Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học giả Đào Duy Anh

Tự học thành tài để “phục hồi cái sinh khí của dân tộc”

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo sư Đào Duy Anh là một trong những học giả lớn nhất của đất nước thế kỷ XX với rất nhiều công trình có giá trị lớn, đặc biệt là sử học. Nhưng điều đặc biệt nhất ở ông là quá trình tự học thành tài để “phục hồi cái sinh khí của dân tộc”.

Từ nhà cách mạng đến nhà khoa học

Đào Duy Anh sinh ngày 25/4/1904 tại Thanh Hóa; quê gốc ở làng Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp Thành chung tại trường Quốc học Huế, ông chọn nghề dạy học và ra dạy tại trường Tiểu học Đồng Hới (Quảng Bình). Nhưng các phong trào yêu nước đang sôi nổi lúc này đã hấp dẫn Đào Duy Anh. Năm 1926, ông xin thôi dạy học để chuẩn bị một hành trình mới cho mình. Ông vào Đà Nẵng chuẩn bị cho việc vào Sài Gòn để “tìm nơi trời cao biển rộng”, “mở mang tri thức”, tiếp xúc với các hoạt động yêu nước để dấn thân cho các hoạt động chính trị và văn hóa.

Song, tại Đà Nẵng, ông đã có một cuộc gặp lịch sử không hẹn trước. Qua một người bạn là Đặng Văn Tế, ông đã gặp Huỳnh Thúc Kháng và quyết định ở lại để giúp chí sĩ ra báo Tiếng Dân mà ông là Thư ký tòa soạn. Từ đây, ông chính thức tham gia vào con đường cách mạng và khoa học. Cuối năm 1926, ông tham gia Việt Nam Cách mạng Đảng, sau đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng (7/1928) và ông là Tổng Bí thư cuối cùng của Tân Việt Cách mạng Đảng.

GS Trần Văn Khê gặp cụ Đào Duy Anh (áo trắng) tại khách sạn Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh) năm 1979. Ảnh tư liệu
GS Trần Văn Khê gặp cụ Đào Duy Anh (áo trắng) tại khách sạn Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh) năm 1979. Ảnh tư liệu

Cũng trong năm 1928, ông thành lập Quan Hải tùng thư, xuất bản nhiều sách phổ biến kiến thức khoa học và tư tưởng duy vật biện chứng, biên soạn, biên dịch và xuất bản các cuốn Lịch sử các học thuyết kinh tế, Phụ nữ vận động, Lịch sử nhân loại, Tôn giáo là gì?, Xã hội là gì?, Dân tộc là gì?.
Tháng 7/1929, Đào Duy Anh bị chính quyền thực dân bắt và giam đến đầu năm 1930.

Ra tù, ông tự nhận thấy "không có đủ tài năng và dũng cảm để gánh vác cái công việc khó khăn và gian khổ mà cách mạng giao cho" và quyết định "chọn con đường hoạt động văn hóa mà góp phần phục hồi cái sinh khí của dân tộc đang bị lu mờ dưới chế độ thống trị thực dân".

Từ một nhà giáo, nhà báo, ông trở thành nhà cách mạng và cuối cùng ông trở thành học giả hàng đầu của đất nước trong thế kỷ XX.

Trên con đường khoa học của mình, Từ điển học là lĩnh vực ông quan tâm đầu tiên. Ông đã biên soạn và xuất bản Hán - Việt từ điển (1932), Pháp - Việt từ điển (1936). Chính ông đã “đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại Việt Nam” (Phan Huy Lê).

Từ năm 1938, Đào Duy Anh chuyển trọng tâm nghiên cứu sang lĩnh vực văn hóa, văn học và nhanh chóng xuất bản nhiều công trình lớn như Việt Nam văn hóa sử cương (1938), Khổng giáo phê bình tiểu luận (1938), Trung Hoa sử cương (1942), Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943). Trong đó, Việt Nam văn hóa sử cương cùng tác phẩm Văn minh An Nam (La Civilization Annamite, 1944) của Nguyễn Văn Huyên được ghi nhận là “những công trình khoa học đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam trên tinh thần khoa học và dân tộc”. (Phan Huy Lê).

Sử học là lĩnh vực mà Đào Duy Anh dành nhiều thời gian, tâm huyết, trí tuệ nhất vì theo ông “chỉ có hiểu biết đầy đủ lịch sử dân tộc thì mới có thể chắt lọc ra đâu là những yếu tố truyền thống, đâu là những yếu tố ngoại lai".

Sự nghiệp sử học của ông bắt đầu bằng công việc dịch và chú giải Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và các công trình nghiên cứu cổ sử Việt Nam khác… Sự nghiệp này tiếp tục được ông dành nhiều tâm huyết và đạt được nhiều thành tựu sau Cách mạng Tháng Tám 1945 khi ông liên tục làm việc ở trường đại học và các cơ quan khoa học. Đặc biệt là từ năm 1956 - 1958, khi ông là Chủ nhiệm Bộ môn Cổ sử Việt Nam ở khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ngoài việc giảng dạy, ông đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu rất cơ bản về lịch sử Việt Nam, nhất là về lịch sử cổ đại và trung đại như vấn đề phân kỳ lịch sử, nguồn gốc dân tộc, vấn đề chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, sự hình thành dân tộc Việt Nam... Ông đã hoàn chỉnh bản soạn thảo cũ và cho xuất bản hai bộ giáo trình: Lịch sử Việt Nam (1956) và Cổ sử Việt Nam (1956).

Tiếp đó, ông bổ sung và viết lại thành Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957) gồm 4 tập: Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Vấn đề An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc, Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt, Giai đoạn quá độ sang chế độ phong kiến. Ông còn cho xuất bản tiếp Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957) và viết lại Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX (2 tập, 1958).

Năm 1958, Đào Duy Anh chuyển sang Bộ Giáo dục, rồi năm 1960 chuyển sang Viện Sử học. Tại đây, ông đã hiệu đính và chú giải các bản dịch nhiều bộ sách quý như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục, Phủ biên tạp lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Binh thư yếu lược và Hổ trướng khu cơ, Gia Định thành thông chí, Nguyễn Trãi toàn tập. Cũng trong thời gian này và sau khi nghỉ hưu (1965), ông biên soạn một số công trình như Đất nước Việt Nam qua các đời (1964), Từ điển truyện Kiều (viết xong 1965, xuất bản 1974), Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến (1975), dịch và chú giải Khóa hư lục (1974), Sở từ (1974), Truyện Hoa Tiên (1978), Thơ chữ Hán Nguyễn Du (1988), Kinh Thi (chưa xuất bản), Đạo Đức Kinh và học thuyết của Lão Tử (chưa xuất bản), Nhớ nghĩ chiều hôm" (hồi ký, viết xong 1974, xuất bản 1989).

Suốt đời ngậm đá lấp biển học

Đào Duy Anh có biệt hiệu là Tinh Vệ - với ý nguyện suốt đời ngậm đá lấp biển học mênh mông để cống hiến cho đời. Và ông đã làm được điều đó một cách xuất sắc.

Bắt đầu bằng bằng Thành chung, để có đủ kiến thức làm việc, để dạy người, ông phải luôn tự học, tự đào tạo. Ông học từ sách vở, từ bạn bè, đồng nghiệp. Không có điều kiện đến trường đại học, ông tự học “hàm thụ” bằng trao đổi thư từ và đọc, nghiên cứu giáo trình, tài liệu của trường đại học ở Pháp. Với ông, hai quá trình, làm việc và học tập, luôn kết hợp với nhau. Học để làm và làm để học.

Xuất thân từ Tây học bậc trung học, để biên soạn hai bộ từ điển Hán - Việt và Pháp - Việt, ông phải nỗ lực rất nhiều. Bà Trần Thị Như Mân - phu nhân của ông, kể lại, khi biên soạn từ điển Hán - Việt, ông phải nhờ bạn bè và các nhà sách quen tìm mua các các loại từ điển cũ, mới để tham khảo.

Biên soạn xong từng phần, ông lại nhờ cụ Phan Bội Châu xem lại. Hoặc trong các công trình khác cũng vậy, ông đã nghiên cứu tài liệu, kể cả các công trình đã có và tự rút ra những nhận định/quan điểm riêng để có những đóng góp học thuật có giá trị. Để đi sâu vào sử học, từ rất sớm, ông đã phải tự trang bị cho mình kiến thức phong phú về sử học trong và ngoài nước, và nhiều ngành liên quan như triết học, kinh tế học, dân tộc học, xã hội học..., đặc biệt là về phương pháp luận sử học và tư liệu lịch sử. Tự học, tự đào tạo là quá trình cả cuộc đời của ông.

 

Đào Duy Anh là học giả uyên bác với vốn tri thức mang tính bách khoa về khoa học xã hội - nhân văn đã để lại một di sản đồ sộ trên nhiều lĩnh vực từ từ điển, ngôn ngữ, văn hóa, văn học, sử học, khảo cổ học, văn bản học, dân tộc học... Ông xứng đáng là chim tinh vệ nguyện suốt đời ngậm đá lấp biển học để “phục hồi cái sinh khí của dân tộc đang bị lu mờ…” của thời bấy giờ.