Dấu ấn đậm nét
Nhiều tờ báo lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin đậm nét về lễ bế mạc Đại hội XIII của Đảng cũng như các kết quả bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XIII, nhấn mạnh việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. Đồng thời nhận định, ban lãnh đạo mới được bầu lên sau Đại hội sẽ tiếp tục thực hiện những chính sách theo hướng kế thừa, ổn định và phát triển. Theo truyền thông quốc tế, Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ vạch ra tiến trình phát triển tiếp theo của đất nước.
Trang thewest.com (Australia) ngày 31/1 cho biết, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư khoá XIII, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, được tiếp tục tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. Trong nhiệm kỳ 5 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được biết đến là người đã mạnh tay thực hiện công cuộc chống tham nhũng.
Cùng ngày, tờ france24 của Pháp cũng đưa tin về sự kiện đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII. Tờ báo này dẫn lời Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học New South Wales của Australia tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng. Theo nhận định của france24, với phạm vi bao trùm khắp khu vực nhà nước, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được đại đa số người dân và đảng viên hưởng ứng.
Tương tự, tờ Bloomberg của Mỹ có bài viết nói rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người được biết đến với “quyết tâm chống tham nhũng và đã ủng hộ đường lối hội nhập sâu hơn của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu". “... Họ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ bằng việc cải cách hơn nữa môi trường đầu tư, loại bỏ tham nhũng, giải quyết các vấn đề cấp bách như môi trường và biến đổi khí hậu", tờ Bloomberg dẫn lời Lê Hồng Hiệp - chuyên gia tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore.
Việt Nam là một cường quốc đổi mới
Trong khi đó, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn thông tin về kết quả bầu cử tại Đại hội XIII, đồng thời nhấn mạnh kết quả này phản ánh thành tựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giúp đất nước hoàn thành “nhiệm vụ kép” trong năm 2020, khi vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế trên cơ sở hòa bình, ổn định được giữ vững.
Thời báo Khaleejtimes của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất ngày 1/2 có bài viết đánh giá Việt Nam là một cường quốc của đổi mới. |
Tờ Nikkei Asia đưa ra nhận định tương tự về thành tựu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bổ sung rằng các thay đổi trong nhân sự lãnh đạo của Việt Nam là điều thu hút sự chú ý của nhiều cường quốc cũng như cả châu Á.
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), dưới vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế lành mạnh và có nhiều thành tựu trong cuộc chiến chống Covid-19. Năm 2020, quốc gia Đông Nam Á này đã trở thành một trong số ít các nước trên thế giới duy trì đà tăng trưởng kinh tế, ở khoảng 3%.
Nhân dịp này, tờ thời báo Khaleejtimes của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất ngày 1/2 có bài viết đánh giá Việt Nam là một cường quốc của đổi mới. Theo tờ báo, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á được đánh giá là điểm sáng của kinh tế toàn cầu khi nằm trong top những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong hơn một thập kỷ qua. Đánh giá về thành tựu kinh tế Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế gần đây đã ca ngợi Việt Nam là “một câu chuyện huyền thoại”, “một ngôi sao đang lên”, hay “kinh tế tăng trưởng tốt nhất châu Á”. Tờ Khaleejtimes nhấn mạnh rằng những thành tựu kinh tế của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo nên “câu chuyện thần kỳ” trong xóa đói giảm nghèo với chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118/189 nước và nằm trong nhóm các nước có Tốc độ tăng HDI trên thế giới.
Bên cạnh đó, Báo cáo Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc (LHQ) năm 2020 cho biết, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được 5 mục tiêu hành động của LHQ, bao gồm các biện pháp giảm phát thải khí CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 6%, cùng với những thành tựu về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%.