Tóc thơm quá mà Long không có ở đây để hít hà hương bồ kết nấu lẫn lá hương nhu. Rắc thêm vài bông hoa bưởi đã được Thư sấy khô cất dùng suốt năm dài. Long dạo này chắc bận, vài công trình đều đang phải gấp rút hoàn thiện trước mùa mưa. Vài ba ngày mới gọi điện cho Thư được một lần có khi chỉ để hỏi “hôm nay em gội đầu bằng nước lá gì?”. Để có thể mường tượng ra hương tóc người con gái mình thương. Có khi trong giấc ngủ chập chờn ở công trình Long thấy mình đuổi theo mái tóc. Anh cứ chạy mãi cho đến khi chạm vào tiếng cười khúc khích và những lọn tóc đen rủ rỉ trên môi má của mình. Long từng nói cả cuộc đời sương gió của anh may là có mái tóc Thư níu lại. Như là bến đò, là sân ga, là cội nguồn của ước mơ hạnh phúc. Những thứ đó trước kia anh chưa từng có được. - Mẹ anh tóc ngắn cũn cỡn, quanh năm chẳng cần đến lược. Bà thích để như vậy cho đỡ vướng víu, cho hợp với áo kẻ caro. Nhiều lần đi xa về đến cửa anh nhìn vào cứ tưởng nhà có khách đàn ông. - Vậy chắc bố anh không thích tóc dài?- Anh từng ngồi sau xe của bố. Từng thấy bố ngơ ngác về một mái tóc dài bất chợ gặp trên đường. Ai dám chắc đêm về bố không mơ tưởng…Long nói rồi bật cười, đưa bàn tay chải dọc theo suối tóc của Thư. Bàn tay của một gã trai làm ngành xây dựng thô ráp và đen đúa. Thư áp bàn tay ấy vào má mình ngửi thấy mùi nắng gió, mùi đường xa ngái, mùi của những lo toan dằn vặt. Long như cánh chim trời mòn mỏi mà bay. Thư chỉ là hoa nhỏ, là cỏ hoang trên bước đường phiêu bạt của Long. Níu anh lại bằng một mái tóc dài và những hình dung về tương lai phía trước. “Nhất định anh sẽ mua một mảnh đất xây ngôi nhà nhỏ cho riêng chúng mình. Để trồng những khóm hồng bụi trước nhà, đằng sau trồng dâu tằm, hương nhu và ít cỏ mần trầu em gội đầu cho mượt. Em thích ngồi xích đu đọc sách đúng không? Thích một cái máy may nho nhỏ? Thích trồng cây vú sữa khắp vườn? Đợi anh nhé, chỉ vài năm nữa thôi anh sẽ xây nơi này thành tổ ấm”.Khu chợ nhà Thư chỗ nào cũng xúm xít ồn ào chỉ trừ góc nhỏ bán mấy thứ cây lá nhà quê. Ít lá xông cảm, vài ba loại lá cây làm thuốc, thêm gánh bồ kết buộc thành từng chùm một. Người ta bây giờ có biết bao nhiêu hãng dầu gội, dầu dưỡng để chọn lựa còn mấy ai gội đầu bằng bồ kết nữa đâu. Ấy thế mà một tháng đôi lần bà cụ vẫn đạp xe vài chục cây số lên đứng đó chờ vài người khách quen. Thư là một trong số những khách quen của bà, lần nào gặp cũng sà vào mua một ít. Ai cũng trêu “tóc dài thế kia gội tốn bồ kết phải biết”. Thư chỉ cười, vén lọn tóc về phía trước để khi cúi xuống bán mua, tóc không bị quệt xuống đất. Ghé vào hàng nào cũng có người vuốt mớ tóc đen dài hỏi nuôi bao nhiêu năm mới được thế này? Để dài vậy có bất tiện không? Tóc này phải ra tiệm chứ gội ở nhà cực lắm cô nhỉ? Thậm chí còn có người thốt lên: “Bộ tóc này mà bán tiền triệu chứ chẳng chơi”. Thư đi qua đâu cũng có ánh mắt đắm đuối trong ngọn tóc. Giăng mắc ở đó bởi những lời tha thiết. Như chị bán bánh khoai bỗng sờ lên đầu than: “Tóc người ta đẹp vậy mà tóc mình xơ xác quá. Da trắng tóc dài thế kia đàn ông không mê mới lạ”. Chị bán ngô non, khoai lang tím kế bên vừa cân cho khách vừa sồn sồn bảo: “Nhuộm cho lắm hóa chất vào mà kêu. Tóc đây chả nhuộm cũng chả làm xoăn mà rụng chỉ còn một nhúm”. Mấy gã đàn ông thấy Thư đi qua thì bỡn cợt: “Nuôi tóc dài không sợ lúc cãi nhau chồng tiện tay giựt ngược à em?”. Nhưng Thư vừa đi qua là đã có người tiếc nuối “tóc vợ tôi xưa cũng dài, thế mà tự dưng cắt phéng. Phí hoài…”.Hồi nhỏ Thư nuôi tóc chỉ vì bố thích thế. Bố nói Thư gắng nuôi tóc thay mẹ để ở nhà còn có bóng dáng tóc dài thướt tha mềm mại. Tóc mẹ từng dài rất dài nhưng sau này không hiểu vì sao cứ rụng dần. Dù tiếc lắm nhưng chính tay bố phải cắt ngắn tóc cho mẹ để mong những sợi tóc còn lại khỏe khoắn hơn. Cứ đến mùa măng là mùa rụng nhiều tóc nhất. Sáng ra vơ quanh chăn chiếu, dưới thềm nhà, ngoài bậc cửa vo lại thành từng nắm tóc rối. Biết là bố xót lắm nên mẹ thường dậy sớm nhặt tóc của chính mình. Hồi đó Thư không hiểu vì sao chỉ vì mái tóc thôi mà mẹ có thể buồn. Thỉnh thoảng thấy mẹ ngồi chải tóc ngoài hiên mắt rơm rớm khóc. Lớn lên một chút mới hiểu vì mẹ sợ mất đi sự dịu dàng trong mắt bố. Mà nghe nói lúc còn trẻ bố từng si mê mẹ ngay lần gặp đầu tiên chỉ vì mái tóc dài thơm hương bồ kết. Thư từng không lỡ cắt tóc bởi thương hai người già hoài niệm ấy. Dù bạn bè đổi hết mốt nọ đến mốt kia. Dù từng có lúc ấm ức vì mái tóc dài “quê bò xừ” lại khó kết hợp với quần áo, giày dép. Nhưng kể từ khi quen Long, Thư bỗng thấy yêu mái tóc dài đen nhánh của mình. Ở nhà thì Thư buông tóc vậy thôi chứ đi làm công sở là búi cao cho gọn. Không cần cài trâm, không cần hoa điểm, chỉ riêng búi tóc cũng có vẻ đẹp sang trọng của nó. Nói như Long, nếu không có những búi tóc đen trên đầu thì mấy ai nhìn thấy được vẻ quyến rũ của cổ cao, gáy trắng. Long có cái sở thích rất đáng yêu, cứ ngồi gần Thư là nghịch tóc. Chỉ cần một động tác là búi tóc xõa tung mềm như nhung trên bờ vai đầy đặn. Những lúc chỉ có hai đứa Long thích hít hà mùi hương tóc. Long nói sau này khi về cùng một nhà sẽ dụi đầu vào tóc Thư cho dễ ngủ. Mỗi lần đi công trình xa Long kêu nhớ nhất vẫn là mùi tóc của người yêu. Chẳng biết Long nhặt từ bao giờ những sợi tóc rụng của Thư, cuộn lại cho vào ngăn trong của ví. Chỉ có vậy thôi mà Thư đem lòng thương người đàn ông sương gió bụi đường ấy. Dù xa nhau thường xuyên nhưng luôn có cảm giác được kề bên, phải chăng cũng vì nhờ những ký ức mang hình sợi tóc? Dù nuôi tóc dài cũng có lúc thấy vướng víu, nặng đầu. Nhưng chỉ cần nghĩ đến những ngón tay người yêu thích chạm vào tóc mượt là Thư không dám nghĩ đến chuyện cắt đi.Thỉnh thoảng lại có người mua tóc đi qua ngõ. Tiếng loa rao “ai tóc dài, tóc rối bán đi”. Thư chợt nhớ đến mẹ từng khóc vì mỗi sáng rụng đi từng sợi tóc. Nhớ dáng lưng bố luồn dưới gốc bưởi nhặt hoa rụng phơi khô cho mẹ gội đầu. Nhớ cây bồ kết ở góc vườn gai góc, vậy nhưng suốt đời chắt chiu cho sự mượt mà, mềm mại. Giờ xa nhà, chạm vào tóc là chạm vào miên man nỗi nhớ. Tiếng Long hát nghêu ngao qua điện thoại lẫn vào tiếng ồn ào của công trường lúc cuối ngày: “Ba cô anh lạ cả ba/ Bốn cô anh lạ cả bốn biết là quen ai?/ Anh chỉ quen một cô da trắng tóc dài/ Miệng cười như cánh hoa nhài nở nang”. Thư cười, như ngửi thấy ở đầu bên kia mùi tóc cháy khét lẹt vì dãi nắng. Thương lắm mà không biết phải động viên sao, chỉ bảo “bao giờ về sẽ biên chế cho anh hẳn một ngày nghịch tóc”. Thế thôi…Công trình chưa kịp hoàn thiện thì mùa mưa ập đến. Long không về được thành phố như đã hứa với Thư. Nằm trong lán giữa rừng nghe mưa rơi lộp độp trên mái bạt mà thèm được ngồi trong căn phòng nhỏ nghe Thu Hà hát: “Như từ bao la ta ra đời một kiếp nữa/ Như từ trong nhau lớn lên khôn lên cùng nhau/ Như một câu ca hát ứa ra từ tim/ Tặng nhau nhé tiếng nghe hồn nhiên/ Để quên hết khó khăn chia lìa”.(*) Trên bếp nồi canh cá nấu dưa tỏa mùi thơm đến ứa cả nước miếng. Thư nhoẻn cười bảo: “Chờ chút thôi, cơm trong nồi đang sôi. Em nấu cho anh bát canh ngao nhé”. Long cũng đâu có vội. Anh tựa lưng vào ghế ngắm gáy người yêu trắng ngần lưa thưa mấy sợi tóc mỏng manh. Mái tóc dài đã được Thư khéo léo búi lên “để không có sợi tóc nào rơi vào cơm canh nóng hổi”. Vài tiếng sét cắt ngang dòng kí ức của Long. Không có tiếng cơm sôi, hay mùi thơm xào nấu trong căn bếp của Thư. Chỉ có mùi mì tôm bốc lên, mấy anh em kỹ sư, thợ thuyền đang nấu ăn trên chiếc bếp được bắc bằng một tấm tôn và vài viên gạch. Mưa to thế này không có người mang cơm lên. Long đang gấp rút hoàn thành việc lắp đặt trạm thu phát sóng được đặt giữa rừng để trở về thành phố. Nhưng xem ra trời vẫn còn mưa cả tuần dài mà Long thì nhớ tóc người thương đến cồn cào ruột gan. - Em có nghe thấy tiếng mưa rừng không? - Ừm… Em từng đọc đâu đó câu thơ của Trần Dần. “Mưa rơi không cần phiên dịch”. Hay quá đúng không anh? - Vậy chắc là em nghe mưa cũng biết là anh nhớ phố đến nhường nào.- Chỉ nhớ phố thôi sao?- Thì trong phố có người anh thương. Có mái tóc đang đợi anh về chải. Tóc thơm và gáy trắng. Em biết rồi còn hỏi?Tiếng Thư cười khúc khích át cả tiếng mưa rơi trong một buổi chiều buồn.(*) Bài hát “Bình Yên” của nhạc sĩ Trần Tiến