Tự hào về những nhà khoa học nữ

Bài, ảnh: Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm các nhà khoa học gồm các PGS, TS: Trần Kim Anh, Vũ Thị Bích, Phạm Thu Nga, Trần Hồng Nhung và Nguyễn Phương Tùng nghiên cứu về KHCN nano từ những năm 1990.

Với niềm say mê nghiên cứu khoa học, nhóm 5 nhà khoa học nữ của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng về Khoa học và công nghệ (KHCN) nano nhằm phục vụ cho sản xuất nguyên liệu ngành dược sử dụng chất có nguồn gốc tự nhiên. Họ vừa được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2016.
Tuy đã về hưu nhưng nhóm nhà khoa học nữ chưa lúc nào ngơi nghỉ.
Nhóm các nhà khoa học gồm các PGS, TS: Trần Kim Anh, Vũ Thị Bích, Phạm Thu Nga, Trần Hồng Nhung và Nguyễn Phương Tùng nghiên cứu về KHCN nano từ những năm 1990. Họ là những người tiên phong ở Việt Nam nghiên cứu sử dụng phương pháp solgel và hóa ướt để chế tạo ra các loại hạt kích thước nano mét như chấm lượng tử, nano ion đất hiếm, nano kim loại vàng, bạc và nano silica chứa tâm mầu hữu cơ ứng dụng trong y sinh, nông nghiệp, in bảo mật và linh kiện quang điện tử... Trong y học, sinh học và dược học họ đã thành công trong chế tạo các đầu dò sinh học phát hiện vi khuẩn và tế bào ung thư; theo dõi sự xâm nhập của thuốc vào trong tế bào hay khối u trong cơ thể; phát hiện sớm tế bào ung thư vú… Cho đến nay, hàng loạt kết quả nghiên cứu của 5 nhà khoa học nữ được ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
Vượt qua những khó khăn, cho đến nay, họ đã làm chủ nhiệm và thực hiện thành công 12 đề tài cấp Nhà nước, 17 đề tài cấp Bộ, 8 đề tài cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 6 đề tài cấp quốc gia Nafosted. Họ là tác giả và đồng tác giả của 636 bài viết, trong đó có trên 120 bài đăng trên tạp chí quốc tế và có trong danh mục ISI. Bên cạnh đó các PGS, TS đã nhận 2 bằng sáng chế độc quyền đăng ký tại Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus. Để trau dồi chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu, họ thường xuyên hợp tác chặt chẽ với các nhà nữ khoa học quốc tế như Pháp, Mỹ, Anh, Hàn Quốc..., tham gia các hội nghị khoa học và đi học tập xa gia đình trong thời gian dài.
4 nhà khoa học Kim Anh, Thu Nga, Vũ Bích và Hồng Nhung (từ trái sang) ở Hà Nội, bà Phương Tùng nghiên cứu ở TP Hồ Chí Minh.
Đóng góp cho sự thành công của nhóm, không thể kể đến gương mặt PGS, TS Nguyễn Phương Tùng, đã xây dựng và phát triển hướng nghiên cứu tổng hợp và ứng dụng các hợp chất. Trong đó có các hợp chất cấu trúc nano trong công nghiệp dầu khí nhằm nâng cao khả năng thu hồi dầu, nâng cao hiệu quả khai thác và an toàn ngoài giàn khai thác dầu khí. PGS, TS Nguyễn Phương Tùng đã đưa ra hệ chất HĐBM IAMS-M2-P được sản xuất quy mô phòng thí nghiệm trên dây chuyền công nghiệp, bơm ép thử nghiệm thành công ngoài thực tế, giúp tăng thêm sản lượng khai thác 9.140 tấn dầu thô, mang lại giá trị kinh tế.
Tâm sự về những khó khăn, vất vả của những nhà khoa học nữ, PGS, TS Phạm Thu Nga cho biết, phụ nữ làm khoa học phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những nhà khoa học nam để có thể vừa có thành tích trong nghiên cứu, vừa hoàn thành tốt vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình. PGS, TS Phạm Thu Nga kể, bà đã từng bật khóc ở Pháp, muốn quay về Việt Nam ngay lập tức khi nghe tin con ốm, nhưng phải cố gác lại những cảm xúc cá nhân để hoàn thành công việc. Bốn đồng nghiệp của bà cũng đều đã trải qua những giây phút như thế khi nhận được thư nhà, trong lòng luôn ôm nỗi day dứt với chồng con khi không có nhiều thời gian ở bên cạnh chăm sóc.
Tuy đã về hưu nhưng nhóm nhà khoa học nữ chưa lúc nào ngơi nghỉ, họ luôn mong ước có sức khỏe để tiếp tục làm nghiên cứu, góp phần phát triển nền khoa học và công nghệ nước nhà. Không chỉ tâm huyết trong lĩnh vực khoa học riêng của mình, các nhà khoa học nữ ở thế hệ 4X, 5X vẫn đang ngày đêm hăng say truyền lửa nghiên cứu học tập, khoa học cho thế hệ trẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần