SJC đã được cấp phép cho gia công lại vàng miếng
Theo SJC, quyết định mua lại được đưa ra sau khi công ty được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hạn mức gia công trở lại số vàng móp méo và "một chữ" đã mua còn đang tồn kho.
Trước đó, trong khoảng hơn 2 tuần gần đây, nhiều người nắm giữ vàng miếng một chữ (seri có một ký tự chữ nằm trước dãy số, được sản xuất trước năm 1996) lo lắng vì Công ty SJC tạm ngưng mua vào. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với vàng miếng hai chữ (seri gồm hai chữ trước dãy số, được gia công sau này) bị móp méo.
Nguyên nhân do công ty còn tồn khoảng 1.000 lượng vàng đã thu mua trong hai tháng qua. Trong khi đó, doanh nghiệp này chưa được NHNN cho mở xưởng gia công, dập lại vàng. Lượng vàng tồn cũng không được bán ra thị trường. Do đó, công ty hẹn khách hàng đợi đến khi xử lý xong số vàng trên mới có thể thu mua trở lại.
"Quá trình chờ cấp phép dập lại vàng miếng một chữ và móp méo thành loại mới khá lâu, lượng tồn kho tăng lên làm ảnh hưởng đến việc cân đối nguồn vốn của công ty" - đại diện SJC chia sẻ.
Với mức giá hiện tại, khoảng 1.000 lượng vàng tồn kho hiện nay tương đương với số vốn khoảng 80 tỷ đồng
Theo kế hoạch kinh doanh năm nay, SJC có chỉ tiêu gia công, dập lại khoảng 31.692 lượng, giảm khoảng 4.466 lượng so với năm trước. Lãnh đạo SJC cũng nhiều lần cho biết việc xử lý vàng móp được NHNN quản chặt chẽ trong tất cả khâu, cử tổ giám sát đến đối chiếu trước khi SJC mở khuôn dập. Bản thân công ty sẽ gặp rủi ro nếu mua thu vào nhiều vàng khi chưa xử lý xong lượng hàng tồn.
Những ngày gần đây giá vàng thế giới tăng trở lại do căng thẳng địa chính trị leo thang và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất.
Trong phiên cuối tuần, giá vàng miếng SJC giữ nguyên ở mức 79,8 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 4,41 triệu đồng/lượng. Còn vàng nhẫn 9999 ở mức 77,65 triệu đồng/lượng. Nếu tính chung trong ba ngày qua, giá vàng nhẫn 9999 đã tăng tổng cộng 650.000 đồng/lượng. Giá mua vào cũng tăng 50.000 đồng/lượng, lên mức 76,35 triệu đồng/lượng.
Ngăn buôn lậu đầu cơ vàng
Ở một diễn biến khác, UBND TP Hồ Chí Minh vừa lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng trên địa bàn, nhằm thu thập, phân tích thông tin tình hình mua bán, cũng như thanh - kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng miếng và sản xuất, mua bán trang sức.
Theo đó, người giao dịch vàng phải khai báo danh tính. Thông tin khiến nhiều người quan tâm.
Không ít nhà đầu tư cho rằng, mua bán vàng là quyền tự do cá nhân, tiệm vàng có quyền yêu cầu cung cấp thông tin để xuất hóa đơn, tuy nhiên chuyển thông tin cá nhân sang cơ quan công an lại khiến họ lo lắng. Nhiều ý kiến bày tỏ: “Như thế nào được gọi là đầu cơ? Tôi có tiền tôi mua có gọi là đầu cơ không?”, “Tôi mua bằng nguồn tiền hợp pháp thì số lượng bao nhiêu mới gọi là đầu cơ ? Thế nào là để dành?”.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững cho biết, hiện chưa có quy định vàng miếng là sản phẩm mà người mua bán phải khai báo thông tin cá nhân.
Một số ý kiến khác thì cho rằng quy định trên là đúng, giúp dẹp bỏ chiêu trò thao túng thị trường, xử lý nghiêm những người lợi dụng đầu cơ trục lợi vàng...
Tháng trước, NHNN cho biết bên cạnh duy trì cung ứng vàng miếng SJC đáp ứng các nhu cầu của người dân, cơ quan quản lý chủ động các giải pháp để xử lý hiện tượng đầu cơ, gom vàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho hay, hiện nay hành lang pháp lý đã có, vàng cũng không thể là mặt hàng ngoại lệ. Việc kiểm soát những giao dịch qua ngân hàng sẽ sàng lọc, đặc biệt giúp hoạt động phòng, chống rửa tiền, đầu cơ tốt hơn.
Một số chuyên gia tài chính khác cũng cho rằng, khi tất cả phải xuất hóa đơn, được kiểm soát, một số dữ liệu liên quan đến thị trường vàng sẽ được giải mã. Ít nhất phải thực hiện việc đong đếm được lượng mua bán ra sao để có những điều tiết chính sách phù hợp.
Phía cơ quan Công an và NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh khẳng định thông tin người mua bán vàng miếng được bảo mật, đảm bảo phục vụ đúng nghiệp vụ.