Chúc mừng năm mới

[Từ làng ra phố] “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo truyền thống, tháng 7 (âm lịch) mùa Vu Lan, là “mùa” để nhân gian báo hiếu đấng sinh thành. Nếu không có dịch Covid-19, chùa chiền, miếu mạo tấp nập con nhang đệ tử, làm cái lệ mang tính “xuân thu - nhị kỳ”. Hương đăng, hoa quả, ngập ban thờ, từ tư gia cho đến các cơ sở tín ngưỡng…

Ngoài lễ lạt vật chất, Vu Lan cũng là dịp để người ta tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, cha mẹ qua thơ ca, âm nhạc. Trong vô vàn các hình thức biểu cảm, hình như thơ có sức lôi cuốn riêng… Đông, Tây, kim, cổ, thời nào cũng có những áng thơ, ca ngợi công đức đấng sinh thành. Có câu: “Cha sinh - không bằng mẹ dưỡng”; phải chăng vì thế mà những tác phẩm ca ngợi người mẹ chiếm “vị thế” trang trọng hơn?

Giữa muôn vàn giai phẩm, nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin nhắc đến bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, nó thay cho một nén tâm nhang, tưởng nhớ đến mẹ cha, tiên tổ. Xin những ai có cùng tâm trạng hãy bớt chút thì giờ, cùng chia sẻ:

Bần thần hương huệ thơm đêm

Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn

Chân nhang lấm láp tro tàn

Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào (…)

Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng bờm

Bờ ao đom đóm chập chờn

Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn

Bà ru mẹ... mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng

Nhìn về quê mẹ xa xăm

Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương...

Theo tìm hiểu, bài này được Nguyễn Duy sáng tác năm 1986, tôi đã được tiếp cận “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, sau đó chỉ một vài năm và nhập tâm rất nhanh. Nhớ một lần hầu chuyện với nhà thơ Vũ Duy Thông, ông bảo đọc “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy, có gì đó phảng phất ý tứ của Thập ân - Tứ hiếu; là phận con cháu, tôi cũng chỉ biết vậy. Nhưng một thời gian sau, có dịp ngồi lại, ông nói (đại ý): Sau khi đọc và suy ngẫm, ta thấy “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” là tiếng lòng của những đứa con nhớ về mẹ. Nó khác với phong cách hiếu ca dân gian; đậm chất Phật mà cũng khác Nhị thập tứ hiếu của Nho giáo. Nó gần gũi với ca dao, bởi trong đó thấm đẫm không gian của làng quê Việt, với bờ ao, đom đóm, thằng bờm, cái cò,… Đây như là một bài Sám về Mẹ của ngày hôm nay.

Với ai thì không rõ, nhưng mỗi lần đọc lại, bài thơ đều đem lại cho tôi cảm giác rưng rưng nhớ về cha mẹ đã khuất non xanh đà mấy độ. Từ khi ra đời, bài thơ được lưu truyền trong công chúng một cách rộng rãi; nó được độc giả tiếp nhận như một khúc dân ca, bởi thế khi được hỏi, nhiều người chẳng biết đó là sáng tác của nhà thơ Nguyễn Duy!
Gần đây, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” được nhiều nhạc sỹ chuyển soạn sang hát Văn, hát Xẩm và thực sự việc này đã đem lại cho bài thơ một sức sống mới. Nhiều nghệ sỹ đã thể hiện thành công “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” như Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Hoạch, Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Hinh, nghệ sỹ Đình Cương, Văn Chương…
Thậm chí một ca sỹ tân nhạc là Tân Nhàn cũng thể hiện bài này theo thể hát văn rất ngọt ngào. Điều này chứng tỏ, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” là bài thơ đã đi vào tâm thức người Việt. Đang là mùa Vu Lan, xin hãy bình tâm nghe lại “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”; một trường thương nhớ!