Từ đối đầu sang đối thoại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc nảy sinh nhiều khác biệt về tự do thương mại, gián điệp công nghệ và nhất là những căng thẳng liên quan đến tình hình ở Biển Đông...

Diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc nảy sinh nhiều khác biệt về tự do thương mại, gián điệp công nghệ và nhất là những căng thẳng liên quan đến tình hình ở Biển Đông, cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên Mỹ - Trung tổ chức tại Washington được nhìn nhận là cơ hội để hai bên thu hẹp bất đồng, hướng tới xây dựng mô hình hợp tác kiểu mới giữa hai nước lớn.

Sau một giai đoạn diễn ra xung đột ngoại giao về vấn đề Biển Đông, càng gần đến tháng 9 – thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm chính thức Mỹ, quan chức hai bên đã có nhiều bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Tất nhiên, cả Washington và Bắc Kinh đều hiểu rằng cuộc đối đầu giữa 2 nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới sẽ gây ra những hậu quả không lường nên cách tiếp cận có thiện chí và bình tĩnh hơn trong tất cả các vấn đề. Vì thế, trong 2 ngày nhóm họp (23 – 24/6), các vấn đề còn khác biệt giữa hai bên đều được đưa ra bàn thảo một cách thẳng thắn nhằm điều chỉnh các mối quan hệ giữa hai cường quốc toàn cầu.

Với tư cách là một cường quốc hàng đầu và nhằm đảm bảo chiến lược xoay trục tại châu Á – Thái Bình Dương, giới chức Mỹ đã nhân cơ hội này để thẳng thắn đề cập đến những khác biệt song phương như tình trạng tin tặc, ăn cắp bản quyền công nghệ; vấn đề nhân quyền; việc Bắc Kinh neo tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp để hưởng lợi xuất khẩu. Ngoài vấn đề biển Đông, Washington cũng đang “hoài nghi” trước mức độ minh bạch và an toàn của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) – một sáng kiến quan trọng của Bắc Kinh nhằm thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các định chế tài chính thân Mỹ như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng thế giới (WB). Sự kiện hơn 50 quốc gia sáng lập AIIB tham gia lễ ký kết văn kiện chính thức về việc tham gia ngân hàng này vào ngày 29/6 tới đang trở thành “hòn đá tảng” ngáng trở tham vọng là nhà lãnh đạo giới tài chính toàn cầu của Mỹ.

Sau 2 ngày diễn ra, đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên Mỹ - Trung đã kết thúc với những kết quả rất hạn chế trong việc thu hẹp khác biệt giữa 2 bên về các vấn đề còn xung đột. Vì thế, sự kiện này được nhìn nhận mang ý nghĩa đưa quan hệ Mỹ - Trung từ đối đầu sang đối thoại, mở đường cho việc ký kết các thỏa thuận trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần