Thông điệp từ lịch sử

Từ đường Thiên lý đến hệ thống đường bộ Việt Nam thời thuộc Pháp

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến năm 1930, Việt Nam có khoảng 15.000km đường bộ, trong đó có 2.000km rải nhựa. Đó là kết quả của chương trình xây dựng hệ thống đường thuộc địa ở Đông Dương của người Pháp.

Cùng với hệ thống đường sắt, đường thủy, đường không, đường bộ không chỉ giúp cho chương trình khai thác thuộc địa của người Pháp mà còn đặt nền tảng cho phát triển hạ tầng của Việt Nam trong tương lai.

Từ con đường Thiên lý

Lịch sử hệ thống đường bộ Việt Nam có thể tính từ thời Lý, khi bắt đầu có các cung đường gắn với các trạm nghỉ chân nối liền các địa phương chủ yếu để chạy công văn phục vụ cho việc cai trị của nhà nước phong kiến. Đến cuối đời Trần đã có đường Thiên lý, còn gọi là cái quan, nối dài từ Thăng Long đến Tây Đô và sang nhà Hồ thì kéo dài đến Hóa Châu (Bình - Trị - Thiên ngày nay).

Đường Thiên lý đoạn qua Đèo Cả năm 1898.
Đường Thiên lý đoạn qua Đèo Cả năm 1898.

Đến thời Hậu Lê đường Thiên lý kéo dài theo các vùng lãnh thổ mới được thôn tính, đến tận Đồ Bàn (Bình Định). Thời chúa Nguyễn (Phúc Khoát), khoảng năm 1757, đường kéo dài đến Hà Tiên. Nhà Nguyễn, vua Gia Long và vua kế nghiệp là Minh Mạng đã rất nỗ lực kéo dài, mở rộng, gia cố đường Thiên lý. Lúc này, đường thiên lý, còn gọi là đường sứ, nối dài sang tận Nam Vang.

Đường Thiên lý trước đây chỉ là những con đường đất nhỏ, đi qua các làng mạc và những vùng hoang vắng, hiểm trở, rất nhiều thú dữ rình rập nên cách khoảng 15 - 20km lại lập một nhà trạm để là chỗ dừng chân, nghỉ ngơi.

Tuy còn nhỏ hẹp nhưng đường Thiên lý là con đường mở cõi, con đường thống nhất quốc gia, con đường mở mang cho đất nước phát triển. Đó là nền móng đầu tiên cho hệ thống đường bộ Việt Nam sẽ được hình thành dưới thời Pháp thuộc và phát triển cho đến hôm nay

Đến con đường đầu tiên ở Nam Kỳ

Nếu nói đến vai trò của người Pháp với việc hình thành hệ thống đường bộ ở Việt Nam thì trước tiên là việc xây dựng những con đường ở Nam Kỳ từ những thập niên cuối thế kỷ XIX vì đây là vùng thuộc địa đầu tiên của họ ở Đông Dương.

Trước cả yêu cầu khai thác kinh tế, với họ, đầu tiên là nhằm cho việc cơ động di chuyển quân để đối phó với các cuộc nổi dậy. De Bascher, Tỉnh trưởng Chợ Lớn đã gọi “các con lộ nối các đồn trại của quân Pháp đóng trong tỉnh là những con đường chiến lược (routes stratégiques) của địa phương”.

Ngày 24/4/1863, Soái phủ Nam Kỳ ban hành lệnh tái lập đường trạm Sài Gòn - Mỹ Tho, qua các hạt thanh tra Chợ Lớn, Phước Lộc, Mỹ Tho. Con đường bộ được khảo sát và xây dựng sớm nhất từ Sài Gòn về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là đoạn về Mỹ Tho được khởi công từ năm 1866, hoàn thành năm 1880. Đoạn đường này tuy thẳng hơn nhưng được thiết lập gần như trùng với đường Thiên lý cũ của nhà Nguyễn, trở thành con đường huyết mạch của Mỹ Tho và cả Nam Kỳ. Ban đầu mặt đường còn hẹp, vừa đủ cho hai ô tô tránh nhau, rải đá xanh, về sau mới tráng nhựa.

Năm 1895, đường Mỹ Tho - Gò Công qua Chợ Gạo, theo quan lộ thời Nguyễn, và cầu Quay bắc qua kênh Bảo Định được xây dựng.

Và sự hình thành hệ thống đường thuộc địa

Nhằm cai trị và thực hiện chương trình khai thác thuộc địa, nâng cấp, xây dựng hệ thống giao thông là đòi hỏi bức thiết đối với người Pháp.

Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (nhiệm kỳ 1897 - 1902) là người thiết kế và đi đầu trong việc thực hiện chương trình khai thác thuộc địa trong đó có việc xây dựng hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy ở Việt Nam.

Ngày 22/3/1897, “Chương trình hành động” - chương trình khai thác thuộc địa đã được chính quyền thực dân Pháp chính thức khởi động với 7 điều khoản, trong đó, Điều khoản 3 là xây dựng thiết bị to lớn cho Đông Dương, như xây dựng hệ thống đường sắt, đường bộ, sông đào, bến cảng… để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa và được xem là một trong những điều kiện cần thiết và căn bản, giúp giao thông, vận tải đường bộ Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung có điều kiện phát triển.

Năm 1912, toàn quyền Albert Sarraut (1872 - 1962) ký quyết định xây dựng mạng lưới đường bộ toàn Đông Dương.

Ngày 18/6/1918, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, trong nhiệm kỳ thứ hai (1/1917 - 5/1919), tiếp tục ra Nghị định xếp loại các tuyến đường bộ chính Đông Dương và gọi tên lần lượt là đường thuộc địa, đường hàng xứ (riêng đối với Nam Kỳ thành đường hàng tỉnh) và đường thâm nhập. Ngoài ra còn có các con đường ở nông thôn được gọi tên là đường hàng xã.

Đã có một Hội đồng tư vấn cho Toàn quyền quyết định việc xếp hạng này. Pouyanne trong cuốn Các công trình giao thông công chính Đông Dương khẳng định: Đường thuộc địa tương ứng với đường quốc gia bên Pháp có tác động trực tiếp tới kinh tế, chính trị, chiến lược phát triển trên toàn cõi Đông Dương. Đường thuộc địa trở thành trục chính của hệ thống đường bộ Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung. Việc xây dựng và bảo trì do ngân sách Đông Dương đài thọ.

Theo Nghị định ngày 18/6/1918, toàn Đông Dương có 18 đường thuộc địa, gồm:

1. Đường số 1: Con đường quan trọng nhất, chạy dài từ biên giới Trung Hoa đến biên giới Thái Lan, nối thủ phủ các xứ thuộc Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và Cao Miên. Đường thuộc địa số 1 còn được gọi tên là Đường cái quan (Mandarine).

2. Đường số 2 dài 328km chạy từ Hà Nội đi Hà Giang, qua Phủ Lỗ, Vĩnh Yên, Việt Trì, Phủ Đoan, Tuyên Quang.

3. Đường số 3 dài 231km chạy từ Hà Nội đi Cao Bằng, qua Phủ Lỗ, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Nguyên Bình.

4. Đường số 4 dài 1.500km, chạy từ Móng Cái đi Viêng Chăn, qua Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Luông Phabang.

5. Đường số 5 dài 100km chạy từ Hà Nội đi Hải Phòng qua Hải Dương.

6. Đường số 6 dài 514 km chạy từ Hà Nội đi Viêng Chăn, qua Hòa Bình, Suối Rút, Sầm Nưa.

7. Đường số 7 dài 515 km, chạy từ Luông Phabang đi Vinh, qua Xiêng Khoảng, Mường Xén, Cửa Rào.

8. Đường số 8 (272km) chạy từ Viêng Chăn đi Vinh.

9. Đường số 9 chạy từ Viêng Chăn đi qua Huế, qua Đông Hà.

10. Đường số 10 dài 38km từ Parkxê đi Ubôn (Thái Lan).

11. Đường số 11 dài 107km, từ Tháp Chàm đi Đà Lạt.

12. Đường số 12 dài 178km, từ Phan Thiết đi Đà Lạt.

13. Đường số 13 dài 504km từ Sài Gòn đi Viêng Chăn, qua Lộc Ninh, Kratiê Stung Treng.

14. Đường số 14 dài 646km, từ Sài Gòn đi miền biển Trung Kỳ, qua Lộc Ninh, Đắk Lắk.

15. Đường số 15 dài 97,8km từ Sài Gòn đi Ô Cấp 9, nay là Vũng Tàu.

16. Đường số 16 dài 342km từ Sài Gòn đi Cà Mau, qua Cần Thơ, Sóc Trăng.

17. Đường số 17 chạy từ Phnompenh đến Kampot và Hà Tiên nối thủ đô Cao Miên với biển. Đường số 1 đi vòng về phía Bắc vùng Biển Hồ và dẫn đến khu di tích Angkor.

18. Đường số 1B dài 383km, tiếp nối đường số 1 từ Phnôm Pênh đi Xiêm Riệp, Xixôphôn, qua Ăngco.

(Theo Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử, NXB Giáo dục, 2003, trang 380).

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, để đẩy mạnh quá trình khai thác thuộc địa, đặc biệt là các vùng đất giàu tiềm năng phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, người Pháp đã nâng cấp 4 tuyến đường bộ thành đường thuộc địa, đó là:

- Đường số 19: Quy Nhơn - Pleiku, Bù Đốp với đường nhánh 19 bis (đường 19 kéo dài) đi Kon Tum.

- Đường số 20: Di Linh - Xuân Lộc.

- Đường số 21: Ban Tua - Biên Hòa.

- Đường số 22: Kompong Cham - Gò Dầu Hạ.

Sau khi xếp hạng và khẳng định vai trò là hệ thống đường bộ quan trọng nhất, các tuyến đường thuộc địa liên tục được tu bổ, nâng cấp. Mỗi năm ngân sách đầu tư từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng Đông Dương để tiến hành việc cải tạo, sửa chữa (1 đồng Đông Dương tương đương 2,5 francs - Pháp, năm 1913).

Hệ thống đường thuộc địa Việt Nam thời Pháp thuộc đã được xây dựng hoàn chỉnh trong những năm đầu sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong hệ thống giao thông đường bộ thời kỳ này, đường thuộc địa là loại đường có quy mô lớn nhất, dài nhất và là tuyến đường vận tải chính kết nối các tỉnh, các xứ. Hệ thống đường thuộc địa có sự kế thừa các tuyến đường bộ đã có từ trước, được chỉnh sửa, xây dựng thêm và do người Pháp thiết kế, chỉ đạo thi công.

 

Hệ thống đường thuộc địa đã ảnh hưởng quan trọng đối với kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội thời Pháp thuộc và nó chính là tiền đề cần thiết và căn bản để trở thành các tuyến đường quốc lộ ngày nay. Từ đường Thiên lý đến đường thuộc địa là hành trình ngàn năm đầy khát vọng, kiêu hãnh nhưng cũng đầy máu và nước mắt của người dân Việt Nam. Nhưng, trước - sau đó vẫn là con đường phát triển của dân tộc Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần