Từ chuyến thăm Đài Loan đến “cuộc chiến âm ỉ” của Mỹ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới quan sát đánh giá, quyết định dành thời gian cho cuộc gặp với TSMC trong chuyến công du “sóng gió” của bà Pelosi cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan trong việc cung cấp chất bán dẫn tiên tiến quan trọng đối với cả Trung Quốc và Mỹ...

Trong chuyến thăm đảo Đài Loan (Trung Quốc) hôm 3/8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, bên cạnh những phản ứng quyết liệt của các bên, cuộc gặp giữa bà với Chủ tịch Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu thế giới - đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới quan sát.

Cuộc gặp không có trong lịch trình

Hãng tin CNA dẫn lời ông Ker Chien-ming, Nghị sĩ Đảng Dân Tiến cầm quyền tại Quốc hội Đài Loan, cho biết, các cuộc thảo luận giữa Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi và Chủ tịch TSMC Mark Liu hôm 3/8 có liên quan đến Đạo luật Chips và Khoa học - đã được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua vào tuần trước. Đạo luật mới của Mỹ được nhiều người coi là kế hoạch của Washington nhằm làm suy yếu vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vẫy tay với báo giới tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 3/8/2022. Ảnh: AFP
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vẫy tay với báo giới tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 3/8/2022. Ảnh: AFP

Đáng chú ý, không giống như các cuộc họp cấp cao với các quan chức Đài Loan, bao gồm nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, Phó Chủ tịch cơ quan lập pháp Thái Kỳ Xương…, cuộc gặp của bà Pelosi với giới điều hành TSMC không được nêu trong lịch trình chính thức. TSMC đến nay vẫn từ chối bình luận về cuộc gặp này.

Giới quan sát đánh giá, quyết định dành thời gian cho cuộc gặp với TSMC trong chuyến công du “sóng gió” của bà Pelosi cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan trong việc cung cấp chất bán dẫn tiên tiến quan trọng đối với cả Trung Quốc và Mỹ. TSMC hiện đang xây dựng một nhà máy bán dẫn 5nm ở bang Arizona của Mỹ, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024, mặc dù dự kiến sẽ sản xuất ra loại chip tụt hậu so với nhà máy của TSMC tại Đài Loan vào thời điểm đó.

Bất kể chi tiết cuộc thảo luận giữa bà Pelosi và ông Liu vẫn còn khá ít ỏi, các rò rỉ trên truyền thông về cuộc gặp này đã thu hút phản ứng ở Trung Quốc đại lục. Xiang Ligang, một nhà phân tích tại Bắc Kinh, chỉ trích TSMC vì đã giữ các công nghệ hiện đại mà họ tạo ra được ở đại lục “làm của riêng”, cho rằng tương lai ngành công nghiệp chip xuyên eo biển sẽ rơi vào cạnh tranh thay vì tập trung vào hợp tác.

“Đài Loan chỉ đang sử dụng các nguồn lực, tài năng và thị trường (ở đại lục) vì lợi ích phát triển của chính mình” - ông Xiang nói với CNA, cảnh báo rằng nếu TSMC hợp tác với Mỹ, nó sẽ phủ bóng đen lên sự phát triển trong tương lai của công ty ở đại lục.

Trên thực tế, TSMC hiện sản xuất chip với công nghệ cũ hơn ở Trung Quốc đại lục vì luật pháp Đài Loan quy định các nhà máy tại đảo này như TSMC chỉ được phép chế tạo các sản phẩm chậm hơn ít nhất 2 thế hệ so với các công nghệ tiên tiến nhất hiện có ở đại lục. TSMC hiện đang vận hành một xưởng đúc 12inch ở Nam Kinh, miền Đông Trung Quốc, để sản xuất chip trên quy trình 16nm và 28nm.

Trung Quốc chủ yếu vẫn đang dựa vào trụ sở chính của TSMC và Samsung Electronics của Hàn Quốc để cung cấp các chip tiên tiến nhất được sử dụng trong điện thoại thông minh, vì các nhà máy chip ở đại lục vẫn kém các công ty Đài Loan và Hàn Quốc về “thế hệ”.

Theo hãng phân tích TechInsight của Canada, nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc đại lục là Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC) hiện đã có thể đạt được khả năng sản xuất chip 7nm. SMIC, có trụ sở tại Thượng Hải, đến nay không xác nhận và cũng không phủ nhận báo cáo này.

Khả năng chế tạo chip tiên tiến hàng đầu của TSMC, điều mà người Đài Loan thường gọi là “ngọn núi thiêng cần được bảo vệ”, từ lâu đã làm dấy lên đồn đoán rằng một ngày nào đó sẽ trở thành nguồn cơn của một cuộc tấn công bằng vũ lực đối với hòn đảo này.

Trả lời CNN trong tuần này, Chủ tịch Liu của TSMC nói rằng không ai có thể kiểm soát công ty bằng vũ lực bởi vì bất kỳ hoạt động quân sự hoặc “xâm lược” nào cũng “sẽ khiến các nhà máy của TSMC ngừng hoạt động”. Ông cũng lưu ý rằng TSMC không nên bị phân biệt đối xử chỉ vì là một công ty “thân Trung Quốc”.

Mỹ quyết chiến công nghệ bán dẫn?

Nhìn lại, chuyến thăm cấp cao tới Đài Loan của bà Pelosi diễn ra giữa bối cảnh Washington đang nỗ lực hạn chế sự phát triển của ngành bán dẫn của Trung Quốc - vốn đã phát triển nhờ dựa vào các công nghệ nhập khẩu.

Ngoài Đạo luật Chips và Khoa học - hứa hẹn cung cấp thêm 52 tỷ USD cho các công ty bán dẫn xây dựng nhà máy trên đất Mỹ, Washington cũng đang thúc đẩy cái gọi là Liên minh “Chip 4” - một quan hệ đối tác được Mỹ định hình sẽ bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và riêng đảo Đài Loan, thay vì là Trung Quốc.

Reuters hồi đầu tuần dẫn nguồn tin riêng cho biết, Chính phủ Mỹ đang xem xét hạn chế các lô hàng thiết bị sản xuất chip của Mỹ cho các nhà sản xuất chip nhớ ở Trung Quốc. Động thái này dự kiến sẽ ngăn các nhà sản xuất chip như Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc vận chuyển các công nghệ mới đến những nhà máy mà họ vận hành ở Trung Quốc, ngăn việc nâng cấp các nhà máy phục vụ khách hàng trên khắp thế giới.

Samsung và SK Hynix - những công ty kiểm soát hơn một nửa thị trường chip nhớ NAND flash toàn cầu - đã đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây để sản xuất những con chip quan trọng đối với nhiều khách hàng lớn, bao gồm những “gã khổng lồ” công nghệ Apple, Amazon, Meta (Facebook) và Google. Cũng như máy tính và điện thoại, chip được sử dụng trong các sản phẩm như xe điện yêu cầu lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số.

“Chỉ riêng sản xuất tại Trung Quốc của Samsung đã chiếm hơn 15% sản lượng NAND flash toàn cầu... Nếu có bất kỳ sự gián đoạn sản xuất nào, giá chip sẽ tăng vọt” - Lee Min Hee, nhà phân tích tại BNK Securities, nói với Reuters.

Thiết bị sản xuất chip phải được lắp đặt và thử nghiệm đầy đủ hàng tháng trước khi bắt đầu sản xuất. Do đó, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc vận chuyển thiết bị đến Trung Quốc sẽ là một thách thức thực sự đối với các nhà sản xuất chip trong việc tìm cách sản xuất chip tiên tiến hơn tại các cơ sở ở Trung Quốc.

Cuộc chiến vẫn đang âm ỉ của Mỹ, nếu chính thức được “khai nòng”, được tin có thể khiến các nhà sản xuất như Samsung và SK Hynix phải xem xét lại chiến lược đầu tư vào Trung Quốc. Kim Yang-jae, nhà phân tích của Daol Investment & Securities, nói: “Cho đến nay, các công ty vẫn có xu hướng đầu tư vào các quốc gia có chi phí sản xuất rẻ như Trung Quốc”.

“Nhưng đó sẽ không còn là sự cân nhắc duy nhất nữa… Các công ty có thể đối mặt với lợi nhuận giảm sút từ những nhà máy trị giá hàng tỷ đô la của họ ở Trung Quốc, do khả năng bị mắc kẹt trong việc sản xuất chip công nghệ cũ hơn, ít sinh lợi hơn” - ông Kim nhận định với Reuters.

SK Hynix gần đây đã không thể nâng cấp các cơ sở sản xuất chip nhớ DRAM của mình ở Vô Tích, Trung Quốc, khi mà các máy sản xuất chip tại đây bị thiếu máy in thạch bản cực tím (EUV) thế hệ mới nhất do công ty ASML của Hà Lan sản xuất.

Giới chức Mỹ được cho đã vận động thành công ASML “nghỉ bán” cho Trung Quốc. Máy EUV được sử dụng để tạo ra các chip tiên tiến hơn và nhỏ hơn - là thành phần quan trọng trong các thiết bị cao cấp như điện thoại thông minh.

Để thấy, rời hòn đảo thuộc chủ quyền Trung Quốc vào chiều 3/8, bà Nancy Pelosi lưu lại một khẳng định trên trang Twiiter cá nhân rằng Mỹ “vẫn kiên định trong cam kết với người dân Đài Loan, cả lúc này và trong nhiều thập kỷ tới”, nhưng có thể cũng đã để lại một nan đề lớn cho riêng TSMC, bên cạnh vô vàn khó khăn với Đài Loan nói chung vào lúc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần