Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ mai (18/6), Hà Nội tổng rà soát, xếp lớp đào tạo giáo viên tiếng Anh

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Sở GD&ĐT TP Hà Nội, từ mai (18/6) sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát để xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh.

 Thông thạo tiếng Anh chính là chìa khoá hướng tới ''công dân toàn cầu'' cho học sinh Việt
Cụ thể, thực hiện Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 23/01/2019 của UBND TP Hà Nội về dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025; nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế cho giáo viên ngoại ngữ, từ ngày 18/6 đến ngày 5/7, Sở GD&ĐT TP sẽ triển khai việc kiểm tra rà soát để xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam, đối với giáo dục phổ thông và GDNN, GDTX.
Việc đào tạo nâng chuẩn quốc tế (IELTS) cho giáo viên tiếng Anh ở tất cả cấp học đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới. IELTS là một trong những hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh theo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và hiện nay đang được đánh giá uy tín nhất trên thế giới. Sở GD&ĐT TP lựa chọn hình thức này để hỗ trợ cho giáo viên tiếng Anh phát triển tốt nhất 4 kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghe nói.
Theo đó, 100% giáo viên của Hà Nội đã đạt chuẩn tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam sẽ tham dự kỳ kiểm tra, rà soát đánh giá theo chuẩn quốc tế IELTS. Mỗi giáo viên tham dự sẽ đăng ký trực tiếp tại đường link do tổ chức khảo thí quốc tế cung cấp để nhập thông tin và cập nhật các hướng dẫn về nội dung chủ yếu của bài kiểm tra. Bài kiểm tra IELTS gồm 2 phần, kiểm tra Viết (3 kỹ năng Nghe - Đọc - Viết), thời gian làm bài phần Nghe: 40 phút, phần Đọc: 60 phút, phần Viết: 60 phút; kiểm tra Nói thời gian từ 11-14 phút. Đối với những giáo viên có chứng chỉ IELTS từ năm 2019 trở lại đây đạt kết quả 6.5 trở lên có thể lấy kết quả đó để phân lớp đào tạo.
Kết quả rà soát giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế IELTS được Sở GD&ĐT TP sử dụng làm căn cứ phân loại, xếp lớp đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho giáo viên.
Lớp đào tạo được chia làm nhiều đợt, mỗi đợt giáo viên được thực hiện 400 tiết thực học (khóa học chuẩn để nâng 1 bậc IELTS) với giảng viên nước ngoài. Ngoài ra, mỗi giáo viên được cấp 1 tài khoản online để tự học. Sau thời gian đào tạo, giáo viên sẽ tham dự kì thi IELTS với mục tiêu lên được tối thiểu 0,5 điểm. Từ năm 2020 đến năm 2025, bình quân cứ cách 1 năm giáo viên lại được tham gia đợt bồi dưỡng để tiếp tục nâng chuẩn (tùy theo kết quả cụ thể đạt được của từng giáo viên).
Mục tiêu tiến tới năm 2025, toàn ngành GD&ĐT Hà Nội có trên 50% giáo viên các cấp học có trình độ nghe nói tiếng Anh từ 6.5 IELTS trở lên.