Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tự chủ bệnh viện: Vẫn còn những rào cản

Giang Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 4 bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế gồm Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và K sẽ thí điểm thực hiện tự chủ hoàn toàn. Trước đó, nhiều BV trong cả nước đã thực hiện tự chủ tài chính, mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn nhất định.

Sử dụng kỹ thuật cao tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân hưởng lợi nhất
Tại BV Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội, một trong những BV tự chủ tài chính sớm nhất, bệnh nhân cảm thấy khá hài lòng với dịch vụ tại đây. "Dịch vụ ở đây khá cao nhưng không cao hơn nhiều so với các phòng khám răng bên ngoài, đổi lại, chất lượng lại rất yên tâm. Chúng tôi chấp nhận giá cao để có được dịch vụ tốt"- bệnh nhân Nguyễn Bình An (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Tính đến hết năm 2018, cả nước có khoảng 160 cơ sở y tế tự chủ chi thường xuyên, chiếm 7,6% số đơn vị, riêng Bộ Y tế đã có 26/45 BV trực thuộc tự chủ. Việc tự chủ tài chính đã giúp các cơ sở y tế hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, phục vụ người bệnh. Nhiều BV tự chủ tài chính trong việc mua sắm trang thiết bị mới, xây dựng khu khám chữa bệnh dịch vụ, nâng cao tay nghề và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ y tế. Từ thực tế đó, tỷ lệ hài lòng của người dân ngày một tăng cao.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên
Trước ý kiến cho rằng, tự chủ hoàn toàn có thể khiến cho các BV trở thành những "lãnh địa riêng", BV có thể thu giá dịch vụ cao, dẫn đến những thiệt thòi cho người bệnh, GS.TS Trịnh Đình Hải - Giám đốc BV Răng Hàm Mặt T.Ư cho rằng: "Dù tự chủ nhưng không phải muốn thu thế nào cũng được, mà đều phải nằm trong quy định. Chúng tôi đã tự chủ tài chính hơn 10 năm, có rất nhiều thuận lợi. Nếu tự chủ hoàn toàn sẽ giúp các BV thuận lợi, chủ động hơn trong các hoạt động điều hành BV. Mọi quyết định sẽ được thực hiện nhanh, linh hoạt và quan trọng hơn là tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình".
Theo GS.TS Trịnh Đình Hải, người bệnh sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tự chủ BV. Việc tự chủ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người bệnh đúng tuyến có BHYT, giá dịch vụ y tế vẫn do Nhà nước quy định. Nếu BV có thể tự chủ, sẽ chủ động hơn trong thực hiện những kỹ thuật tiên tiến hàng đầu thế giới, giữ chân người bệnh không phải ra nước ngoài chữa bệnh, đồng thời tăng nguồn thu. Ngoài ra, BV sẽ chủ động hợp tác quốc tế mạnh mẽ, chủ động cử người ra nước ngoài học tập.
Còn tại BV K, đời sống cán bộ công nhân viên của BV đã thay đổi rất nhiều từ sau khi tự chủ tài chính. GS.TS Nguyễn Văn Thuấn - Giám đốc BV cho biết, BV đã thực hiện tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên từ năm 2017 nên có chính sách đầu tư cho nhân lực, vật lực, chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên. Hiện tại, đời sống cán bộ nhân viên trong BV đã được đảm bảo, năm sau tăng cao hơn năm trước.
Chưa hết khó khăn
Thuận lợi là thế nhưng khó khăn, vướng mắc khi các BV tự chủ vẫn còn nhiều. "Các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành T.Ư hiện nay chưa ban hành hướng dẫn chi tiết, đồng bộ về thực hiện cơ chế tự chủ đối với ngành y tế. Số lượng bệnh nhân tăng nhanh nên việc bố trí điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực chưa thật sự đáp ứng được với yêu cầu. Cơ chế phân cấp, phân quyền còn nhiều hạn chế, mức phân cấp thấp, quy trình và thời gian phê duyệt các hoạt động mua sắm chậm trễ, kéo dài. Đây là những khó khăn các BV đang gặp phải" - ông Thuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế chưa tính đủ chi phí, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Vẫn còn 3 yếu tố chưa được tính vào giá viện phí là khấu hao tài sản - trang thiết bị, điện nước, đào tạo - nghiên cứu khoa học. Đại diện BV Việt Đức cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, chủ yếu nằm ở việc chưa có cơ chế linh hoạt trong việc chi trả BHYT, bởi 95% nguồn thu của BV từ BHYT. BV Việt Đức là tuyến cuối, sử dụng các phương tiện kỹ thuật cao, các thuốc đặc trị thường rất đắt tiền. Trong khi đó, đối với bệnh nhân BHYT, nhiều loại chưa có trong danh mục chi trả.