Tự chủ bệnh viện - để không “ôm nợ”

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều bệnh viện (BV) đang rơi vào tình trạng "ôm nợ" sau một thời gian được trao quyền tự chủ tài chính. Mặc dù đã được cảnh báo song đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành y tế rất cần một sự đánh giá nghiêm túc về chính sách để giải quyết bài toán tự chủ.

Xảy ra tình trạng nợ công hàng chục tỷ đồng

Hiện nay, nhiều BV công lập trên cả nước đang gặp khó khăn về tài chính khi thu không đủ chi dẫn đến việc nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), nợ tiền thuốc, vật tư y tế… Việc giải quyết khó khăn đối với các BV tuyến huyện khi thực hiện tự chủ tài chính 100% là bài toán rất hóc búa.

Đơn cử, tại Quảng Nam, các cơ sở y tế như Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thăng Bình, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam, TTYT huyện Đông Giang và TTYT huyện Hiệp Đức… đang đề nghị dừng hoặc điều chỉnh, thu hẹp mức tự chủ tài chính.

Nguyên nhân là sau khi được tự chủ, các cơ sở y tế này gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh (số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị giảm sâu), thu không đủ chi, dẫn đến nợ nần, đặc biệt là nợ lương nhân viên kéo dài. Điều này khiến nhiều y, bác sĩ phải nghỉ việc hoặc chuyển việc để mưu sinh.

Người dân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Hải Linh
Người dân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Hải Linh

Nhiều năm gần đây, tại các BV: Đa khoa huyện Hương Khê, Đa khoa huyện Đức Thọ, TP Hà Tĩnh… xảy ra tình trạng nợ công lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo lãnh đạo BV Đa khoa huyện Hương Khê, tổng số công nợ lên tới hơn 25 tỷ đồng.

Trong đó, nợ tiền thuốc, vật tư kéo dài từ 2019 đến nay là hơn 17,5 tỷ đồng; nợ tiền trực ca, phẫu thuật, thủ thuật của cán bộ gần 2,5 tỷ đồng; nợ 1,8 tỷ đồng tiền công khám tại các trạm y tế xã trên địa bàn… Tình trạng "làm ăn" thua lỗ dẫn đến nợ nần sau khi tự chủ không chỉ xảy ra tại Quảng Nam mà còn là vấn đề phổ biến ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình... đã liên tục xuất hiện trên báo chí gần đây với các câu chuyện tương tự.

Tại Hà Nội, có thể thấy, từ khi tự chủ tài chính, thu nhập của cán bộ, nhân viên BV Đa khoa Xanh Pôn tăng đáng kể nhưng để làm được điều này, đơn vị gặp không ít khó khăn khi giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không được tính đúng, tính đủ. Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đức Long cho biết, giá dịch vụ KCB áp dụng theo Thông tư số 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế (quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu) có rất nhiều bất cập, tuy nhiên đã hết hiệu lực. BV đang chờ hướng dẫn mới, hy vọng sớm có hướng dẫn mới do Bộ Y tế ban hành.

Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc BV Đa khoa Ba Vì Phạm Bá Hiền cho biết, trong giai đoạn vừa qua, BV đã xin chuyển công tác và xin thôi việc tới 27 cán bộ y tế, trong đó có 14 bác sĩ. Một trong những nguyên nhân xin chuyển công tác, chính là do đời sống của cán bộ y tế không được đảm bảo. Lãnh đạo BV Ba Vì mong muốn thời gian tới, chế độ chính sách đối với người lao động, cán bộ y tế tại các tuyến y tế cơ sở được quan tâm để họ yên tâm công tác.

“Nguồn thu của TTYT quận Long Biên rất hạn chế, chủ yếu từ KCB BHYT, giá theo quy định của HĐND TP, Bộ Y tế, Bộ Tài chính (giá KCB rất khiêm tốn). Hằng năm, ngoài việc tinh giảm biên chế, ngân sách chi cho khối TTYT quận, huyện cũng bị cắt giảm theo lộ trình chung. Vì vậy, đời sống của cán bộ y tế của TTYT vô cùng khó khăn” - Giám đốc TTYT quận Long Biên Đỗ Thu Hà cho hay.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội chỉ rõ, thực tế xác nhận các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua chủ yếu mang tính cơ học, trong khi nhân lực y tế cơ sở còn thiếu về số lượng, trình độ còn hạn chế, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Ngoài ra, chưa có cơ chế thu hút cán bộ về tuyến y tế cơ sở, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn cao.

Thu không đủ bù chi

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sau nhiều năm thực hiện tự chủ, các BV vẫn còn khó khăn do giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ. Đến nay, lại thêm nỗi lo phải tính toán nguồn để tăng lương cho nhân viên theo quy định. Thực tế cho thấy, hầu hết các BV ở tuyến huyện, y tế cơ sở tự chủ rất khó khăn. Các cơ sở bị thiếu nguồn kinh phí để bảo đảm cho hoạt động. Mặt khác, vấn đề nợ của BHYT tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được quan tâm, giải quyết.

Theo các chuyên gia y tế, để giải quyết, khắc phục tồn tại này, BHYT cần phải thanh toán cho các BV, cơ sở y tế theo giá phụ thuộc vào công nghệ đơn vị đó sử dụng cũng như thiết bị sử dụng phù hợp với công nghệ, con người và trình độ.

Bên cạnh đó, qua hoạt động chuyên môn, các BV, cơ sở y tế thu lại kinh phí để thực hiện tự chủ đang bị thiếu hụt. Phân tích vấn đề này, GS Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, do bảng giá dịch vụ y tế của các cơ sở y tế do HĐND địa phương quy định không phù hợp với công nghệ, kỹ thuật, trình độ của người khám dẫn đến thu nhập thấp hơn nên thu không đủ bù chi. Do đó, vấn đề này cần phải được tháo gỡ.

Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở KCB, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh sớm phê duyệt đề án tự chủ bền vững cho các BV công lập trên địa bàn, có cơ chế hỗ trợ BV; đề xuất HĐND TP Hồ Chí Minh sớm thông qua mức trích lập nguồn cải cách tiền lương xuống còn 10% hoặc 16%, tùy theo mức độ tự chủ.

Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, tăng lương cơ sở 30% là sự nỗ lực, cố gắng của Nhà nước. Tuy nhiên, 80% cơ sở y tế đang thực hiện theo giá dịch vụ với 4/7 yếu tố. Chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công... tăng hàng năm do giá thị trường tăng nhưng giá dịch vụ y tế không điều chỉnh theo kịp. Vì thế, Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất cần sớm ban hành cơ cấu giá đầy đủ yếu tố, tính đúng, tính đủ, giúp BV có cơ sở trả lương theo mức điều chỉnh mới. Chuyện các cơ sở y tế, kể cả những BV tuyến T.Ư, gặp khó khăn tài chính sau khi tự chủ có rất nhiều điều đáng bàn. Trước hết, việc đo lường kết quả bằng cơ chế tự chủ đã cho thấy phần lớn các cơ sở y tế công vẫn không thể cạnh tranh nổi với các cơ sở y tế tư nhân. Có thể hiểu được khi xét đến những điều kiện khác nhau giữa hai loại hình này.

Bên cạnh đó, việc tự chủ y tế công lập hiện đang trong tình trạng loay hoay, bộc lộ nhiều bất cập. Vấn đề nóng nhất là các BV tư nhân khi tự chủ thì có quyền quyết định giá viện phí, trong khi các BV công lập tự chủ lại chưa được trao quyền này, dẫn đến khó khăn về tài chính và nhân sự. Do đó, ngành y tế rất cần một sự đánh giá nghiêm túc về chính sách tự chủ y tế công từ các cơ quan T.Ư có thẩm quyền để tìm ra giải pháp cho bài toán "càng tự chủ càng ôm nợ" tại các cơ sở y tế.

 

BV Bạch Mai đã xây dựng phương án giá đề xuất Bộ Y tế thẩm định, quyết định về thay đổi giá KCB. Dự kiến giá KCB BHYT tăng khoảng 15 - 20% với hơn 8.000 dịch vụ, kỹ thuật. Quỹ lương của BV Bạch Mai tăng lên 10 - 12 tỷ đồng/tháng với việc trả lương theo quy định mới. Nếu Bộ Y tế chậm duyệt mức giá KCB BHYT theo cơ cấu lương mới, BV sẽ gặp khó khăn về tài chính.

Nguyễn Thị Hạnh - Phòng Tài chính Kế toán, BV Bạch Mai

Tự chủ BV là cần thiết; tuy nhiên, việc tự chủ bệnh viện nên thực hiện tại các BV tuyến T.Ư và tuyến tỉnh. Còn BV tuyến huyện thuộc về y tế cơ sở vì vậy không nên giao cho BV phải tự chủ. Điều này đã được Quốc hội khẳng định nhiều lần. Qua các nguồn tin của báo chí trên thì đã đến lúc cần xem lại việc giao tự chủ cho y tế cơ sở, các BV tuyến huyện và nên sớm bảo đảm kinh phí cho các BV tuyến huyện được hoạt động.

GS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XV