Thong thả ngồi xuống, chị dự định sẽ bỏ gọn hết vào cái thùng giấy lớn, chuẩn bị cho cuộc chuyển đi. Xe đã thuê, chỗ ở mới đã mua và dọn dẹp. Tất cả chỉ đợi qua hôm nay thôi, là ngày mới khác hẳn rồi.
Hôm ấy trong căn hộ hai tầng xinh xắn của chị không có ai cả. Con chị, đứa nhỏ đi học, đứa lớn và ba nó, người từ giờ chính thức không còn là chồng chị, đang đi làm. Chị vừa tỉ mẩn xếp đồ vừa bất giác ngó ngang quanh nhà. Từng góc cầu thang, từng bậu cửa sổ, từng cái tủ cái bàn. Chỗ này xưa con chị lẫm chẫm vịn tay tập đi. Góc kia chị hay ngồi một mình nhìn ra sân mỗi khi phiền muộn. Căn phòng của vợ chồng nhiều năm chung sống… Mọi thứ đều quen thuộc đến nao lòng.
Chị và anh từng là bạn học trước khi thành vợ chồng. Cuộc hôn nhân dài khoác lên cái vỏ bọc xã hội hoàn hảo. Chị có công việc cần cái bền ngoài ấy, đặng dễ giao tiếp, hình ảnh chị được trọn vẹn trong mắt đồng nghiệp, đối tác. Chị nhẹ nhõm, dịu dàng, ai quen biết cũng ngỡ chị hạnh phúc đủ đầy lắm. Đâu hiểu, trong từng ấy năm tháng làm vợ làm mẹ, nước mắt chị bao nhiêu lần đã âm thầm đổ xuống, cay đắng, khổ sở, bất lực đến cùng cực…
Căn nhà của chị, với khoảng sân rợp mát trong con hẻm hai xe tải ra vào vô tư được chồng, không, chính xác bây giờ là chồng cũ, định giá hai tỷ tư. Đưa chị một tỷ hai, sòng phẳng. Thêm năm trăm triệu bố chồng thơm thảo gọi là “cho con dâu” nữa, là vừa đủ để chị mua một cái hộp diêm be bé ở một khu cách xa trung tâm, ở cái thành phố thuộc dạng đắt đỏ nhất nước này.
Nghe thì như thể, chồng cũ của chị đã hết sức biết chuyện, đã tạo điều kiện để chị tìm một chỗ ở mới tốt đẹp hơn. Mấy ai hình dung ra, chị một thân một mình đã lặn lội đi tìm nhà, xem xét, lo thủ tục, sắm mới từ cái chén tới cây tăm. Tất cả. Bởi như lời anh nói, chị cứ định giá vật dụng trong nhà đi, rồi báo cho anh, anh sẽ “thối” lại tiền cho chị một nửa. Nhưng chị không đành. Chị chẳng muốn rứt cái này, mang cái kia ra khỏi căn nhà mình từng ở gần hai mươi năm dài. Chị không muốn đứa con trai lớn mang cảm giác, căn nhà ấy bị tan tác ra, bị trống hoác đâu đó. Tội con. Chưa kể, hơn thua với chồng từng đồng xu cắc bạc chưa bao giờ là thói quen của chị. Chẳng phải cố tỏ ra sang chảnh gì, mà bởi chị thừa kinh nghiệm để biết, có muốn cũng không dễ qua anh được…
Toàn bộ tuổi thanh xuân của chị ở đó. Những đêm chị đi trực, hai đứa con ở nhà với bố. Đứa lớn khi ấy chưa kịp lên mười, đã biết không nên để mẹ phải lo thêm. Mãi tới tận khuya chị mới nhận được điện thoại của con, nức nở rằng mẹ ơi con sợ. Chắc sự cam chịu của nó đã tới đỉnh điểm rồi, nên mới bấm bụng gọi cho mẹ. Chị hiểu ngay, rằng chồng mình đi chơi chưa về. Mấy cái tin nhắn trấn an chị, rằng anh đang ở nhà với con, vẫn ổn hết, chỉ là giả dối. Chị bụng dạ như lửa đốt, gọi ngay cho chồng. Đáp lại sự nóng ruột tức giận của chị, là những hồi chuông dài rền rĩ vô vọng. Hôm sau chị tất tả về, anh thản nhiên như chẳng có gì to tát. Nếu chị buông câu cằn nhằn, có khi phải chịu thêm cái bạt tai thẳng thừng.
Mà cảnh ấy, đoạn ấy, không chỉ xảy ra một lần.
Chị vừa gặp Mai, vốn là bạn học chung của hai vợ chồng. Mai hồ hởi kể, nghe nói chị mới ly hôn phải không? Chồng như vậy mà còn chê trách điều gì nữa, coi chừng bỏ mồi bắt bóng đấy nhé! Mua nhà mới đẹp lắm hả? Tiền bố chồng bán nhà ở quê chia cho phải không? Thích nhỉ! Chị nghẹn lời, hiểu ra ngay. Rằng chẳng phải ngẫu nhiên mà giang hồ nắm thông tin rõ rành như thế. Chỉ tiếc, đấy chỉ là một nửa sự thật.
Tình cờ làm sao, thời điểm chị nộp đơn ly hôn, bỗng thấy bố chồng lặn lội từ đầu kia của đất nước vô thăm. Nhờ chị lấy giấy kết hôn về, ký giúp bố cái giấy đồng ý bán nhà. Khi ấy, chị hoàn toàn chẳng biết, bố chồng đã nhận tiền cọc của người mua. Đã hầu hết xong xuôi mọi thứ. Duy nhất chỉ thiếu chữ ký của chị. Chị ngơ ngác hỏi, con thì liên quan gì tới tài sản của bố, mà phải ký? Hay bố chịu khó đợi sau khi con và anh hoàn tất mọi thủ tục ly hôn rồi, con thành người dưng, rồi thì bố hãy bán nhà, có phải khỏi phiền phức hay không? Sau, chị cuối cùng cũng hiểu. Căn nhà ấy ngày xưa mua kiểu hóa giá gì đó, nên toàn bộ những người thuộc thành viên trong gia đình đều phải ký chấp thuận mới sang tên được. Ngay cả đứa em bạn dâu với chị, vốn cũng đã ly hôn, cũng phải có chữ ký thì mới có thể bán được.
Mai, cũng cô bạn cũ ấy kể, hồi xưa chồng chị từng hỏi vay năm mươi triệu để đưa cho bố hợp thức căn nhà kia. Mà lúc đó Mai không có tiền nên đành từ chối. Chồng chị có lẽ không còn chỗ để mượn mõ, nên quay về hỏi vợ. Tiền ấy, là của chị làm ra. Lương anh nào giờ toàn chỉ mình anh biết. Năm mươi triệu, của mười mấy năm trước, là hơn mười cây vàng một chút. Chị đưa cho bố chồng, chẳng chút đắn đo gì… Giờ xâu chuỗi với lời kể của Mai, chị hiểu ra. Anh chưa từng tin tưởng vợ. Anh chỉ muốn gạt chị ra khỏi các thứ liên quan tới gia đình mình. Dùng chữ “đề phòng” nhau thì có quá đáng lắm không?
Giờ căn nhà ấy của nhà chồng giá trị kinh khủng. Sao để người ngoài tăm tia được! Đấy hẳn là lý do để anh nhanh chóng chấp thuận ly hôn, dù trước đó anh nằng nặc khó dễ. Đòi nuôi hết hai con. Đòi lên cơ quan chị quậy. Đòi bêu rếu chị phản bội, thay lòng nên muốn bỏ chồng. Bạn bè khuyên chị nên nhờ người định giá lại căn hộ của hai vợ chồng, chứ thời buổi này mà hai tỷ tư thì vô lý quá. Chị lắc đầu, chỉ mong thủ tục nhanh nhanh. Mệt mỏi, sợ hãi, ngán ngẩm lắm rồi. Gần năm nay sống ly thân, hai đứa con chị chắc nào vui sướng gì trong cái không khí gia đình hoặc căng thẳng hoặc tẻ ngắt ấy. Chồng chị vốn vũ phu. Không nhiều người biết điều ấy. Cứ bất kỳ điều gì không vừa ý, là anh tát vợ. Chị từ bàng hoàng phẫn uất trở nên quen dần phản xạ “tránh đòn”. Có khi, vợ chồng đang nói chuyện bình thường, anh bực mình ý gì đó, là “bốp”. Chị vừa đau đớn vừa căm hận.
Hôm chị dọn đi, vật dụng cá nhân đều “qua trạm” êm xuôi hết. Duy có cây đàn piano do anh mua tặng sinh nhật con gái là “vướng” lại. Tôi bỏ nhiều công sức trong đó. Một câu ngắn gọn thôi, là rõ rành. Chị bất ngờ với cái tin nhắn ấy, bởi cứ nghĩ mang theo cho con tập tành là lẽ đương nhiên. Lẳng lặng, chị nhắn lại vỏn vẹn hai ký tự OK. Vậy thôi, không tranh cãi thiệt hơn gì nữa. Người sành sỏi hẳn thừa biết giá trị của từng món đồ. Nên chẳng lẽ, chị lại kể ra, cái bếp từ hàng ngoại nhập mới toanh ấy, chị vừa sắm chưa tròn năm, còn đang trong hạn bảo hành, đáng giá bao tiền. Cái tủ lạnh, hai chiếc tivi màn hình phẳng thế hệ mới, máy giặt, máy nước nóng, lò vi sóng, mấy bộ ly pha lê để uống rượu… những vật dụng ấy ai trả tiền?
Mà thôi. Tiếc làm gì. Chị từng lo sợ bởi cứ ngỡ là, đêm cuối trong căn nhà biết bao gắn bó chăm chút ấy hẳn sẽ dài lắm, thao thức. Nhưng sau chuyện cây đàn, chị nhẹ nhõm ngủ ngon chờ mong những thời khắc ấy qua mau. Để chị được rời khỏi. Không chỉ một căn nhà.
Con muốn ở với mẹ. Vì mẹ thương con. Chị muốn kêu con sửa lại, thành: Vì con là con gái, mẹ sẽ chăm sóc tốt hơn. Nhưng rồi chị mặc kệ. Quan trọng gì nữa đâu. Gần đây, anh dường như biến thành một con người khác. Quan tâm tới đứa con gái nhỏ của mình hàng ngày, bằng cách cứ sáng sáng trưa trưa là thăm dò. Chị lẽ ra không biết, nếu như con gái không quay sang hỏi, trưa nay mình ăn gì hả mẹ? Để cho trả lời ba. Nếu là các món nhà làm, tức là chị không đi chơi. Nếu là phở, là bánh cuốn, tức là chị bỏ bê trách nhiệm là mẹ. Dạo này con bé ăn mì gói nhiều quá đấy, không tốt cho sức khỏe đâu. Chị buồn cười. Giá như trước đây anh từng dành cho con chút chu đáo như vậy, thì hay quá!
Tình cờ làm sao, nhà mới của chị cách cái gọi là tổ ấm cũ chỉ một khoảng đường. Và sát bên cái quán quen anh vẫn uống cà phê sớm tối. Chị thi thoảng nhìn thấy dáng anh ngồi nhả thuốc một mình. Vẻ lãng tử cô độc kia không còn khiến chị cảm động xao xuyến hoặc thấy thương nữa. Mà rành rành trong chị ý nghĩ, hóa ra người ta cũng biết diễn sâu ghê quá. Nên thiên hạ quen biết vẫn ghim gút ý nghĩ, chị ngu ngốc, sống lãng đãng trên mây nên mới bỏ người chồng tốt như vậy để ly dị. Là anh vẫn còn yêu chị lắm đấy, anh mong chị được hạnh phúc nên đành chiều theo ý muốn hão huyền của chị. Đại khái thế. Nào hiểu đâu, chị đã vật vã khổ sở biết chừng nào, mới may mắn được anh tha cho, đồng ý bước ra khỏi cuộc đời khó nhọc của chị.
Chị soạn mớ giấy tờ ra khỏi mấy cái thùng giấy. Sau cuộc tan vỡ của một mái nhà từng tồn tại hơn hai mươi năm, chị vỏn vẹn lại ít vật dụng cá nhân, và nhiều nhất là sách vở. Mấy cái bình hoa. Con trai lớn đã qua tuổi trưởng thành, chọn ở lại với ba. Chị cũng mừng vì con không khiến cho mẹ phải khó xử. Con trai chị cười cười bảo, ba giờ giàu rồi, mẹ khéo lo. Hôm qua ba nhậu về khoe con tiền cổ tức ở công ty ba nữa, chẳng phải chỉ có phần ông nội cho thôi đâu. Mẹ… bị lừa, gạt qua một bên, nên chuyến này lỗ to rồi!
Chị cười nhẹ tênh trước lời con trẻ. Nhìn ra bậu cửa, thấy chậu bông mười giờ mới đây mà đã quen đất quen nhà, nở từng chùm rưng rức. Loài hoa gì mà dễ sống dễ thích nghi, chẳng màng cầu kỳ sang trọng, chỉ cần nắng gió và tự do là đủ mãn nguyện rồi.