Từ "Địa đạo" – Gen Z kể tiếp câu chuyện Việt Nam
Kinhtedothi - Tọa đàm “Từ "Địa đạo" – Gen Z kể tiếp câu chuyện Việt Nam” mong muốn khơi gợi tình yêu nước trong mỗi sinh viên, đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ hãy chủ động kể lại câu chuyện của dân tộc Việt Nam bằng chính tiếng nói, góc nhìn và cảm hứng của thời đại bây giờ.
Tại Học viện Ngoại giao vừa diễn ra tọa đàm “Từ "Địa đạo" – Gen Z kể tiếp câu chuyện Việt Nam”. Với sự tham dự đặc biệt của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng hai diễn giả sinh viên: nhà sáng tạo nội dung Nguyễn Lê Nam Phương, nghệ sĩ trẻ Đỗ Thành Long cùng hàng trăm giảng viên, sinh viên, tọa đàm đã đem đến một không gian đối thoại sâu sắc về lịch sử, ký ức và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam.
Chương trình được tổ chức nhằm thắp lên cảm hứng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đồng thời đóng vai trò như cầu nối giữa các cá nhân từ các thế hệ, lĩnh vực khác nhau – nơi người trẻ được lắng nghe, học hỏi và chủ động tiếp nối sứ mệnh lan tỏa hình ảnh Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Đây là cơ hội để sinh viên Học viện Ngoại giao không chỉ gặp gỡ đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhân dịp ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, mà còn khám phá những giá trị nghệ thuật, lịch sử và văn hóa được truyền tải qua tác phẩm.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trao đổi và lắng nghe các bạn trẻ.
Tại sự kiện, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chia sẻ hành trình kéo dài 11 năm thực hiện bộ phim tại địa đạo Củ Chi. Bắt nguồn từ niềm đam mê mãnh liệt với lịch sử và những rung cảm trước tinh thần chiến đấu của Nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, ông đã dày công nghiên cứu, phỏng vấn và cùng các nhân chứng sống hồi tưởng về ký ức năm xưa, đối chiếu tài liệu từ nhiều nguồn, trong đó có cả phim tư liệu và hồi ký của cựu binh Mỹ để cho ra kịch bản “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.
Bộ phim không chỉ đơn thuần tái hiện những màn mưa bom bão đạn, mà còn khắc họa tinh thần kiên cường, lòng quyết tâm hy sinh vì Tổ quốc và những tình cảm, mong muốn rất đời, rất người của đội du kích nơi địa đạo Củ Chi trong những năm tháng khốc liệt nhất.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, càng trong nghịch cảnh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh Việt Nam càng tỏa sáng. Đặc điểm đó có lẽ cũng đã đi cùng người đạo diễn tài năng trong hành trình sáng tạo. Dẫu không ít lần đối mặt với những thách thức về tài chính, giới hạn nguồn lực và cả những rào cản vô hình trong quá trình tái hiện lịch sử, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng ê-kíp vẫn luôn bền bỉ, với khát khao đem những giá trị lịch sử gần hơn với công chúng và nhất là người trẻ yêu nước ngày nay.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là nguồn cảm hứng cho tinh thần phấn đấu, không ngại khó khăn cho những người trẻ yêu văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Không đặt nặng việc cài cắm thông điệp trực diện, rõ ràng, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ rằng, bộ phim mở ra không gian cho mỗi khán giả tự mình đối thoại. Những lát cắt lịch sử, những nỗi đau và khát vọng được cống hiến, được sống và yêu thương trong hòa bình được kể lại bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh tinh tế mà dân dã, lan tỏa mà lặng lẽ, để rồi mỗi người xem có thể tìm thấy cho mình một miền suy ngẫm riêng: về quá khứ, về vai trò và thân phận của mỗi người, hay về ánh sáng vẫn không ngừng nảy mầm trong những nơi tối tăm nhất.
Những hồi ức sâu lắng về quá trình viết lên kịch bản của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, những cảnh quay đầy cảm xúc đều được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ một cách chân thành như những mảnh ghép ký ức của hành trình sáng tạo. Ở đó, người nghe, người xem không chỉ thấy một đạo diễn tài hoa, mà còn cảm nhận được sự mâu thuẫn giữa khát vọng nghệ thuật, tiếng lòng người làm phim và những chi tiết thực tế, mục tiêu truyền tải của điện ảnh - những điều ấy cuối cùng đều đã được dung hòa, làm nên chiều sâu cho từng khung hình, từng nhân vật của bộ phim lịch sử ấy.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giao lưu cùng 2 bạn trẻ Long Violin và Nam Phương.
Tiếp nối dòng cảm xúc sâu lắng ấy để rồi trong lòng nhà sáng tạo nội dung trẻ Nam Phương vang lên câu hỏi: "Nếu ở vào thời ấy, mình có đủ dũng cảm như họ không? Điều gì khiến thế hệ trẻ khi ấy đồng lòng đến vậy”. Còn Long Violin thì nhẹ nhàng kết nối những bài học lịch sử với tinh thần sáng tạo hôm nay và khẳng định chắc nịch: "Lịch sử không hề khô khan, tất cả nằm ở cách truyền tải của mỗi người".

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Những người trẻ chính là khán giả cốt lõi mà tôi hướng đến”.

Không khí hân hoan của buổi tọa đàm.
Điểm nhấn đặc biệt của sự kiện là hình ảnh biểu tượng “Giao thừa ánh sáng” trong video ngắn - ẩn dụ cho khoảnh khắc thiêng liêng khi ánh sáng từ quá khứ (ánh đèn dầu dưới lòng địa đạo) được trao truyền cho tương lai (ánh sáng từ trái tim người trẻ). Đây cũng là sự chuyển giao giữa các thế hệ – từ những người từng sống và chiến đấu trong bóng tối chiến tranh, đến những người trẻ hôm nay đang tiếp tục soi sáng câu chuyện Việt Nam bằng ánh sáng của nghệ thuật, sáng tạo và khát vọng hòa bình.
Với thông điệp “tiếp nối ánh sáng” từ những giá trị cốt lõi của dân tộc, tọa đàm “Từ "Địa đạo" – Gen Z kể tiếp câu chuyện Việt Nam” khuyến khích thế hệ trẻ hãy chủ động kể lại câu chuyện của dân tộc Việt Nam bằng chính tiếng nói, góc nhìn và cảm hứng của thời đại bây giờ.

TP Hồ Chí Minh: giới thiệu 42 tác phẩm ảnh và áp phích do các nghệ sĩ Cuba sáng tác
Kinhtedothi - Ngày 29/4, tại TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản và Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam phối hợp tổ chức chức Triển lãm “Vì Việt Nam - Por Vietnam” giới thiệu 42 tác phẩm ảnh và áp phích cổ động do các nghệ sĩ Cuba sáng tác, thể hiện tình cảm đối với Nhân dân Việt Nam trong cuộc trường chinh chống giặc giữ nước.

TP Hồ Chí Minh: cấm nhiều tuyến đường phục vụ lễ kỷ niệm 30/4
Kinhtedothi - Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hồ Chí Minh vừa thông báo về việc điều chỉnh tổ chức giao thông tại một số tuyến đường khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh để phục vụ các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Vĩnh Phúc: đảm bảo an toàn cho khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Kinhtedothi - Nhận định dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay lượng khách du lịch đổ về thị trấn Tam Đảo có khả năng tăng cao, UBND thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng phương án sẵn sàng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách.