Tư duy quản trị kiến tạo giúp doanh nghiệp bứt phá trong kỷ nguyên mới
Kinhtedothi - Trong bối cảnh kỷ nguyên mới đang mở ra những cơ hội đột phá, tư duy kiến tạo – tư duy dám thay đổi, dám đi trước, dám chấp nhận rủi ro để bứt phá, chính là chìa khóa để doanh nghiệp (DN) không chỉ tồn tại, mà còn vươn lên dẫn dắt thị trường. Đặc biệt, trong thời đại mà chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, việc DN sở hữu một tư duy quản trị kiến tạo, hiện đại, phù hợp với xu hướng thời đại chính là yếu tố sống còn...
Đó là những chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý, DN tại Tọa đàm “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” chiều 19/5. Đây là sự kiện mở đầu cho Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vào sáng mai (11/5).

Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Tọa đàm dưới sự điều phối của TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HANOISME kỳ vọng là không gian để cùng nhìn lại chặng đường đã qua, nhận diện những cơ hội – thách thức phía trước, đặc biệt khơi nguồn cảm hứng, khơi dậy khát vọng dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Công nghệ đang tạo ra cạnh tranh
Tại Tọa đàm, các diễn giả đều nhận định, mỗi giai đoạn lịch sử đều mang trong mình một sứ mệnh. Nếu giai đoạn trước là hành trình tái thiết và hội nhập, thì Kỷ nguyên mới hôm nay chính là thời khắc dân tộc Việt Nam vươn mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết; để phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, khẳng định vị thế trên trường quốc tế, và hướng tới tương lai bền vững.
Đó là kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khát vọng vươn lên, là thời đại của những công dân toàn cầu mang bản sắc Việt. Đặc biệt, là thời điểm mà cộng đồng DN, trong đó là các DN nhỏ và vừa giữ vai trò trung tâm trong công cuộc kiến tạo một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng và phát triển vượt bậc.

Sự kiện thu hút hàng 100 DN tham gia. Ảnh: Khắc Kiên
Theo Trưởng ban Kinh tế tư nhân AI (trực thuộc HANOISME) Nguyễn Văn Tuyền, trí tuệ nhân tạo tác động tích cực đến chúng ta. Song, trong các lĩnh vực, đều có mặt trái của AI. Ví dụ, trong kinh tế, bất cập của AI là tạo ra cạnh tranh gay gắt, khó khăn, nhất là đối với DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ trước DN lớn có tiềm lực tài chính, nền tảng. Ứng dụng AI sẽ giúp DN lớn đi xa, nhanh so với đối thủ.
Trong giáo dục, sẽ có những bất cập nếu không có sự hỗ trợ cho các vùng khó khăn, xa xôi. Nhiều trường ở đô thị đưa AI vào đào tạo từ nhỏ nên học sinh có điều kiện được tiếp cận, vận dụng dẫn đến khoảng cách giữa học sinh càng xa. Trong DN, nhiều bộ phận còn dùng AI thiếu trách nhiệm, mạnh ai người đấy dùng. AI tạo ra rất nhiều sự thay đổi, thậm chí thay đổi hoàn toàn. Đơn cử, nếu muốn mở một quán cà phê, tự phải đi tìm hiểu, tính toán đồ đạc… thì nay chỉ cần giao đề cho AI sẽ tự lên kế hoạch và đưa các thông tin, thậm chí còn tìm mua sản phẩm cho người dùng. Trong marketting, tới đây còn phải marketting cho AI, để AI đề xuất cho con người. Hiện ở Trung Quốc, các robot hình người phát triển rất nhanh. Tới đây, robot sẽ rẻ, DN Việt có thể mua, thuê về hoạt động.
"Việc trang bị các kỹ năng cho người lao động. Chủ DN không nên dọa người lao động, nên có chiến lược để người lao động thấy yên tâm, chúng ta mang một nguồn lực đến hỗ trợ chứ không phải thay thế. DN cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng xem dùng AI đến đâu, bộ phận nào. DN mạnh dạn ứng dụng AI" - ông Nguyễn Văn Tuyền nói.
Trong khi đó, Phó Chủ HĐQT Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy đã chia sẻ bài toán tài chính bằng công nghệ. Hiện công nghệ thay đổi mạnh mẽ, tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Đối với các DN dùng phần mềm kế toán, hóa đơn của MISA, có thể tham gia các chương trình cho vay ưu đãi theo chính sách trên phần mềm kế toán của MISA với 20.000 tỷ đồng giải ngân tín chấp, thủ tục vay nhanh chóng (3 - 5 phút). Do đó, DN phải chuyển đổi số ngay, nhanh và quyết liệt để có thể tiệm cận nguồn vốn.
Thay đổi tư duy để tận dụng cơ hội
Chia sẻ cách tiếp cận các nguồn vốn vay từ quốc tế, TS David Nguyễn Vũ - Trưởng Văn phòng đại diện HANOISME tại Singapore, Chủ tịch VietCham cho biết, Việt Nam - Singapore đã nâng tầm quan hệ lên toàn diện. Singapore dành nguồn vốn đầu tư lớn, hiện đang là nhà đầu tư số 1, tiếp tục sẽ phát triển trong thời gian tới dành cho Việt Nam, nhất là với các DN có liên kết xuất khẩu vào Singapore.

Việc ký kết sẽ tạo cơ hội phát triển cho các DN. Ảnh: Khắc Kiên
DN có thể tiếp cận nguồn vay của các ngân hàng. Vốn vay thứ hai là phát hành trái phiếu; Việt Nam mới phát hành trong nước, chưa phát hành trái phiếu quốc tế, DN có thể tiếp cận sàn chứng khoán Singapore để phát hành trái phiếu tại đây. Bởi Singapore tập trung nhiều quỹ đầu tư thiên thần (khoảng 3.000 gia tộc có đăng ký, 7.000 gia tộc không đăng ký). DN Việt có thể tiếp cận qua các trung tâm về gia tộc toàn cầu, chào bán cổ phần....
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và phát triển kinh doanh Singapore, TS David Nguyễn Vũ thẳng thắn, thực tế Singapore là một trung tâm kết nối, như một “vòi bạch tuộc”. Nhiều hàng hóa ký kết tại Singapore nhưng không đi vào nội địa mà là “đi xuyên qua” để đến các thị trường khác. Singapore thực tế là một “chợ cơ hội”, đối tác thu mua từ nhiều nước. Nhiều DN bán hàng vào Singapore chủ yếu để chứng minh là hàng hóa đủ chất lượng, từ đó tạo thành “bàn đạp” để đi các thị trường khác.
Do đó, DN cần tư duy lớn, tư duy toàn cầu và tận dụng các mối quan hệ của các hiệp hội như HANOISME, cũng như các nguồn lực có sẵn. Tối ưu hóa tăng trưởng: xuất khẩu bứt phá và huy động vốn từ Singapore” – một nội dung thiết thực dành cho các DN Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường và thu hút đầu tư quốc tế.

May 10 luôn đầu tư đổi mới công nghệ vào sản xuất kinh doanh và là DN xuất khẩu hàng đầu của dệt may Việt Nam. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Cục trưởng Cục khởi nghiệp và DN Khoa học công nghệ (Bộ Khoa học công nghệ) Phạm Đức Nghiệm đã chia sẻ về cơ chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo hiện nay. Theo đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam phát triển sau so với các nước nhưng đang phát triển, có 3.000 DN khởi nghiệp, có hơn 10 DN tốp 100 triệu, 4 DN hơn 1 tỷ USD, song lại thiếu điều kiện để đầu tư bứt phá.
Chắc chắn tháo gỡ trong thời gian tới. Đơn cử, hệ thống về tín dụng, vốn đầu tư cho DN khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng dành khoản vay lớn cho DN đổi mới khoa học công nghệ... Nhưng DN phải “chủ động” tiệm cận các nghị quyết, chính sách hiện đem đến những cơ hội lớn.
Đồng quan điểm với TS David Nguyễn Vũ, Phó Chủ tịch HANOISME Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 thông tin, DN xuất khẩu từ những năm 70 thế kỷ trước. Từ trước đến nay, hàng đi Mỹ, châu Âu, Nhật… vẫn phải đi qua cảng nước sâu ở Singapore. Singapore là nơi trung chuyển lớn và các DN cần lưu ý vấn đề này khi xuất khẩu.
Theo ông Thân Đức Việt, mong muốn lớn nhất của DN, từ chính sách đến thực tiễn ngắn nhất, kiến nghị Chính phủ có những ban chuyên trách, tổ công tác đặc biệt để đề xuất, xử lý các kiến nghị, vướng mắc cho DN. Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, vừa qua đã vượt qua cả Trung Quốc nên cần tạo điều kiện để DN phát huy. Gửi gắm tới cộng đồng DN, ông cũng đưa ra thông điệp: “Thực chiến” – phải làm mới có 50% thắng lợi, còn không làm thì không có gì cả. Khát vọng lớn vươn tầm để không quanh quẩn.
Trích dẫn
Tại Tọa đàm, các đơn vị, hiệp hội, DN đã tiến hành ký kết MOU để tăng tính liên kết, hợp tác, trao đổi và cùng phát triển... Theo TS Mạc Quốc Anh, sáng mai (11/5), Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất
Kinhtedothi - Dự kiến, lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (1995 - 2025) sẽ diễn ra vào 8 giờ sáng ngày 11/5.

Hà Nội phấn đấu có thêm 30.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập trong năm 2025
Kinhtedothi - Ngày 10/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kỷ nguyên mới gọi tên những ai dám hành động quyết liệt
Kinhtedothi - Phát biểu tại tọa đàm “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” mở đầu cho Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập HANOISME và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, TS Mạc Quốc Anh gợi mở tầm nhìn, khơi dậy khát vọng phồn vinh và kiến tạo hệ giá trị hành động cho từng cá nhân, doanh nghiệp (DN), địa phương trong bối cảnh mới...