhà đẻ. Thao còn ở nhà thuê mưa dột khắp nơi. Lúc vào cửa hàng chọn sữa cho con còn lăn tăn đắt rẻ. Đi chợ còn đắn đo có nên mua thứ này thứ kia hay không. Chỉ sợ tiêu hoang lúc mẹ cần tiền lại không có giúp.Thao từ xưởng gỗ về nhà lúc bé Na đã lên giường ngủ. Mùi khói hương vẫn vương vất khắp nhà. Sau khi thắp hương cầu khấn tổ tiên mẹ ngồi đợi Thao về. Cơm canh nguội ngắt trên bàn. Thao nén tiếng thở dài trước khi bước chân vào nhà, còn Khương thì lẽo đẽo theo sau. Thao mấy lần định quay lại nói gì đó thật chua chát và cay nghiệt với Khương nhưng lại thôi. Nhìn bộ dạng thất thểu, xơ xác ấy Thao không cất nổi lời. Mẹ vội vàng xới cơm cho hai anh em. Khương bỗng bật khóc khi đưa miếng cơm lên miệng. Khương quỳ sụp xuống nắm lấy bàn tay sạm đen gầy guộc của mẹ nghẹn ngào: “Suốt mấy hôm bị nhốt trong xưởng gỗ con đã nghĩ nếu bị vào tù thì biết bao giờ mới được ăn bát cơm mẹ nấu. Con sai rồi. Con sẽ không để mẹ phải lo lắng cho con thêm một lần nào nữa”. Thao quay đi lau nước mắt. Mọi cảm xúc dồn nén bỗng chốc vỡ òa. Đêm nằm ôm con nghe gió sông lùa ngoài hiên tưởng như có thể ngửi thấy mùi phù sa mặn nồng. Buồng bên có tiếng trở mình nặng nhọc của Khương. Tiếng mẹ già ho khan buốt ruột. Thao nhắm mắt chìm vào giấc ngủ thấy hai anh em bơi qua con sông Hồng trong mùa cạn nước. Những tiếng cười lanh lảnh vang lên. Lũ tôm sông tươi rói nhảy lách tách trong chiếc giỏ tre lấm lem bùn đất…