Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyền thông góp phần chuyển đổi nhận thức người dân về xây dựng nông thôn mới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, công tác truyền thông về xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của mọi cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, góp phần chuyển đổi nhận thức cho cán bộ cơ sở, người dân về xây dựng nông thôn mới.

Lan toả sáng kiến, kinh nghiệm hay

Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Trung ương đã xác định, truyền thông là một giải pháp quan trọng, vừa song hành, vừa đi trước để chỉ đạo, hướng dẫn và phản ánh thực hiện. Vì vậy, các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng với sự tham gia của mọi cấp, ngành, đoàn thể.

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp và nhân dân được chú trọng, nhất là về mục đích, ý nghĩa, phương châm, các nội dung và cơ chế, chính sách của Chương trình. Công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở được thực hiện gắn liền với việc bàn bạc công khai, dân chủ về tổ chức thực hiện những nhiệm vụ ưu tiên. Nhờ đó đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.

45 triệu m2 đất đã được người dân các địa phương hiến tặng để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trọng Tùng.
45 triệu m2 đất đã được người dân các địa phương hiến tặng để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trọng Tùng.
 

“Thông tin truyền thông cần hướng đến cô đọng, đơn giản, dễ hiểu có mục tiêu rõ ràng và cụ thể để thực hiện ‘tuyên truyền nhân dân’…”

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh cho biết, hiện thực hóa quan điểm của Ban Chỉ đạo Trung ương “xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, những năm qua, các hoạt động truyền thông đã được quan tâm nhiều hơn, được xem là một giải pháp quan trọng, đi trước một bước nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. 

Thông qua việc thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình hay, các cách làm hiệu quả, mà nhiều điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới đã được nhiều địa phương học tập, nhân ra diện rộng. Có thể kể tới các phong trào như “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ về nhà” (Bắc Giang); “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh” (Hòa Bình); “Làng quê không rác thải”, “Đường hoa thay cỏ dại” (Quảng Nam).

Tại An Giang, phong trào “Ấp tự quản bảo vệ môi trường” cũng lan toả rộng khắp. Các phong trào khác như “Việc làng - đất vàng cũng hiến”, “Hiến đất - mất một được hai” cũng được nhân rộng tại Hà Tĩnh. Trong khi đó tại Hà Nội, phong trào trồng cây xanh, trồng hoa, vẽ bích họa trên các tuyến đường cũng nở rộ với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân…

“Công tác truyền thông về xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của mọi cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, góp phần chuyển đổi nhận thức cho cán bộ cơ sở, người dân về xây dựng nông thôn mới, nhất là từ thụ động, phụ thuộc vào nhà nước sang chủ động, tích cực hơn…” - ông Phương Đình Anh nhấn mạnh.

Mô hình tái chế rác thải bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).
Mô hình tái chế rác thải bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).

Truyền thông cần đi trước một bước

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông trong xây dựng nông thôn mới còn những tồn tại, hạn chế. Nổi cộm là tại một số nơi, công tác truyền thông chưa được quan tâm đúng mức; còn mang tính hình thức, đối phó, chưa có tính sáng tạo.

Nhìn nhận về công tác tuyên truyền nông thôn mới, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Trà Vinh thẳng thắn cho biết, truyền thông về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn chưa khai thác tối đa và hiệu quả các kênh truyền thông hiện đại, đặc biệt là khả năng truyền thông và lan tỏa của các mạng xã hội. Các hình thức truyền thông chủ yếu tập trung vào các phương tiện, hình thức truyền thống, chưa kịp thời đổi mới để mở rộng đối tượng truyền thông.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, công tác truyền thông là giải pháp quan trọng truyền tải thông tin chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở, đồng thời thu thập thông tin, giám sát và phản ánh những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, góp phần thực hiện có hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh và đi trước một bước. 

Phong trào đường hoa, cây xanh lan toả rộng khắp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có Hà Nội.
Phong trào đường hoa, cây xanh lan toả rộng khắp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tùy vào tình hình thực tiễn, đồng thời, dựa trên đặc điểm địa lý, đặc điểm sinh thái, nhóm dân cư sinh sống trên địa bàn mà linh hoạt lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp. Công tác thông tin, tuyên truyền vừa cần có những nội dung chung mang tính chỉ đạo và định hướng, vừa phải tính đến tính đặc thù để phù hợp đặc điểm văn hóa, truyền thống, trình độ phát triển của các cộng đồng dân cư, các vùng miền, cũng như phù hợp theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

Để nâng cao hiệu quả truyền thông, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị hàng năm, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương xây dựng kế hoạch và khung nội dung về truyền thông, tuyên truyền gửi các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương để thống nhất nội dung thực hiện. Khảo sát và đánh giá nhu cầu, xây dựng các hình thức tiếp nhận phản hồi về thông tin, nội dung, chủ đề trong hoạt động truyền thông, nhằm xây dựng chuyên đề truyền thông có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn.

Ở khía cạnh liên quan, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Đồng Nai Võ Hoàng Khai, cho rằng tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới phải gắn với làm tốt quy chế dân chủ cơ sở, bám sát phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trong triển khai các chương trình, dự án ở địa phương cần công khai, minh bạch các công việc, người dân phải được thông tin đầy đủ, đa chiều.

“Khi người dân hiểu kỹ được các vấn đề, hiểu được lợi ích thiết thực cho bản thân, gia đình thì sẽ không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại và tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới…” - ông Võ Hoàng Khai bày tỏ quan điểm. 

 

“Trong những năm qua, người dân cả nước đã tự nguyện hiến trên 45 triệu m2 đất để xây dựng nông thôn mới. Đây là minh chứng sống động cho hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động luôn đi trước một bước trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới” - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh