Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tự nguyện xin thoát nghèo

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chịu khó vươn lên và được sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền cùng các các đoàn thể, nhiều hộ dân ở xã Hành Phước (huyện Nghĩa Hành) đã tự nguyện xin thoát nghèo.

Gia đình chị Phan Thị Lang, anh Phạm Tuấn (thôn Đề An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) từng là trường hợp rất khó khăn, bởi cả 2 vợ chồng đều đau ốm thường xuyên nhưng phải nuôi 2 con đang tuổi ăn học và mẹ già tuổi cao, sức yếu.

Thế nhưng, nhờ sự quyết tâm nỗ lực của bản thân và hỗ trợ của chính quyền, các đoàn thể, gia đình anh chị đã dần vươn lên, cải thiện cuộc sống chính trên mảnh đất quê hương từ việc chăn nuôi, trồng trọt.

Dù mắc bệnh tim nhưng chị Phan Thị Lang luôn nỗ lực lao động để thoát nghèo.
Dù mắc bệnh tim nhưng chị Phan Thị Lang luôn nỗ lực lao động để thoát nghèo.

Đến nay, cuộc sống đã dần ổn định, nhà cửa, chuồng trại được sửa sang, các con cũng đã lớn. Đầu năm 2024, anh chị viết đơn xin thoát nghèo. Tạo thêm “đòn bẩy” cho chị Lang, anh Tuấn vươn lên, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội nông dân xã Hành Phước còn tặng 1 con bò giống sinh sản và 2 con heo giống sinh sản.

“Được hỗ trợ heo, bò tôi mừng lắm, gia đình có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế. Giờ thấy nhiều hộ còn khổ hơn mình, trong khi mình cũng vững vàng rồi nên xin thoát nghèo, nhường những suất hộ trợ lại cho các hộ khác”- chị Lang cười, chia sẻ.

Kinh tế gia đình chị Lang được cải thiện từ chăn nuôi, trồng trọt.
Kinh tế gia đình chị Lang được cải thiện từ chăn nuôi, trồng trọt.

Người phụ nữ mắc bệnh tim này dù thân hình gầy gò, ốm yếu nhưng lại có quyết tâm rất lớn và cần cù, chịu thương chịu khó. Chị  Lang cũng chia sẻ, chỉ mong có sức khỏe để làm ăn, vươn lên cho con cái nở mày nở mặt, sống ngẩng cao đầu với bạn bè.

Xã Hành Phước cách trung tâm huyện Nghĩa Hành khoảng 7km. Phía Bắc giáp huyện Tư Nghĩa, phía Đông giáp huyện Mộ Đức; phía Nam giáp xã Hành Thịnh; phía Tây giáp xã Hành Đức và xã Hành Thiện.

Xã có diện tích tự nhiên của xã gần 1.660ha với 8 thôn, hơn 13.000 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp-lâm nghiệp. Nhờ thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nên những năm qua, đời sống của người dân trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Riêng năm 2023, xã giảm được 22 hộ nghèo theo chuẩn gia chiều, hạ tỷ lệ hộ nghèo còn 3,39% với 119 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 5,52% với 194  hộ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hành Phước Lê Viết Hiệp, có được kết quả trên, ngoài việc triển khai hiệu quả chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, xã Hành Phước còn xây dựng nhiều mô hình “trợ lực” cho hộ nghèo vươn lên như ngân hàng heo giống, ngân hàng bò giống… mang hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam và Hội đoàn thể xã Hành Phước đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu …

Hội nông dân xã Hành Phước thăm hỏi, động viên gia đình chị Phan Thị Lang, anh Phạm Tuấn
Hội nông dân xã Hành Phước thăm hỏi, động viên gia đình chị Phan Thị Lang, anh Phạm Tuấn

Công tác hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất; chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi được đào tạo cũng được chú trọng triển khai.

Những hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.

“Trường hợp chị Phan Thị Lang, anh Phạm Tuấn tình nguyện xin thoát nghèo rất đáng được nêu gương để tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Đây cũng là một trong số nhiều hộ nghèo ở xã Hành Phước tự nguyện xin thoát nghèo trong thời gian qua, có thể kể đến như Cao Thế Vũ ở thôn An Chỉ Đông, Ngô Văn Kiên thôn Hòa Sơn… Theo thống kê, tính từ năm 2022 đến nay, toàn xã có  khoảng 6 hộ nghèo viết đơn xin thoát nghèo”- ông Hiệp chia sẻ.

 

“Thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nghĩa Hành tích cực phối hợp tuyên truyền các tấm gương điển hình tiêu biểu về làm kinh tế giỏi, tự nguyện xin thoát nghèo, vươn lên từ nghịch cảnh…  nhằm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo, đưa phong trào giảm nghèo đi vào chiều sâu và nhận được hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng  nông thôn mới của địa phương”- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nghĩa Hành Vũ Thị Kim Loan cho hay.