Từ tư tưởng đến nếp làm ăn của làng xã xưa

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tư tưởng làng xã là lối tư duy, lối suy nghĩ đặc trưng của cư dân các làng xã đã được hình thành, định hình lâu năm trong diễn trình lịch sử của làng. Đó là một thành tố của văn hóa làng và ảnh hưởng đến tư duy/tư tưởng kinh tế, nếp làm ăn của cộng đồng làng.

Từ tư tưởng làng xã

Trong diễn trình lịch sử của làng, phát triển đến một giai đoạn nhất định đã xuất hiện nhiều nhóm dân cư với nghề nghiệp, thứ bậc, đẳng cấp khác nhau. Đó có thể là nghề nghiệp hay giàu nghèo. Trong một thời gian rất dài, từ thời trung đại đến cận đại nổi lên có các nhóm dân cư là sĩ, nông, công, thương. Mỗi nhóm này lại bị chi phối bởi các mối quan hệ khác như huyết thống, họ hàng, tuổi tác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tùy vào vị trí của mình mà mỗi nhóm dân cư này có những cách nhìn, cách nghĩ, cách tư duy khác nhau về mọi phương diện. Nhưng để duy trì và phát triển làng, các thành viên của làng đã đi đến thống nhất, thỏa hiệp để hình thành một nhận thức hay tư duy chung của cộng đồng làng và có thể gọi đó là tư tưởng làng xã.

Mỗi làng có những đặc thù về điều kiện cư trú, thành phần dân cư, họ hàng, nghề nghiệp… nên có thể có những đặc điểm tư tưởng, tư duy không hoàn toàn giống các làng khác.

Tuy nhiên, tất cả họ, đều bị chi phối bởi những quan điểm, tư tưởng quan phương của thể chế, của triều/thời đại. Bởi vậy, bên cạnh những tiểu dị, là những đồng nhất về tư tưởng mang đặc trưng của làng xã Việt Nam. Tư tưởng làng xã hoặc được bộc lộ hoặc ẩn chìm trong mọi sinh hoạt làng xã từ phương thức sống, lối sốngvăn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, chính trị, xã hội, gia đình…

Một số nhà nghiên cứu gần đây đã xác định những tư tưởng cơ bản của làng xã người Việt, bao gồm: gia trưởng, cố kết cộng đồng, trọng tình và đức, trọng danh, trọng kinh nghiệm, trọng tổ tiên, thần thánh và các thế lực siêu hình, siêu nhiên… Nổi bật nhất có thể điểm đến:

Tư tưởng gia trưởng có nguồn gốc từ chế độ phụ hệ và được bổ sung, gia cố bởi định chế tam cương, ngũ thường của Nho giáo. Tư tưởng gia trưởng đề cao vai trò tuyệt đối của đàn ông trong gia đình và xã hội. Họ có quyền quyết định mọi việc đồng thời phải chịu trách nhiệm, nghĩa vụ cao nhất với gia đình và xã hội.

Tư tưởng cố kết cộng đồng có chỗ dựa là niềm tin vào sự trường tồn của gia đình, dòng họ và làng xã. Tư tưởng này hình thành từ khi mới hình thành làng, nhằm củng cố sức mạnh của gia đình, dòng họ và làng trước những khó khăn, thử thách trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển làng.

Tư tưởng yên phận chủ trương co mình trong lũy tre làng, ngại đi ra, ngại giao tiếp. Họ tự bằng lòng với mảnh đất công được chia, với thân phận, vị trí của mình trong cộng đồng làng xã. Họ không dám chấp nhận cái mới, từ cách làm ăn cho đến các sinh hoạt tinh thần.

Tư tưởng cục bộ địa phương có thể xuất phát từ chế độ tự quản của công xã nông thôn, từ tính khép kín và sự biệt lập tương đối giữa các làng về kinh tế và văn hóa. Tính cục bộ địa phương còn do lịch sử mối quan hệ làng - họ, mối quan hệ huyết thống trong hệ thống quyền lực làng xã, và với chính quyền nhà nước. Họ muốn bảo tồn quyền lực, quyền lợi của làng trong các mối quan hệ làng - họ và làng - nước.

Tư tưởng làng xã không chỉ phản ánh đời sống mọi mặt của cộng đồng làng mà còn định hướng nhận thức, tầm nhìn và các sinh hoạt vật chất và tinh thần của làng, cách ứng xử đối nội và đối ngoại của làng. Tư tưởng làng xã là trụ cột tinh thần để làng trường tồn và phát triển, để làng góp phần mình với tiến trình lịch sử của đất nước.

Nếp làm ăn của làng xã xưa

Nói đúng hơn là tư tưởng kinh tế, tư duy làm ăn của làng xã xưa. Nếp làm ăn phụ thuộc vào các điều kiện địa lý, tài nguyên, ruộng đất, kỹ năng lao động và các mối quan hệ xã hội, đời sống văn hóa của làng. Nếp làm ăn đã góp phần hình thành tư tưởng làng xã. Ngược lại, tư tưởng làng xã tác động và chi phối tư duy, nếp làm ăn, sinh hoạt kinh tế của làng. Nếp làm ăn làng này có thể khác làng kia một ít nhưng nhìn chung đa phần tương đồng, tạo nên những đặc điểm có tính truyền thống lâu bền.

GS Phan Đại Doãn, trong công trình "Làng xã Việt Nam - Một số vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội", đã đề xuất hệ thống đặc điểm tư tưởng kinh tế truyền thống Việt Nam mà thực chất là của làng xã, gồm: Trọng ruộng đất, trọng nông nghiệp; trọng nông, ức thương, lấy nông làm gốc, coi thường công thương nghiệp; quý nghĩa, khinh ngợi, ca ngợi chữ “nhàn”; bình quân chủ nghĩa; đề cao tằn tiện.

Trọng ruộng đất, trọng nông nghiệp là nhận thức xuyên suốt trong sinh hoạt kinh tế làng xã. Điều này thể hiện rõ trong hương ước các làng, trong châm ngôn, tục ngữ.

“Tấc đất, tấc vàng”, “có thực mới vực được đạo”, coi đất và lúa gạo là tài sản quý giá nhất vì người nông dân suốt đời gắn bó với đất, với nghề nông, với hạt lúa củ khoai kể từ khi lập làng. Tư duy “Dĩ nông vi bản” là vì người nông dân và cả làng xã của họ lúc nào cũng phải bám lấy ruộng đất mà sống. Thực tiễn và lịch sử của làng đã dạy họ điều đó.

Lấy nông nghiệp làm gốc, coi thường công thương nghiệp là nếp nghĩ được định hình trong chiều dài mấy ngàn năm họ gắn liền với nghề nông. Trong quá trình phát triển, công nghiệp và thương mại xuất hiện, nhưng tầm nhìn cố hữu “dĩ nông vi bản” đã trở thành căn cớ để hình thành quan niệm “trọng nông ức thương”.

Người dân làng quan niệm buôn bán là lừa gạt, là bóc lột, là không còn tình nghĩa, phương hại đến đạo đức truyền thống. Họ coi thường việc buôn bán, miệt thị người buôn bán là “con buôn, phường buôn bán, lái buôn…”. Định kiến này đã được cổ vũ bởi tư tưởng coi nghề nông là gốc, buôn bán là ngọn để quản lý và trói buộc người nông dân vào ruộng đất để gánh vác các nghĩa vụ tô thuế, binh dịch, lao dịch của giai cấp phong kiến.

Nhận thức lạc hậu này đã kìm hãm kinh tế hàng hóa, thương mại và công nghiệp phát triển. Một số làng nghề thủ công, làng buôn làm ra đồng tiền nhưng không đầu tư để mở mang buôn bán, phát triển ngành nghề mà lại quay về tậu đất, lập vườn, xây nhà. Đó là vòng quay luẩn quẩn níu chân sự phát triển của làng xã theo dòng thời đại.

Bình quân chủ nghĩa là tư duy được hình thành bởi tập quán sinh hoạt kinh tế công xã thời làng sơ khai, nhất là phân chia ruộng đất công của làng cho các thành viên. Dân làng muốn giữ gìn cái nền nếp, cái chuẩn mực phân chia ruộng đất đã từng hình thành. Họ muốn cào bằng, ai cũng như ai, “lụt thì lút cả làng”, “xấu đều hơn tốt lỏi”,“dại đàn hơn khôn độc”, “chết một đống hơn sống một người”…

Thậm chí, họ có những còn có thái độ lệch lạc là giàu thì ghét, đói rét thì khinh, thông minh không sử dụng.

Tư duy quý nghĩa khinh lợi, ca ngợi chữ “nhàn” xuất phát từ Nho giáo và được giai cấp phong kiến đưa vào cuộc sống dân làng như một nguyên tắc ứng xử xã hội, một quan niệm nhân sinh. Tư duy này có điểm tốt trong việc giáo dục đạo đức nhưng sẽ không ổn đối với hoạt động kinh tế khi phải ưu tiên kết quả, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Họ đề cao “không thành công thì cũng thành nhân”, coi thường lợi ích vật chất; Thà “an bần, lạc đạo” mà “nhàn” còn hơn là bon chen, chạy theo lợi ích tiền tài. Quan niệm “Ngồi mát, ăn bát vàng” hay “Ăn đói nằm co, hơn ăn no phải làm” đã triệt tiêu năng lực và khát vọng, ngăn cản sự phát triển kinh tế của làng xưa.

Cùng với đó là sự đề cao hà tiện, coi đó là một biện pháp kinh tế. Tiết kiệm là đúng đắn, nhưng thái quá đi đến hà tiện là lối sống tiêu cực. Nông dân làng xã từ xưa thường lấy việc “để dành”, “hà tiện” để tích lũy của cải, lấy cất giấu tài sản làm phương châm làm giàu. Không đem tiền bạc, tài sản để chuyển thành vốn để tái sản xuất, để buôn bán là một nhận thức sai lầm tai hại của tâm lý - nhận thức của người dân làng xưa.

 

Trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng làng xã vẫn còn nhiều yếu tố tích cực có giá trị to lớn với sự phát triển của làng, của nước. Tuy nhiên, nó đã và đang có những bất cập, thậm chí tiêu cực đối với sự phát triển mà các thế hệ hôm nay phải biết gạn đục khơi trong để điều chỉnh và phát huy.

Kinh tế đô thị cuối tuần