Những con mèo bị xe cán gãy chân. Những con mèo bị bệnh nằm nhả dãi rớt. Lại có những con trụi hết lông còn trơ xương. Vài con mèo lạc mẹ bỏ ăn… Tất cả chúng, cuối cùng được Thanh gom về căn phòng của mình. Lâu dần, người ta thảy đến cho cô cả những con mèo sắp chết của họ hay nhờ nuôi đám mèo phá phách và không bao giờ tới đón chúng về.
Người ta chẳng hiểu chủ nhà làm gì, như thế nào. Cô chẳng chơi với ai và không nói chuyện cùng ai. Mở hé cửa đủ lọt vào, rồi lập tức đóng lại. Chung cư không thích nuôi chó mèo. “Này, cô đảm bảo không nuôi chó mèo đấy chứ? Nếu có, tối đa vài con thôi” - Ban quản lý chung cư nói với Thanh. “Đề nghị quý bà con hạn chế nuôi chó mèo trong chung cư” - một tờ giấy được dán ngay trong cầu thang.
Cuộc sống giữa rừng mèo là như thế đấy, ban đầu mười con, hai mươi con, ba mươi… chủ nhân của căn phòng chỉ còn một góc đủ để ngả lưng. Bao nhiêu khoảng không, bao nhiên nơi cao chỗ thấp, từ phòng khách đến phòng bếp, tất cả đều là giang sơn của loài mèo.
Một cuộc đời bí mật và một rừng mèo bí mật. “Này nói nhỏ, cười khẽ, đi lại nhẹ nhàng!” - Lũ phá phách năm cha bảy mẹ ấy hóa ra cũng biết cái số phận của mình khi ở chung cư. Ngay cả khi chủ đi cả ngày, chúng cũng không cắn xé nhau, mỗi đứa nằm một góc, chui vào hộp giấy, vào gậm bàn, nhảy lên bàn, nằm im và ngủ. Chúng chia nhau từng miếng ăn, từng miếng nước. Chúng lần lượt đi vệ sinh vào bồn cầu.
Một lần, con mèo nhỏ tò mò leo lên cửa sổ và rớt xuống. Chung cư náo loạn: “Ai nuôi mèo? Tại sao để mèo nhảy lầu?”. Không tìm ra thủ phạm. Vài người ngao ngán: “Chung cư này làm gì có ai nuôi mèo! Chắc là mèo hoang thôi”.
Thanh sống độc thân, không cần gì hết, không cần đàn ông, chỉ cần mèo. Nom cô ta bận bịu, vất vả sớm khuya, ai cũng nghĩ chắc cô này nuôi đàn con nhỏ chăng? Hay nợ nần gì mà sớm khuya lo cày trả nợ. Công việc của cô là cắt may cho một cửa hàng với giá cắt mỗi cái đầm chỉ đủ nuôi vài con mèo. Cô nhận thêm đồ về nhà làm thêm. Có ai nói loại ăn gì ngon, bộ quần áo nào đẹp, cô thầm ước ao và cố gắng mua về cho những con mèo.
Một ngày, Thanh đứng trước gương, nhìn mình xơ xác, hốc hác, rũ rượi quanh những con mèo lông mượt như tơ, những đôi mắt biêng biếc và những bộ quần áo mới. “Mình có điên không hả Thanh?”. Rồi cô tự trả lời: “Không! Lũ mèo bị bỏ rơi xứng đáng được sống ở trong chung cư này, thay vì những bãi rác”.
*****
Thanh sinh ra trong một gia đình trung lưu ở khu phố cổ của Sài Gòn. Trong xóm của cô, đàn bà sinh ra để đẻ, hầu hạ chồng và ngoài ra không cần biết gì khác. Mỗi đứa con gái quấn trên mình một chiếc khăn và quần quật làm việc cho đến khi lấy chồng. Chị gái bỏ học năm lớp 11 để lấy chồng. Mẹ bảo: “Nếu con học hết 12 chắc chẳng ma nào rước đâu. Đàn bà con gái biết nhiều để làm gì?”. Mấy năm sau chị đã có hai đứa con và nom cũng già nua như mẹ.
Thanh chống lệnh mẹ, vẫn đi học cho đến hết lớp 12 và bí mật thi đại học. Cô trúng tuyển mà cái tin như sét đánh vào giữa nhà. Mẹ bảo: “Không học hành gì hết! Ở nhà, lấy chồng! Buôn bán! Sinh con!”. Đứa con gái ôm mặt khóc, năm đó nó không biết cách nào để đến trường.
Thanh ngồi chơi ở công viên, bên những con mèo hoang, cho chúng ăn và trò chuyện cùng chúng. Hai vợ chồng du khách thấy vậy dừng lại hỏi chuyện: “Tại sao cháu không đi học?”. Cô bé đáp: “Cháu đỗ đại học, nhưng ở chỗ cháu, con gái không cần phải học quá nhiều. Mẹ cháu không cho cháu tiền để đi học, cháu không có cả cái xe đạp để đến trường”. Vợ chồng du khách bảo: “Được rồi, nếu vậy ta sẽ cho cháu tiền mua xe máy đi học. Nhưng cháu sẽ phải hứa một điều, đó là phải chăm sóc những con mèo hoang này, chứ không phải vì học hành mà bỏ bẵng chúng”.
Thanh đã là đứa con gái duy nhất trong xóm học đến đại học. Mẹ cô, bố cô không thể ngăn cản nổi. Cô bé với những ước mơ được đi học và một tình yêu chó mèo.
Những đám bạn và những đứa trẻ bắt đầu nhìn Thanh bằng cặp mắt ngưỡng mộ. Ồ! Chị ấy đến trường đại học. Chị ấy là sinh viên. Chị ấy được đi đây đi đó, được ra với thế giới bên ngoài. Những ông bố, bà mẹ nổi giận: “Nó là đứa hư hỏng, ham của lạ, phá bỏ truyền thống! Nghiêm cấm bắt chước nó”. Những bà mẹ lo lắng cho những đứa con gái mới lớn của mình. Hẳn chúng sẽ bỏ nhà mà vào trường đại học. Rồi sẽ ra sao đây khi chúng cầm bằng đại học trở về trong khu phố mà đám con trai chỉ lo buôn bán và kế thừa tài sản bố mẹ sống bằng nghề cho thuê nhà và rất ít trong số chúng được học hành đến nơi đến chốn.
“Trong con mắt mọi người, chị là một người hư hỏng, nhưng trong con mắt chúng em, chị là một người hùng” - những đứa em nói với Thanh, ngày cô bị gia đình ép buộc đi vượt biên. “Hãy đi nơi đâu cho khuất mắt đi, đừng làm náo loạn nơi này” - những người già khó tính nói. Họ cũng nghĩ rằng Thanh sẽ chẳng bao giờ tìm ra nổi một tấm chồng ở đây chỉ vì cô học hành quá nhiều. Cô cùng những người vượt biên đi xuyên rừng ngày đêm, trong vô vọng.
*****
Đêm trong rừng già, người rách bươm và hai chỉ vàng dấu dưới đế dép vẫn còn đó. Bất chợt từ xóm làng xa xa vang lên tiếng những con mèo. Meo. Meo. Meo. Meo. Tiếng mèo làm Thanh bừng tỉnh.
Tại sao mình lại ở trong khu rừng với cuộc vượt biên khốn khổ này? Tại sao nhỉ? Chỉ để cho mọi người không còn nhìn thấy một kẻ ngang bướng không chịu nghe lời bố mẹ và đi học bằng tiền chu cấp từ những kẻ xa lạ sao? Mình có lỗi gì? Mình đã gây ra lỗi lầm gì khi không chịu lấy chồng theo sự cưới gả và cố gắng học đại học?
Sáng sớm mai, đoàn người không thấy Thanh ở đâu nữa. Cô đã biến mất khỏi khu rừng.
Thanh trở lại Việt Nam và cô tự kiếm sống bằng mọi nghề từ lau dọn, bán hoa tươi, làm móng tay, may mặc… Cơm chợ, nhà thuê. Đôi khi cô đi qua khu nhà của mình, nơi những căn nhà sang trọng rực sáng ánh đèn và những bà mẹ trẻ tuổi chỉ chừng mười tám đôi mươi. Cô nhớ nhà, như một con mèo hoang vậy, vẫn tìm về vào lúc đêm khuya.
Vài người nhìn thấy cuộc sống lam lũ của cô, bảo: “Đáng đời cho một kẻ đua đòi, không chịu làm thiên chức người mẹ, người vợ, chỉ thích sống theo ý mình!”. Không ít kẻ hả hê: “Đấy, không lo lấy chồng, đi học bằng này cấp nọ, ra trường có xin được việc đâu, lại đi làm thuê thiên hạ!”.
Người tốt xầm xì rằng mỗi khi Thanh xuất hiện ở cái công viên ấy, lập tức những con mèo hoang từ mọi ngõ ngách lao ra như những đứa nhỏ đón mẹ về. Chúng chờ được cho ăn, chờ được nói chuyện. Khi Thanh rời đi, công viên lại vắng tanh và lũ mèo biết mất không một dấu vết. “Thế đấy! nó đã không vượt biên vì nhớ lũ mèo!” – vài người thở dài.
*****
Người thương yêu thú vật thường gặp may mắn, điều đó đúng không? Cuối cùng Thanh cũng tìm được người đàn ông của đời mình, một chàng nghệ sĩ tuổi Mão. Anh chàng thường gọi nàng là: “Thiên thần của loài mèo”.
Họ quen nhau vào một hôm nàng đi mua thức ăn cho mèo gặp mưa đứng dưới dàn hoa giấy. Chàng chở giúp nàng về nhà thuê dưới chân cầu chữ Y. Trời lất phất mưa, nàng rét mà không dám ôm chàng.
“Em đã hy sinh nhiều cho học hành, cho loài mèo. Giờ đây, anh sẽ bù đắp cho em” - chàng nói - “Chúng ta sẽ đi du lịch một chuyến, đến những nơi đẹp nhất và ăn những món ăn ngon nhất. Anh sẽ cầu hôn em trên một hòn đảo lãng mạn, xung quanh biển xanh, cát trắng”.
Cô gái ngỡ ngàng: “Anh nghĩ em có thể rời căn hộ đầy mèo ngần ấy ngày sao? Ai sẽ cho mèo ăn? Ai cho mèo uống? Ai cho chúng chơi và ai mặc quần áo cho chúng? Không có em, mèo sẽ kêu ầm ỹ và bảo vệ chung cư sẽ phát hiện nơi đây có nuôi mèo. Họ sẽ lập biên bản và tống khứ chúng ra bãi rác sao?”.
Nàng chất vấn: “Chúng sẽ sống thế nào ở công viên? Ở những hàng cây và những căn nhà hoang? Anh nghĩ xem, nếu lỡ kiếp sau chúng ta biến thành những con mèo? Đấy, chúng làm gì nên nông nỗi? Chúng vẫn nhìn em và đôi mắt chúng làm em quên tất cả những mỏi mệt buồn phiền và những lời gièm pha”.
“Vậy em cũng quên luôn cả anh chứ?” - chàng trai tuyệt vọng. “Em phải chọn một trong hai, hoặc anh hoặc đàn mèo”. Cô gái lắc đầu: “Tại sao anh không lựa chọn cả em và đàn mèo”.
Họ ngồi im lặng giữa những con mèo bị bỏ rơi nay đã quen với cuộc sống ấm cúng với con người. Những con mèo không dám động đậy. Chúng cảm nhận được một cuộc chia ly sắp diễn ra. Cô chủ sẽ theo anh chàng kia và bỏ lại chúng ở xó xỉnh nào trong thành phố này. Chúng sẽ nhớ mãi những lúc được tắm, được cho ăn, được nựng, vui chơi với những con chuột gỗ và những mảnh lưới dù. Đôi mắt của đàn mèo lấp lánh như có những giọt nước mắt.
Họ không nói gì cả. Anh chàng nghệ sĩ bước ra khỏi đàn mèo. Anh đi về phía hòn đảo ngoài biển xanh đang đợi anh ở đó, nơi anh sẽ viết những bản tình ca về cuộc tình dang dở. Nghe đâu đó một tiếng thở dài.
Tất cả nghiêm! Đến giờ ăn và uống sữa!
Nghe khẩu lệnh mấy chục con mèo xếp hàng lần lượt vào ăn. Chúng vẫn không thể tin được rằng chúng còn có buổi tối ấm cúng này. Meo meo. Vài con mèo thổn thức. Nàng đưa tay: “Suỵt suỵt! coi chừng người ta nghe thấy tiếng mèo!”.
Nàng mở cửa sổ, he hé thôi, sợ mèo nhảy ra ngoài. Nàng cố nhìn theo trong cơn mưa bóng dáng chàng nghệ sĩ. Không thấy chàng đâu.
Ai đó đụng vào chân nàng! Hóa ra đàn mèo đứng dưới chân, ngơ ngác nhìn lên.
“Phải lịch sự để cho người khác một chút khoảng riêng tư chứ”. Nàng quát lên. Lũ mèo tội nghiệp chạy nép mình hết vào một góc để ngắm nàng đứng bên ô cửa sổ, ánh mắt nàng dõi về phía xa xa như cố tìm kiếm điều gì.