Taste Atlas, website chứa thông tin của gần 10.000 món ăn truyền thống, 9.000 nhà hàng cùng góp ý của hơn 50.000 chuyên gia ẩm thực, đưa bánh mì (cùng phở, nem rán, xôi, bánh xèo, bánh cuốn) là món ăn đường phố tuyệt vời nhất của Việt Nam, du khách các nước khi đến Việt Nam nên thưởng thức.
Bánh mì, theo vebsite nói trên: "Món ăn phổ biến, quen thuộc và tiện lợi của người dân".
Bánh mì tùy từng nơi, từng người chế biến sẽ có các loại nhân khác nhau: pa tê, trứng rán, giò chả thái lát, xúc xích, ruốc, giăm bông, xá xíu và ăn kèm rau thơm, dưa góp, tương ớt.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi nhớ đến món bánh mì Hà Nội lần đầu được ăn là bánh mì kẹp kem Tràng Tiền (tự chế), rồi tiếp đến là thưởng thức cái thứ hai: bánh mì nhân chuối chín (cũng tự chế), sau lần cùng một người bạn lên tàu từ Nghệ An đi thăm bạn là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những món bánh mì tự chế rẻ và ngon vô cùng với cái bụng đói của sinh viên thuở xưa.
Bánh mì Việt Nam những năm gần đây không chỉ gắn bó với một khu phố, con hẻm, với người bình dân, nó nổi tiếng khắp thế giới, du khách các nước đến quê hương của chúng ta rất thích thú khi ăn món bánh mì, và đánh giá cao nó bằng hoặc hơn các loại bánh tương tự ở trên thế giới như hamburger chẳng hạn.
Đáng tiếc, lâu nay thỉnh thoảng lại có vụ ngộ độc bánh mì. Mới đây nhất là vụ ngộ độc bánh mì Phượng ở Hội An, khiến hàng chục người, trong đó có nhiều người nước ngoài, phải nhập viện.
Bánh mì Phượng là thương hiệu nổi tiếng mà còn gây ra hậu quả đáng tiếc như vậy, liệu những nơi chế biến loại bánh này (có tên và không tên) thì sao?
Gia đình chúng tôi cũng từng trải qua vụ ngộ độc bánh mì, cháu nhỏ ăn bánh mì rồi ngộ độc, nôn thốc nôn tháo, phải nghỉ học mấy ngày…
Trong sự việc ngộ độc bánh mì Phượng, mọi quy định đã được chủ quán thực hiện. Tuy nhiên, có điều đáng lưu ý là bánh mì của quán có 10 nguyên liệu khác nhau, riêng pa tê do quán tự làm, còn lại là mua ngoài. Mặc dù nguyên liệu mua ngoài có địa chỉ rõ ràng nhưng cũng là ngoài tầm kiểm soát của quán.
Các nạn nhân ngộ độc đã được cứu chữa; vụ việc cũng đang được các cơ quan chức năng làm rõ.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc: khi thương hiệu nổi tiếng gây ra sự cố thì nhiều người biết đến hơn, trong đó không loại trừ khách nước ngoài.
Do đó, không chỉ bánh mì, nhưng thức ăn đường phố khác cũng bị ảnh hưởng, khách sẽ dè dặt hơn khi ăn.
Ẩm thực, trong đó có ẩm thực đường phố, là một phần không thể thiếu của nền công nghiệp du lịch. Thức ăn đường phố của Việt Nam được du khách nước ngoài đánh giá rất cao.
Do vậy, chúng tôi mong mỏi các chủ quán (tiệm, hiệu…) gìn giữ thương hiệu của mình, trong đó có việc nắm chắc được chuỗi cung ứng thực phẩm, nhằm bảo đảm sức khỏe cho thực khách cả trong lẫn ngoài nước.
Siêu đầu bếp Anthony Bourdain (người ngồi ăn bún chả cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama ở
Hà Nội năm 2016) giới thiệu bánh mì Phượng trên sóng truyền hình quốc tế với mô tả "vị bánh mì cứ như một bản hòa âm khiến vị giác như muốn reo lên". “Bản hòa âm” này đang lạc nhịp, mong được sửa chữa và làm lại. Đây cũng là bài học cho mọi quán ăn đường phố khác.