Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyền thông đa phương tiện - xu hướng làm báo hiện đại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - PGS Lê Hữu Lập - phụ trách phát ngôn của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, năm nay, nhà trường bắt đầu tuyển sinh bậc đại học (ĐH) ngành Truyền thông đa phương tiện.

Ông cũng khẳng định, sự phát triển của công nghệ đã tạo ra xu hướng mới cho báo chí và truyền thông. 

Hiện nay, khu vực miền Bắc có nhiều trường ĐH công và ngoài công lập đào tạo ngành báo chí. Vậy, Học viện có những ưu thế gì trong đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện, thưa ông?

- Thời gian qua, Học viện đã triển khai thành công đào tạo ngành Công nghệ đa phương tiện, có thể ứng dụng cho nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí và truyền thông. Thực tế đã chứng minh, sự phát triển của công nghệ đã tạo ra xu hướng mới cho báo chí và truyền thông, trong đó thông tin được truyền thông bởi ngôn ngữ đa phương tiện, bao gồm văn bản, âm thanh, hình ảnh, video, đặc biệt là tương tác; với đa loại hình sản phẩm, đa kênh truyền tải (báo điện tử, video, điện thoại thông minh...) và đa điều kiện tiếp nhận. Xu hướng này đòi hỏi người làm truyền thông hiện đại bên cạnh những kiến thức nền tảng về báo chí và truyền thông cần có những khả năng tác nghiệp độc lập, làm chủ loại hình đa phương tiện từ ngôn ngữ thể hiện, công cụ tạo lập và chuyển tải thông điệp. Hiện nay, xã hội đang có nhu cầu nhiều về nguồn nhân lực được đào tạo báo chí kết hợp với trang bị kiến thức về công nghệ đa phương tiện. Trong khi đó, các trường ĐH vẫn đào tạo báo chí truyền thống, nghiêng về nghiệp vụ nhiều hơn, chưa có nơi nào đào tạo kết hợp hai phương diện như vậy. Và theo yêu cầu đó, chúng tôi kết hợp đào tạo cả báo chí và công nghệ trong chương trình học.

Đầu vào tuyển sinh theo khối thi, liệu người học có đáp ứng được những yêu cầu của ngành này?

- Năm đầu tiên Học viện tuyển 60 chỉ tiêu từ các khối thi truyền thống là A, A1, D1. Là năm đầu tiên nên chúng tôi chưa đưa ra tiêu chí về năng khiếu, nhưng trước hết, các em phải yêu thích ngành báo chí gắn với công nghệ. Xét tuyển theo khối chỉ là nền tảng, khi trúng tuyển vào ngành này, sinh viên sẽ được trang bị từ đầu những kiến thức cơ bản về nghệ thuật, mỹ thuật, âm nhạc, quay phim…

Sinh viên theo ngành này sẽ được học những môn đặc thù nào, thưa ông?

- Các em sẽ được học môn Mỹ thuật, Cơ sở tạo hình, Nhập môn Đa phương tiện, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Tâm lý học, Hình họa, Xã hội học đại cương, Kỹ thuật nhiếp ảnh, Thiết kế tương tác đa phương tiện, Đồ họa, các kỹ xảo, ngôn ngữ hình ảnh giao tiếp chuyên nghiệp trong truyền thông, tổ chức biên tập, thiết kế kịch bản, cơ sở lý thuyết quảng cáo… Tóm lại, ngành này kết hợp giữa công nghệ đa phương tiện và báo chí truyền thông với tỷ lệ thiết kế chương trình dự kiến 70% và 30%. Khóa học ngành Truyền thông đa phương tiện kéo dài trong 4 năm rưỡi, thay vì 4 năm như các trường khác, để giúp sinh viên có cơ hội học thêm những môn liên quan đến công nghệ.

Xin cảm ơn ông!