Truyền thống quốc tế ca ngợi vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong đối phó dịch Covid-19

Nguyễn Phương (Theo moderndiplomacy.eu)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bài viết có tiêu đề “Phản ứng của ASEAN đối với Covid-19 và Con đường phía trước” đăng ngày 27/12 trên trang moderndiplomacy.eu nhận định, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã dẫn đầu nỗ lực của các quốc gia ASEAN trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.

 Trang mạng moderndiplomacy.eu vừa có bài viết khen ngợi Việt Nam ứng phó dịch Covid-19
Theo nội dung bài phân tích, các nước ASEAN đã sớm có phán ứng trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 từ lúc mới khởi phát. Nhờ đó, dù đại dịch tấn công khu vực châu Á đầu tiên, nhưng hầu hết các nước thành viên ASEAN hiện đã ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 và tử vong trung bình thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.
Với tư cách là một tổ chức khu vực, ASEAN đã tăng cường các hoạt động phối hợp và phản ứng chung nhằm đối phó với các thách thức do Covid-19 đặt ra. ASEAN không chỉ nâng cao nhận thức của các nước thành viên, mà còn liên kết với các tổ chức quốc tế và các nước khác để ứng phó ở nhiều cấp độ nhằm giải quyết các vấn đề do dịch bệnh gây ra.
Theo bài viết trên trang moderndiplomacy.eu, sau khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1/2020, ngay từ ngày 15/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN, đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của khu vực đối với dịch Covid-19.
Tuyên bố trên bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự lây lan của dịch Covid-19 và công nhận đây là "tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng được quốc tế quan tâm" như tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tuyên bố cũng nhấn mạnh việc tăng cường hỗ trợ các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống sự lây lan của dịch Covid-19, đồng thời hỗ trợ nhân đạo cho Trung Quốc dưới hình thức cung cấp khẩu trang và các phương tiện y tế khác.
Về phản ứng với dịch Covid-19 trong thời gian tới, tác giả bài viết nhận định rằng các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á vào cuối những năm 1990 có thể nhận được các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, thị trường quốc tế có thể chưa sẵn sàng hỗ trợ đầy đủ cho nền kinh tế của các nước ASEAN.
Vì vậy, giải pháp tối ưu để ASEAN đối phó với đại dịch Covid-19 là sát cánh cùng nhau và cùng ứng phó với tư cách là một khối khu vực.
Theo bài báo, để cải thiện khả năng ứng phó với đại dịch, các nước thành viên ASEAN cần ưu tiên quyền được bảo vệ sức khỏe và xã hội, hay an ninh, cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất. Tiến hành cải cách hệ thống bảo trợ xã hội và đưa hệ thống này vào kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19 để giảm tỷ lệ nghèo đói do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Rút kinh nghiệm từ các nước khác, đặc biệt là trong việc hình thành các chính sách bao hàm các cơ hội kinh tế và xã hội rộng lớn hơn.
Ngoài ra, các nước thành viên ASEAN cần tiến hành nhiều hơn nữa các cuộc tham vấn và hợp tác có mục tiêu về chính sách y tế công cộng để tiếp tục ngăn chặn đại dịch lây lan. Điều này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về dịch vụ y tế giữa các quốc gia thành viên nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Các nước ASEAN cũng cần tái khởi động Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) cùng với các chuyên gia hữu quan khác để giám sát và tư vấn cho các quốc gia thành viên về phân bổ công bằng các nhu cầu y tế, thực phẩm và các nhu cầu khác, giảm thiểu khoảng cách giữa năng lực chăm sóc y tế và khả năng sẵn sàng đối phó với đại dịch.
Điều quan trọng cuối cùng đó là, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN có thể hợp tác trong phản ứng của khu vực để “thu hút sự tham gia của các khu vực tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ và nguồn cung thiết yếu cùng với việc hỗ trợ người lao động bị dịch chuyển trong chuỗi giá trị của họ”.
Theo bài viết, điều quan trọng là các nỗ lực trên cần phải được phối hợp nhịp nhàng và tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cần chung tay hợp tác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần