Khu bãi nhỏ chỉ có ba gia đình ấy ngày nào cũng rộn lên nhờ chúng. Những hôm đi học hoặc chúng rủ nhau vào trong làng thì xóm bãi ấy im ắng hẳn. Giờ đang kì nghỉ hè nên suốt ngày cả xóm inh ỏi tiếng chúng đùa nghịch hòa lẫn tiếng ve râm ran, tiếng gió thổi và sóng biển rì rào.
Ngày mai tàu của bố sẽ về. Nhân lại xin sang ngủ ở nhà Cường để sáng dậy sớm tiện đi đón mọi người. Nếu chị có cản thì nó lại bảo: “Con phải học tập dần cách ngủ xa nhà để mai này đi biển, xa mẹ, xa em cho đỡ nhớ”.
Tinh sương, mặt trời lên từ đằng đông. Hai đứa ngồi vắt vẻo trên cây phi lao, mắt hướng ra khơi. Gió lao xao hòa lẫn tiếng sóng rì rầm khiến sự chờ đợi của chúng thêm rộn rã. Kia rồi! Con tàu của bố đang dẫn đầu đoàn dần dần lớn lên và lộ rõ dáng lênh đênh lao nhanh về đất liền. Chúng tụt xuống, lao nhanh ra ngoài bến. Đã nghe văng vẳng tiếng hát của đoàn tàu từ xa xa: “Tàu lại về sau bao con sóng, cá đầy khoang tay lưới dựng im, bao sóng dội không hề nao núng, bởi nơi bờ gom sức mạnh cho ta”. Tiếng hát ấy luôn vang lên mạnh mẽ kể cả những lúc ở trên bờ, đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người dân chài và những đứa trẻ như chúng.
Nó giơ tay vừa vẫy vừa gọi luôn mồm: Bố ơi! Anh ơi..!
Gặp nhau, mọi người vui vẻ nói cười râm ran. Nét rạng rỡ hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Họ tấp nập nhộn nhịp đi cân cá, nhận cá. Mỗi lần đoàn đánh cá trở về là một niềm vui, cả gia đình được sum họp đầm ấm, hạnh phúc. Nhân lại có dịp được nghe kể những câu chuyện ngoài biển cả. Qua lời kể hóm hỉnh của mọi người, nhất là anh trai khiến Nhân luôn tỏ vẻ muốn lớn thật nhanh để được đi biển. Nó cũng khoe những chuyến “đi biển” của mình ở nhà bằng con thuyền gỗ nhỏ làm mọi người cười sằng sặc. Khi những người đàn ông trở về, gia đình nhà nào nhà nấy đều trở nên ấm cúng tưng bừng hơn. Các mẹ các chị cũng tất tả hơn trong niềm vui được chăm sóc cho chồng con vài ngày ít ỏi rồi họ lại xa khơi.
Nhân và Cường lại trèo lên cây phi lao dõi theo con tàu của bố xa dần mà vẫn còn vẳng nghe: “Tàu ta đi qua bao con sóng, lưới giăng ra kéo đặng lên nào, bao sóng gió có chi ngần ngại, bởi nơi bờ gom sức mạnh cho ta, bởi nơi bờ đang ngóng đợi mong ta”. Tiếng hát hòa lẫn với tiếng sóng biển ì ào, những cánh chim chao lượn như đua cùng cơn gió. Rồi chúng lại trở về với những trò chơi huyên náo quen thuộc. Những người đàn bà con gái trong làng lại trở về đảm trách công việc của mình và cả của những người đàn ông vắng nhà.
Tối ấy, cả nhà quây quần ăn cơm. Chợt nghe tin báo bão. Dù đã quá quen với bão tố mưa sa, nhưng mỗi lần nghe tin bão là mỗi lần người già con trẻ lại thấp thỏm lo âu. Rồi họ lại nguyện cầu sự bình an cho người thân ở ngoài biển cả, cầu cho cơn bão mau qua và tất cả sẽ yên bình.
Cơn bão ngày một gần hơn, mạnh hơn. Sự lo âu của mọi người cũng tăng dần theo cơn bão. Một ngày, hai, rồi ba, bốn ngày, bão vẫn gia tăng phức tạp. Nỗi lo âu đã chiếm hết sự chờ đợi cầu mong. Dường như họ không thể cầu nguyện hơn được nữa. Đã có gia đình nhận được tin dữ về người thân. Điều đó khiến mẹ con chị càng hoang mang. Mọi người đều khắc khoải, hi vọng. Rồi cũng có một vài người ở tàu khác xơ xác trở về. Một số khác thì chỉ còn là những cái xác. Tang tóc buồn đau đang ỉ eo trong cái làng chài bé nhỏ. Đã hơn một tuần trôi qua, tàu của bố nó được coi là mất tích. Như thế vẫn còn chút hi vọng họ bị kẹt ở đâu đó. Ngày nào Nhân và Cường cũng leo lên cây ngồi hàng giờ. Cả buổi nhìn ra khơi xa mong ngóng, hi vọng sẽ phát hiện bóng dáng tàu của bố. Càng trông càng trống vắng, thất vọng, chỉ thấy biển bập bùng những đợt sóng. Gần nửa tháng trôi qua, rồi thì đội cứu hộ cũng trở về, mang theo một số người, cả sống và chết. Những người sống không phải. Lật mặt những người chết cũng không tìm thấy. Có lẽ giá như trong số những người chết kia mà có bố hoặc anh thì dù đau đớn nhưng cũng được an ủi phần nào. Vậy mà…
“Thế là tàu của bố mất tích. Bố không về, anh cũng không về. Chú Kiên nhà cô Hoa bố thằng Cường cũng không về phải không mẹ”? Thỉnh thoảng nó lại hỏi chị dồn dập như thế trong nước mắt. Chị chỉ biết lặng người mà ôm con khóc theo. Đôi khi chị đành lòng nói với con như muốn tự an ủi: “Rồi bố sẽ về thôi con ạ!” Chẳng biết có phải huyễn hoặc không nhưng nhiều khi chị cũng mong rằng tàu của chồng con chắc chỉ bị kẹt đâu đó, rồi sẽ trở về. Nhưng dường như chị càng hi vọng bao nhiêu lại càng tuyệt vọng bấy nhiêu. Đã hơn nửa tháng, ngày nào Nhân cũng hỏi chị những câu như thế. Cứ mỗi khi mặt trời tắt cũng là lúc cả gia đình lại hiểu rằng hôm nay người đi xa không về. Lại mông lung hi vọng vào ngày mai. Đêm đến, ai cũng trằn trọc. Nhất là Nhân, có lúc ngủ được thì nó lại mê sảng gọi bố và anh.
* * *
Sáng ấy, khi mẹ con chị đang đan lưới, chợt có người đàn ông ăn mặc lịch sự, dáng vẻ giàu có đến tìm. Ban đầu chị tưởng có tin gì về chồng con, nhưng hóa ra là đến tìm thằng Nhân khiến chị thật sự sửng sốt và khó xử. Ông giãi bày tâm sự: “Do lầm lỡ mà 12 năm trước tôi phải bỏ mẹ con cháu. Tôi rất ân hận vì không dám nhận trách nhiệm nên cô ấy mới phải đem bỏ nó. Vì thế mà cô ấy trốn biệt tôi khiến bao năm qua tôi đi tìm không được. Thật đau lòng khi tìm thấy thì cô ấy đã mất từ lâu. May mà vẫn để lời nhắn lại cho tôi được tìm con”.
Chị ngồi nghe ông ấy nói mà vẫn chưa hết bàng hoàng. Sẽ phải nói với con thế nào đây? Liệu nó có oán trách mình khi bấy lâu đã giấu nó? Nếu ông ấy đón nó đi..?
“Tôi may mắn tìm được con là phúc lắm rồi. Tôi biết mình không có quyền đón nó đi. Chỉ mong chị cho bố con tôi nhận nhau, rồi từ giờ xin được góp công nuôi cháu. Mai này cháu lớn lên, cũng để tùy chị và cháu quyết định. Tôi không dám đòi hỏi gì”.
Càng nghe chị càng thấy bối rối. Nhìn thằng Nhân ngủ ngon quá chị lại càng không biết có nên gọi nó dậy không? Tội nghiệp. Đêm qua chắc nó lại mất ngủ vì nhớ bố, nhớ anh. Có tiếng thằng Cường gọi ngoài cửa rủ nó ra trèo cây ngóng bố. Những trò chơi thú vị hấp dẫn như đi biển cũng chẳng thu hút chúng nữa. Nhà Cường giờ chỉ còn hai mẹ con với ông bà đã già yếu. Chị liếc nhìn chiếc thuyền gỗ nhỏ nằm yên trong góc nhà rồi rưng rưng. Biển ngoài kia vẫn ì oạp sóng.
* * *
Cũng đã sáu năm rồi, Nhân và Cường dần lớn lên với những trò chơi quen thuộc, ưa thích của chúng cùng với cuộc sống bình dị và biết bao chuyến xa khơi của dân làng chài. Nỗi đau chưa hẳn đã chấm dứt. Sáu năm nay bố đẻ Nhân vẫn luôn đến thăm và chu cấp tiền học. Giờ Nhân đã là một chàng trai cường tráng. Chị nghĩ nó sẽ rời làng lên thành phố với bố để lập nghiệp. Cách đây ít bữa, nó khẳng khái nói với chị: “Mẹ à! Sắp tới con sẽ ra khơi cùng tàu bác Tiến”.
Chị thật sự sửng sốt. Từ trước đến giờ chị luôn đắn đo suy nghĩ không biết phải định hướng cho con lên thành phố hay đi biển, nên cứ để nó tự quyết định. Nay nó nói thế, chị không biết phải nói sao. Thực tâm thì chị vẫn muốn nó lên thành phố học, như thế tương lai sẽ ổn định hơn. Chứ đi biển thì biết bao nguy hiểm…
“Ừ! Con đã quyết định thế, mẹ cũng không cản. Con hãy cố gắng!”.
Nói thế nhưng hôm nay là ngày Nhân lên tàu, chị lại không dám ra tiễn nó. Chị sợ những cuộc đưa tiễn. Lần chia tay nào cũng khiến chị mang đầy nỗi lo. Chị không muốn người thân nhìn thấy nét lo âu của mình khi họ ra khơi. Cả đêm chị trằn trọc không ngủ. Tờ mờ sáng Nhân đã dậy lặng lẽ chuẩn bị đi. Chắc nó cũng không muốn mẹ phải bịn rịn. Chị biết nhưng chẳng nói được với con lời nào. Chị quay mặt vào tường khóc. Đến khi con đi khỏi, chị ngồi dậy khóc dấm dứt, nhìn đứa con gái ngủ. Đêm qua anh em nó tâm sự khuya quá nên chắc giờ nó ngủ quên. Chị không dám gọi nó dậy. Trong chị cứ rối bời giữa hiện tại, quá khứ. Bồi hồi nhớ về những ngày gia đình đầm ấm, về chồng, về con đã khuất, chị lại khóc thút thít. Chợt cái Tâm tỉnh dậy bởi tiếng khóc của chị: “Ơ! Sao mẹ lại khóc? Anh Nhân đi rồi ạ? Mình ra tiễn anh đi mẹ!”. Tâm vừa giục vừa vội vàng chạy ra bến. Chị cũng vùng dậy chạy theo. Bến tàu chỉ còn những người đưa tiễn chưa muốn về. Những con tàu đã nhổ neo, chỉ còn thấy những dấu chấm nhỏ giữa biển khơi. Hai mẹ con đứng nhìn. Tiếng chị hòa lẫn với tiếng gió lồng lộng đẩy đưa những con sóng rạt rào như vỗ về bờ cát trắng: “Con đừng lo! Nhất định anh Nhân sẽ chinh phục được những dữ dội, nguy hiểm của biển khơi! Bởi ở đó luôn có tình yêu, sức mạnh của quê hương ta gắn theo những con tàu. Mẹ tin là bố con, anh cả con và những người khác sẽ luôn che chở, phù hộ cho chúng ta!”.
Sau buổi chia tay, ai nấy lại về với công việc của mình. Tâm đứng nhìn bọn trẻ nô đùa, chơi trò ra khơi một cách thích thú. Những chiếc thuyền gỗ của bọn trẻ thật giống với của anh trai ngày nào, dù bị sóng xô thế nào vẫn đứng vững. Mặt trời hồng đỏ rạng rỡ đang nhô lên từ phía đông.