Ban đầu là những tranh cãi mà họ cố tình giấu giếm, để tới khi tôi ngon giấc mới cho nó bùng nổ nhưng tiếng của hai người dày vò nhau lọt qua khe cửa. Mặc dù những lời đó cố không bật ra để đứa con nghe thấy nhưng nó vẫn xoáy vào ngực thằng bé là tôi. Tôi hiểu đó là những vết nứt của một mái ấm bé nhỏ. Rồi cha tôi thường đi về khuya và lần nào cũng say xỉn. Họ chịu đựng nhau chỉ vì tôi. Do có một lần không làm chủ được, ông vùng vằng với mẹ và không còn giấu được tôi nữa. Từ đó tôi biết mẹ đã ngoại tình và làm cha đau đớn. Một trái tim non trẻ là tôi tổn thương.
Mẹ đi rồi, cha thường ngồi dưới gốc cây hoàng lan trước cổng như đang hoài niệm. Đêm ngày hương thơm vẫn tỏa ra, thứ hương thơm rất phố phường, lãng mạn cho những tình yêu đôi lứa. Đốm lửa trên đầu điếu thuốc đỏ liên tục. Cha đang ngóng mẹ, không biết mẹ đang trôi dạt ở phương trời nào. Với lối cư xử của cha, tôi học được của ông tính nhẫn nhịn và đặc biệt ông rất yêu mẹ. Tình yêu chân thành ấy nhiều người nhìn vào phải nể phục. Còn mẹ, bà theo “chủ nghĩa xê dịch” và dường như không an phận với những gì mình đang có: Một ngôi nhà nhỏ, một gia đình với lối sống tằn tiện trong chi tiêu. Mẹ mơ và mong mình đạt được những gì mình mong muốn, bất chấp sự hy sinh gia đình, tai tiếng. Khi cuộc sống của gia đình tôi không còn mấy khó khăn nữa nhưng mẹ vẫn không chấp nhận. Cha đau lòng vì sự đổi thay của mẹ. Tình yêu của mẹ với tôi không thắng được sự giằng co của một thế giới nào đó mà mẹ cho là đẹp. Cha không có mẹ, sống nhẫn nhịn, buồn hơn, lúc nào cũng như cái bóng. Sau này lớn lên, gốc hoàng lan có tôi thay thế làm nơi để thổ lộ tình yêu với Lan. Nó chứng kiến những lời dịu ngọt hai tôi nói với nhau và in hình bóng hai đứa hằng đêm. Có khi Lan tìm tới tôi, khi thì tôi tới đón em. Gốc hoàng lan trở thành thế giới, ở đó có hương hoa, bóng đêm, vầng trăng… Đặc biệt hơn còn là nơi tôi ngồi vuốt mái tóc dài của em trong hương đêm dịu ngọt. Cha nhường lại gốc hoàng lan cho tôi còn ông có thế giới khác cho riêng mình là căn gác nhỏ. Ông nhốt mình vào đó và giãi bày tâm sự với những bức tranh. Đêm đêm, ông mở toang cửa sổ, bóng trăng và hương hoa ùa vào. Tiếng ho húng hắng vang lên khi đêm đã muộn. Cha vẽ hình người đàn bà. Tôi nhận ra đó là hình bóng của mẹ. Cha vẫn không nguôi nhớ mặc dù đã hơn mười năm mẹ đi không có tin tức. Một người biết hy sinh như cha, nếu biết ở chân trời kia mẹ đang sống hạnh phúc, hẳn ông cũng an lòng. Lan tha thiết yêu tôi, tình yêu nồng nàn ấy tưởng không gì chia cắt. Vị ngọt tình yêu đầu đời cho tôi những ước vọng. Lan cho tôi hơi ấm, có cả hơi ấm của một người đàn bà làm cho ngôi nhà bớt u ám. Ngôi nhà ấy chỉ có hai cha con, hai người đàn ông, mọi thứ bề bộn, càng thấy bàn tay phụ nữ yếu đuối vậy mà thật quan trọng. Có lúc tôi trêu Lan: “Em như hương hoa lan cứ phảng phất mãi chẳng chịu đậu vào lòng anh cho có chốn nương nhờ, ngôi nhà bớt vắng.” Cha tôi rất thích Lan, ông muốn tôi và em nhanh chóng tiến tới đích. Ông vỗ vai cậu con trai, bảo: “Mau tiến triển đi cậu ạ, đừng có khù khờ thế. Cô này được đấy”. Lan nói em sắp đi du học nước ngoài. Vui vì chân trời em đang rộng mở phía trước, buồn vì sẽ phải xa em. Thực lòng tôi không muốn Lan đi. Cha tôi phải đợi để có con dâu còn tôi đợi Lan trở về. Hình như không khí trong nhà này là không khí của đợi chờ. Xưa kia, bà nội đợi ông đi chiến trường về. Ông đi mãi mãi và bà vẫn hy vọng… Giờ bà cũng không còn nữa. Chỉ cây hoàng lan vẫn đứng đó, tỏa hương như một chứng tích trải dài ba thế hệ… Cha ngày càng đam mê vẽ tranh. Ngoài công việc ở cơ quan, ông lấy việc vẽ tranh là niềm an ủi cho mình. Khung cửa sổ đêm đêm vẫn mở, tiếng ho húng hắng ngày càng vang vọng trong giấc đêm. Dường như những tiếng ho tỷ lệ thuận với tuổi của cha. Thời gian và sự trống vắng đã làm tinh thần của ông suy sụp. Tôi nghĩ rằng việc một người mẹ kế xuất hiện sẽ chẳng mấy làm cuộc sống của tôi thay đổi nhưng với cha tôi đó có thể là niềm an ủi và giúp ông phấn chấn hơn. “Cha ơi, nếu cha muốn, con cũng sẽ đồng ý để cha đi bước nữa, cô Hiên rất quý cha”. Tôi thưa chuyện với cha. Cha vỗ vai tôi: “Cha đã có tuổi rồi, chẳng dám làm phiền người ta nữa…”. Tôi thấy mắt cha rơm rớm, trông xa xôi về phía chân trời nào như sự mòn mỏi hy vọng mẹ tôi sẽ trở về. Tôi gục đầu vào cha, bỗng thấy mình bé nhỏ như khi mười tuổi, ngày mẹ tôi đi. “Con thương cha lắm, không muốn cha buồn”. Tôi nói như khóc. Lúc này cha an ủi tôi chứ không phải tôi đem niềm vui đến cho cha nữa. Cha vẫn vẽ tranh về mẹ, thi thoảng lại mang những kỷ vật cũ ra ngắm nhìn. Cha hoàn thiện bức tranh có cha và mẹ ngồi dưới gốc hoàng lan. Có người thiếu nữ với hai bím tóc dài đen nhánh, đôi mắt trong và khóe miệng tươi tắn. Ông tự cười một mình. Có lẽ thấy mẹ trong tranh cũng là cha đã thấy mẹ bên mình. Không thể nào quên được câu chuyện cha kể về tình yêu giữa hai người, lúc chuẩn bị sinh tôi thì bệnh của mẹ trở nên nặng hơn và đau đớn. Bác sĩ bảo chỉ có thể cứu được hoặc mẹ hoặc con. Mẹ đề nghị cứu con vì con là tất cả tình yêu mẹ dành cho cha. Sau đó may mắn cứu được cả hai, mẹ tròn con vuông, niềm vui khôn xiết. Mẹ mỉm cười rạng rỡ dù khuôn mặt tái xanh. Trước đó mẹ từng khóc sợ sẽ mất con, không trọn vẹn tình yêu cho cha… Vậy mà… Một cơn gió thời đại vô hình đã thành dòng ngăn cách hai người. Cha tôi thi thoảng vẫn nhắc lại chuyện cũ để khuyên tôi đừng trách mẹ. Mẹ là người tốt, chỉ có tính cách nông nổi như thuở mười tám đôi mươi. Nếu một ngày nào đó mẹ về, cha sẵn sàng tha thứ. Cô Hiên chăm đến nhà với cha tôi hơn. Ở công ty, cô cũng có hoàn cảnh gần giống cha tôi. Với cha, cô một mực tôn trọng vì cha là mẫu người để ai gặp cũng quý. Tôi nhìn thấy sự chân thành của cô là có ý. Cô thương cha tôi và cũng muốn được để ý. Ngôi nhà trống vắng, cô chỉ có một mình, cha tôi lại đang cô đơn. Tôi nghĩ cha sẽ cảm động trước tình cảm của cô Hiên và sẽ tự nguyện sưởi ấm cho trái tim người phụ nữ đã nguội lạnh. Nhưng không, cha chỉ coi cô như người bạn và giữ mãi khoảng cách ấy. Tôi thấy trái tim cha sỏi đá nhưng cũng tự hào vì mình có người cha chung tình với mẹ. Cô Hiên nhiều lần đi qua cây hoàng lan nhìn lên như muốn nói điều gì. Cây hoàng lan bốn mùa xanh lá, nó không có cảm giác của một mùa thu, chỉ đến mùa hoa lại tỏa hương ngào ngạt. Người đàn ông lớn tuổi trong căn nhà này cũng như cây hoàng lan chỉ xanh cho một người, không thay đổi. Cô không vì thế mà xa lánh cha, ngược lại càng thêm kính trọng cha hơn. Bỗng một ngày mẹ về, xêng xang xống áo. Mẹ không già đi nhiều lắm và giọng nói vẫn trầm ấm như thế. Cha tôi như cây già nắng hạn lâu ngày gặp mưa, hai mắt sáng lên, nhưng niềm vui ấy lại tắt ngấm sau câu hỏi: “Em sẽ ở nhà với cha con tôi chứ?” thì mẹ trả lời: “Không”. Hai con mắt cha bùng lên hai đốm lửa, đó là sự âm ỉ của những ngày mong ngóng đợi chờ. Tôi tưởng sau đó núi lửa sẽ nổ ra, phun trào dòng nham thạch nhưng cha chỉ còn chắt lại được hai hàng nước mắt thất vọng. “Em sẽ đi đâu?”. “Em chỉ về thăm anh và con rồi em lại đi, em đang có cuộc sống mới, em…”. “Anh không ngày nào không nhớ về em”. Mẹ lắc đầu, lúc này cha không thể cấm tôi ghét mẹ nữa vì mẹ đã biến thành người vô tình và độc ác. Tôi thét lên đòi mẹ ở nhà, mẹ đừng đi nữa, nhưng vô vọng. Hương hoàng lan tôi vẫn đợi, ngóng Lan qua những lá thư. Bốn năm với tôi dài như bốn thế kỷ. Lá thư nào tôi cũng nói mong em về. Em hứa sẽ về vào buổi chiều, vì buổi chiều là lúc sắp hết thời gian của một ngày, hương hoa lan cô đọng ngây ngất hơn để chuẩn bị cho đêm tình nhân. Như thế chúng tôi mới cảm nhận hết tình yêu của nhau. Tôi thấy lời giải thích ấy của Lan không có lí vì hoa hoàng lan lúc nào chả thơm, nhưng vì yêu nên cứ cho đó là sự thật. Và chờ đợi buổi chiều đó em trở về. Một năm, hai năm… Rồi ngày ấy sắp đến. Tôi hồi hộp chờ đợi từng ngày, từng giờ. Cảm giác chờ đợi trong tôi đã có từ bốn năm nay rồi nhưng đến ngày này sao mà sốt ruột quá. Một người gặp em ở bên Úc trở về nước nói với tôi là em không về nữa. Tôi không tin. Phải đến khi em gọi điện thì tôi mới thực sự muốn khuỵu ngã: “Anh Khánh à, em thực sự xin lỗi, có lẽ em sẽ không về được nữa, gia đình em sắp chuyển sang đây sinh sống. Em không thể bỏ bố mẹ… hãy quên em”. Ngọn lửa chờ đợi bùng cháy tới đây coi như bị dội gáo nước lạnh, em làm tai tôi ù đi. Sao có thể như thế, tại sao? Qua người bà con kia tôi được biết ở bên đó, Lan đã yêu một người khác. Tôi đau đớn nhận ra thời thanh niên chờ đợi của mình thành vô nghĩa. Phải chăng những miền đất lạ luôn quyến rũ đàn bà con gái? Gia đình chuyển sang chỉ là cái cớ, quan trọng là Lan đã có một vùng trời khác, bỏ tội nghiệp cây hoàng lan vẫn đứng đó xanh. Có phải buổi chiều hương hoàng lan sẽ thơm đậm đà hơn? Chiều ấy tôi đợi, gần đến rồi mà sao thành ra xa mãi mãi? Sau này tôi mới biết chiều ấy em có về, đứng từ xa nhìn bóng hoang lan rơi lác đác những chiếc lá và khóc khi nó vẫn một màu xanh đợi chờ. Tôi thấy mình quá vô tâm vì đã trách nhầm em, nghĩ em là kẻ không chung thủy. Em không hề có người đàn ông khác, đó chỉ là một vị bác sĩ trẻ đến chữa bệnh cho em. Em mắc chững bệnh u não mà y học khó có thể chữa được. Em không muốn tôi khổ. Lan tránh không gặp tôi, tâm tư em tôi hiểu nhưng có biết em làm thế là ác với tôi lắm không? Dù thời gian em tồn tại trên thế gian này còn ngắn ngủi nhưng không phải vì thế mà tôi muốn xa em. Tôi lao ra phố khi thành phố đã lên đèn, mang theo cành hoa lan đến tặng cô gái chiều nào cũng đứng bên khung cửa chờ ai đó.
Minh họa: Hiền Nhân |