Từ 1/7/2025, đã rút bảo hiểm xã hội một lần, có được hưởng lương hưu?
Kinhtedothi – Những trường hợp người lao động đã rút bảo hiểm xã hội một lần, sau đó tiếp tục tham gia có đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu (15 năm) và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì được hưởng lương hưu.
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người tham gia bảo hiểm xã hội khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi nghỉ hưu hoặc chết, trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội hoặc do ngân sách Nhà nước bảo đảm.

Người lao động đã rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn có cơ hội được hưởng lương hưu. Ảnh minh họa
Bảo hiểm xã hội bắt buộc có 5 chế độ là: ốm đau thai sản; hưu trí; tử tuất; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện có 3 chế độ: trợ cấp thai sản; hưu trí; bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Mức hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội; có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện do người tham gia lựa chọn.
Người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, những trường hợp người lao động đã rút bảo hiểm xã hội một lần, sau đó tiếp tục tham gia có đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu (15 năm) và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì được hưởng lương hưu.
Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu (thay vì đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 20 năm theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) là tạo điều kiện cho những người đã rút bảo hiểm xã hội một lần, người tham gia muộn (45 – 47 tuổi mới bắt đầu đóng) hoặc không liên tục vẫn có thể tích lũy đủ 15 năm thì được hưởng lương hưu hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Về mức hưởng lương hưu đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 15 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Mức hưởng lương hưu đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 20 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam đóng bảo hiểm xã hội 15 năm thì mức lương hưu hàng tháng bằng 40% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu từ 1/7/2025
Kinhtedothi – Người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 15 năm thì được hưởng lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Gần 21.000 người hưởng lương hưu, chế độ BHXH hàng tháng
Kinhtedothi - Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong thực hiện phát triển người tham gia, tính đến hết tháng 3/2025, số người tham gia BHXH ước đạt 18,821 triệu người, tăng 1,496 triệu người, tương đương 8,63% so với cùng kỳ năm 2024.