Cuối Đông, đâu đó gió bấc cùng những cơn mưa phùn vẫn trắng đồng, nhưng vào đến phố cổ đã không còn lồng lộng như ngoài cánh bãi sông Hồng, chỉ vi vút giữa những mái ngói lô xô, len lỏi vào con ngõ rêu phong, nhỏ hẹp. Mưa phùn, vào đến phố cổ như cũng dè dặt hơn, chỉ lay phay tưới nhuần những mái ngói thẫm màu thời gian.
Người ở Lãn Ông, kẻ ở Thuốc Bắc. Học với nhau từ thuở vỡ lòng, cùng lên đường vào Quảng Trị, cùng bị thương rồi về chuyển ngành đi học… Hợp nhau từ nết ăn, cách uống. Chừng ấy cái “cùng” khiến cho hai ông bạn già thân nhau từ những năm tóc còn xanh, nay cả hai đã phơ phơ đầu bạc, con cháu đuề huề mà thỉnh thoảng cao hứng lúc trà dư tửu hậu vẫn “mày tao” văng mạng. Như thế là rất thân nhau, thân đến mức hồi trẻ, nhỡ “say nắng” một chút cũng tâm sự, để rồi ông này cứu ông kia lai tỉnh, đến giờ gia cảnh viên mãn, cháu nội cháu ngoại đủ đầy. Cái mối thâm giao ấy khiến mấy hôm nay ông Hùng thấy bứt rứt. Quái, thằng cha này khéo nó cáu mình thật. Không lẽ chỉ vì cái chuyện ấy mà lão giận mình. Nếu thế thì đúng là già thật rồi… Chuyện là theo lệ thì năm nao cũng vậy, vào tầm ngoài Tết ông Táo là đôi bạn già rủ nhau đi sắm đào. Hai ông hợp nhau ở cái nết chơi, nết ăn nên chuyến sắm đào cũng là một cuộc vui tất niên. Ăn sáng, cà phê xong, họ lên mạn Lạc Long Quân, chỗ chợ hoa Tết, nơi tập trung những cành đào rừng được chở về từ mạn Tây Bắc. Mê cái đẹp tự nhiên, hai ông bạn từ mấy chục năm nay thường kén những cành đào mang về từ mạn Sơn La, Lai Châu, Lào Cai… mộc mạc mà khỏe khoắn, không cành nào giống cành nào, chỉ một nhánh nho nhỏ là đủ mang mùa Xuân núi rừng về nơi phố thị. Với nhiều người thành phố, có được một nhánh đào rừng mà trưng ngày Tết cũng là một niềm vui, một thú chơi tao nhã. Ông Hải vẫn tự hào là người đầu tiên trong nhóm bạn phát hiện, đeo đuổi thú chơi đào rừng mỗi độ Xuân về Tết đến. Đã mấy chục năm, ông vẫn chưa quên cái cảm giác sung sướng khi bắt gặp cành đào rừng ấy. Năm đó, áp Tết, ông đi công tác và rinh về được một cành đào rừng từ Sapa, lúc ấy còn khá vắng vẻ, đúng nghĩa là xứ sở của hoa đào và sương mù, chứ chưa đầy những bê tông, sắt thép, đèn màu như hiện nay. Cành đào như được thiên nhiên tạo tác để tiệp với chiếc bình gốm Phù Lãng thô tháp cùng không gian phòng khách nho nhỏ nhà ông. Từ hai cành chủ xù xì, khỏe khoắn điểm rêu mốc, địa y…những tay đào bụ bẫm, khỏe khoắn vươn ra, có la có bổng , mỗi nhánh mỗi vẻ với những nụ, những hoa, những lộc vừa đủ để tạo vẻ duyên dáng đậm đà mà không kém phần khoáng hoạt. Có được cành đào ưng ý, ông Hải sướng đến mức không thể cầm lòng, phải mời ngay mấy ông bạn đến làm cuộc rượu thưởng đào mà không chờ được đến Tết. Một người bạn bình phẩm: Đời một người chơi hoa, khó có được một cành đào như vậy lần thứ hai! Thế là thành nhóm mê đào rừng mà chủ trò là hai ông bạn thân từ thuở học trò. Vậy mà năm nay, ông Hải bỗng tuyên bố dứt khoát không chơi đào rừng. Lý lẽ ông đưa ra cũng khá thuyết phục. Những năm gần đây, ông thấy chơi đào rừng dần dà không còn là thú chơi tao nhã, khi một số người biến nó thành một dịch vụ làm ăn. Từng ngất ngây bởi vẻ đẹp mê hồn của những vườn đào mùa Xuân miền Tây Bắc, ông không khỏi xót xa trước cảnh những chiếc xe tải chở đầy những cành đào bị bó chặt trong những sợi dây nilon xanh đỏ, nối đuôi chạy về Hà Nội. Trông mới xót xa, tội nghiệp làm sao. Tệ hơn là sau Tết, nhiều, thậm chí rất nhiều cành không bán được bị vứt bỏ như những đám củi khô ven đường, lưu cữu năm này qua năm khác, trông mà xót ruột, lại làm xấu cả thành phố. Nghĩ đi nghĩ lại, ông quyết giã từ nỗi đam mê một thời, vận động mấy ông trong hội đào rừng, đầu tiên là ông Hùng, cùng từ bỏ cái thú chơi này… Khi ông Hải thuyết phục hội bạn giã từ thú chơi đào rừng, ông Hùng nói mạnh: Ai bỏ thì bỏ. Tôi cứ chơi. Tết mà không có cành đào thì không phải Tết. Đào mà tròn như cái nơm úp gà, hoa đỏ lòe lòe thì đếch phải đào! Là bỗ bã trong lúc tụ hội ở quán bia hơi xế cửa đình Thái Cam, Hàng Vải. Sau rồi với bản tính bộc tuệch, bộc toạc, ông cũng quên luôn chuyện ấy. Giờ nghĩ lại mới giật mình, không khéo thằng cha ấy nó giận mình thật…*** Trong cuộc sống, từ bỏ một thói quen đã khó, mà đây lại là một thú chơi tao nhã đã đeo đuổi mấy chục năm lại càng chẳng dễ dàng. So với những gốc, những cành đào phai, đào bích Nhật Tân ít nhiều được tạo thế theo khuôn khổ truyền thống, hầu như không khác nhau mấy tí, những cành đào tự nhiên mang về từ Tây Bắc, Việt Bắc thường mỗi cành một vẻ, có nét đẹp riêng biệt. Hơn ai hết, ông Hải cảm nhận những điều đó, nhưng vốn tính đã nghĩ là làm nên vẫn quyết từ bỏ thú chơi đào rừng. Thật ra ông cũng đã có dự định của mình và cả cho anh em nhóm bạn, nhất là ông Hùng. Ngay từ Tết Con Chuột năm trước, ông đã ra bãi sông Hồng mạn Nhật Tân và thấy người trồng đào cũng đã nhanh nhạy đón bắt thị hiếu người yêu hoa, không chỉ trồng những cành đào theo phong cách truyền thống, mà còn làm những cành đào có dáng tự nhiên, đẹp không kém đào mang về từ miền núi. Muốn đào bích có đào bích, muốn phai có đào phai, thích đơn có đơn, kép thì có kép. Sự tài khéo và lòng yêu nghề của người trồng đào đất Kinh kì đủ sức chiều lòng những người chơi hoa khó tính nhất. Ông Hải vẫn định đùa dai ông bạn đồng niên, đến ngày ông Táo mới tiết lộ cái bí mật thú vị ấy, rủ ông Hùng lên cánh bãi sông Hồng sắm đào. Lại nói đến cái chuyến du Xuân mỗi độ tất niên của hai ông bạn già. Thường thì sau khi mỗi người kén được cành đào ưng ý, giá phải chăng, buộc cẩn thận sau hai chiếc xe Hon đa Cup đời 82, hai ông trực chỉ quán mộc tồn tít ngoài bãi sông Hồng của một ông cũng từng là lính Quảng Trị. Ở đấy, hai ông đã được dành một chỗ ngồi ấm áp, có ô cửa sổ với tầm nhìn tít tắp bãi sông đang mùa nước cạn, với những hoa, những rau ngồn ngộn sức Xuân. Chỉ một đĩa hấp, xiên chả, bát nhựa mận cùng cút rượu nút lá chuối là đủ hai ông ngất ngưởng, tán thưởng nhau vì con mắt tinh đời, khéo chọn được cành đào đẹp. Vậy mà ông Hùng, vốn là người rủ rê ông Hải làm quen với món cầy tơ, năm nay cũng có vẻ thờ ơ với quán mộc tồn ngoài đê cùng cút rượu nút lá chuối. Sau đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, bác sĩ đã khuyên ông phải điều chỉnh chế độ ăn uống, đặc biệt là hạn chế những món khoái khẩu nhưng giàu Cholesterol như khoản mộc tồn, chalotica… nếu muốn được đón nhiều mùa đào nữa. Lại thêm, từ ngày có Nghị định 100 cùng khẩu hiệu “ Đã uống rượu bia, không lái xe!” ông muốn làm gương cho con cháu…*** Không khí rộn rịp của một cái Tết rồi cũng ào tới. Lác đác trong phố đã thấy người đi bán những cành đào sớm. Không nhịn được nữa, ông Hùng khoác chiếc áo bành-tô, đội thêm mũ phớt đến gõ cửa nhà ông bạn già. Dường như có thần giao cách cảm, ông Hải cũng đã nai nịt gọn gàng, áo ba-đơ-suy, phu la ấm áp ra đón bạn. Vậy là hai ông cười ha hả, nhìn nhau, như chẳng có chuyện gì. Xế trưa thì mỗi ông đã sắm được cành đào ưng ý, không thua kém gì đào rừng sau khi lượn khắp cả mấy cánh ruộng đào, ngắm thỏa thuê, thưởng thức những đào bích, đào phai đủ thế, đủ kiểu. Lại thêm được trò chuyện, hỏi han những người trồng đào, mà hiểu thêm niềm vui, nỗi lo của họ với nghề. Càng thấy, đi sắm đào cũng là một cái thú không gì thay thế được, mỗi năm chỉ có một lần. Khi về qua đến cửa khẩu quen thuộc rẽ ra ngoài đê, thấy ông Hải đi chậm lại như có ý dò hỏi, ông Hùng khoát tay: - Về thẳng thôi, lão Quảng béo giải nghệ rồi. Lão bảo già rồi, nghỉ cho khỏe. Với lại dạo này, cũng ít người ăn thịt chó. - Thế còn bữa tất niên?- Yên tâm, tôi đã có chương trình cả rồi. ..Hôm ấy, khi hai cành đào Tết đã yên vị trong phòng khách mỗi nhà, đẹp không kém những cành đào rừng họ vốn đam mê, hai ông bạn già thả bộ đến quán chả cá Lã Vọng.Gắp cho bạn miếng cá lăng vàng ươm kèm mấy nhánh hành hoa, thì là xanh mướt từ chảo nhỏ trên bếp than đang hồng rực, ông Hùng hỉ hả: Ông thấy tuyệt chưa. Cũng thú kém gì món mộc tồn đâu?Như để hưởng ứng, ông Hải nghiêng chai rượu Cúc làng Ngâu mang từ nhà, khẽ cụng li với bạn. Ngoài kia, đã lay phay mưa bụi. Trong hốc tường giữa hai mái ngói vừa được mưa bụi làm mới lại sau một mùa Đông mốc lên vì bụi thời gian, một mầm xanh khẽ nhú…Không biết có phải vì hơi ấm bếp than hay rượu Cúc đã ngấm, cả hai ông cùng bỏ khăn áo mà nâng chén. Trời đang ấm dần, một mùa Xuân thực sự đang về…