Hãy tiêm phòng sớm nhất khi có thể!
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, tiêm chủng vaccine Covid-19 là vấn đề được người dân TP quan tâm nhiều nhất. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), có 4 loại vaccine phòng Covid-19 đang được sử dụng tại TP do Bộ Y tế phân bổ và nguồn TP được tặng cho.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tổng cộng 5.625.860 liều vaccine qua 24 đợt phân bổ gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer và 5 triệu liều Vero Cell (Sinopharm) do doanh nghiệp tài trợ. Con số thống kê này chưa tính số vaccine mà Bộ Y tế chuyển cho các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Anh Trí (21 tuổi) dân quân tự vệ thuộc Ban chỉ huy quân sự phường 1, quận 4, TP Hồ Chí Minh đang được tiêm vacccine phòng Covid-19. Nguồn: HCDC |
Tính đến sáng ngày 8/9, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được cho 7.049.826 người, trong đó 810.404 người tiêm mũi 2. Đồng thời, hiện số người dân chưa tiêm bất cứ mũi vaccine Covid-19 nào ở TP Hồ Chí Minh cũng còn rất lớn.
Sự chậm trễ nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một phần là do nguồn cung ứng vaccine còn hạn chế, khan hiếm; một phần khác lại đến từ tâm lý e dè, lựa chọn vaccine.
Đánh giá Covid-19 là mối đe dọa đối với người chưa được tiêm chủng, bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, chắc chắn việc tiêm vaccine sẽ giúp người được tiêm giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong khi không may bị mắc Covid-19. Hiện nay, vaccine vẫn là biện pháp căn bản và lâu dài, đóng vai trò quyết định vào sự thành công của chiến lược phòng, chống Covid-19.
“Đã là vaccine thì đều sinh ra miễn dịch, giúp cơ thể đề kháng với SARS-CoV-2. Do đó, nếu người dân cố chờ đợi để lựa chọn chủng loại vaccine mình muốn, thì có thể bỏ lỡ cơ hội được tiêm vaccine sớm nhất... khi không may bị mắc Covid-19 thì rất nguy hiểm đến tính mạng” – bác sĩ Hùng nói và nhấn mạnh, nếu có loại vaccine nào thì người dân TP nên tiêm càng sớm càng tốt. Hãy tiêm bất kỳ vaccine nào khi đến lượt, vì phản ứng sau tiêm giữa các loại vaccine có tỉ lệ gần như nhau và không có vaccine nào tuyệt đối an toàn.
"Nếu cứ lo sợ tác dụng phụ của vaccine này, rồi chờ đợi một loại vaccine khác để tiêm là một rủi ro lớn nhất (rủi ro nhiễm bệnh ngay trong chính thời gian chờ đợi). Hãy yên tâm, không có loại vaccine Covid-19 nào chứa virus còn sống của loại virus gây bệnh Covid-19, do đó vaccine Covid-19 không thể khiến người tiêm mắc Covid-19. Tiêm phòng là cách an toàn nhất giúp tạo hàng rào miễn dịch bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus SARs-CoV-2" – bác sĩ Hùng nói thêm.
Khuyến khích người dân chủ động, tự nguyện trong tiêm phòng Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cũng cho rằng, vaccine tốt nhất là "vaccine được tiêm sớm nhất". Việc bao phủ tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ giảm số ca mắc mới, ca nặng và từ đó giảm số người tử vong. Điều quan trọng nữa là nếu toàn dân tiêm phòng vaccine Covid-19 thì sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng lớn tại TP.
“Vaccine quan trọng, nhưng vaccine không phải là hàng rào duy nhất để ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Nói cách khác, trong điều kiện nào, các khuyến cáo 5K vẫn luôn phải được tuân thủ. Người được tiêm đủ 2 mũi vaccine không được chủ quan, lơ là. Thay vào đó, hãy nên chia sẻ kinh nghiệm tiêm chủng an toàn và biện pháp chăm sóc sức khỏe cho những người tiêm sau. Sự chia sẻ trách nhiệm là rất cần thiết để TP có chương trình tiêm chủng an toàn và cùng cả nước sớm quay lại trạng thái bình thường mới” - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kêu gọi.
Lợi ích mà vaccine Covid-19 mang lại lớn hơn những nguy cơ
Vaccine Vero Cell của Sinopharm được cung cấp cho hơn 70 quốc gia, trong đó có các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á như: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Philippines và Singapore. Nguồn: Reuters |
Theo ghi nhận, đến nay Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam 6 loại vaccine phòng Covid-19 khác nhau gồm: Pfizer (Mỹ), Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Đại học Oxford, Anh), Sputnik V (Nga), Janssen (Mỹ), Sinopharm (Trung Quốc) để tiêm chủng trên phạm vi cả nước. Trong đó, AstraZeneca là loại vaccine phòng Covid-19 chủ yếu được sử dụng để tiêm chủng tại Việt Nam đến thời điểm này.
Các loại vaccine này đều được tiêm 2 mũi, khoảng cách giữa các mũi tiêm là 4 tuần. Riêng vaccine AstraZeneca, khoảng cách giữa 2 liều tiêm là khoảng từ 4-12 tuần.
Là một trong hai loại vaccine (cùng với vaccine Janssen) được cấp phép trễ nhất trong 6 loại vaccine nói trên, vaccine Vero Cell của Sinopharm hiện đang được TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân.
Cụ thể, tính đến ngày 25/8, TP Hồ Chí Minh đã tiêm hơn 885.000 mũi 1 vaccine Vero Cell, tốc độ tiêm đạt yêu cầu, tất cả sau tiêm đều an toàn.
Cũng với quyết tâm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái “bình thường mới”, sáng ngày 2/9, tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 với số lượng 1 triệu liều vaccine Vero Cell được chia sẻ từ TP Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, trái với lo ngại của một số thành viên ban tổ chức về tâm lý e ngại của người dân, trên thực tế số lượng người dân Bình Dương đi tiêm vaccine Vero Cell khá nhiều, các địa điểm đều liên tục có thêm người dân tới tiêm vaccine.
Mới đây, hơn 5.000 công nhân tại Đồng Nai đã chủ động đăng ký tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm với mong muốn miễn dịch cộng đồng, công ty sớm trở lại hoạt động sản xuất.
Như vậy, có thể thấy từ những kén chọn ban đầu, dường như người dân TP Hồ Chí Minh đã dần cởi mở hơn với vaccine Vero Cell. Và tinh thần này cũng đã lan tỏa sang các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai…
Liên quan đến câu hỏi về “chất lượng” của vaccine Vero Cell, Bộ Y tế đã khẳng định, những vaccine được Bộ Y tế cấp phép nhập đều đã trải qua tất cả các giai đoạn bắt buộc của thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm và giám sát diện rộng đã chứng minh rằng các vaccine này là an toàn và hiệu quả. Các vaccine Covid-19 đã và sẽ tiếp tục trải qua quy trình giám sát an toàn chuyên sâu.
Đặc biệt, tại Việt Nam, vaccine Vero Cell của Sinopharm được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) kiểm định theo quy trình nghiêm ngặt và được cấp giấy chứng nhận trước khi đưa ra sử dụng tiêm cho người dân. Vaccine Sinopharm đã được cấp số đăng ký lưu hành trong trường hợp khẩn cấp và có điều kiện do Bộ Y tế ban hành. Việc kiểm định vaccine Sinopharm cũng giống như các vaccine phòng Covid-19 khác trước đó đã về Việt Nam.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng thông tin, 2 liều vaccine Sinopharm được tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả chống lại SARS-CoV-2 là 79%. Đồng thời, hiệu quả, lợi ích mà vaccine này đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra.
“Hãy tiêm bất kỳ loại vaccine có sẵn khi đến lượt. Vaccine giúp bảo vệ bản thân và cả những người xung quanh. Vaccine cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới" - Thông điệp từ WHO. |