Quận Hoàn Kiếm:

Từng bước đầu tư khai thác có hiệu quả khu vực bãi giữa ven sông Hồng

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định trình bày tham luận với chủ đề “Đảng bộ quận Hoàn Kiếm nâng cao quyết tâm chính trị triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII”.

Sáng 22/6, tại trụ sở Thành uỷ Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15- NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ trì hội nghị tại trụ sở Thành ủy Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Chủ trì hội nghị tại trụ sở Thành ủy Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Tại điểm cầu quận Hoàn Kiếm, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định trình bày tham luận với chủ đề “Đảng bộ quận Hoàn Kiếm nâng cao quyết tâm chính trị triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII”.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, với vị trí là trung tâm nội đô lịch sử, quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ 5,28 km², được chia thành 18 phường và 4 khu vực cụ thể: Khu phố Cổ 36 phố phường, khu phố cũ, khu vực hồ Gươm và các vùng phụ cận và khu vực ngoài đê sông Hồng.

Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử với truyền thống văn hóa Thăng Long của Hà Nội với hơn 190 di tích lịch sử văn hóa trong đó có rất nhiều công trình kiến trúc văn hóa có giá trị nổi bật. Hoàn Kiếm cũng là nơi hội tụ của rất nhiều làng nghề, phố nghề nổi tiếng như tổ nghề vàng bạc Kim Hoàn ở đình Kim Ngân, tổ nghề tranh Hàng Trống ở đình Nam Hương, phố nghề làm các đồ chơi dân gian ở phố Hàng Mã, có không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Hà Nội. Đây là một sản phẩm văn hóa đặc biệt, là không gian vui chơi tổ chức sự kiện cho cộng đồng dân cư giao lưu giữa du khách trong và ngoài nước.

Về kinh tế, quận Hoàn Kiếm là một trong những quận đóng góp ngân sách lớn của Thủ đô. Trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, năm 2021 quận vẫn có tổng thu ngân sách là hơn 14.008 tỷ, trong đó chủ yếu dựa vào nguồn thu của các tập đoàn tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và nguồn thu từ du lịch, dịch vụ và thương mại.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định bày tỏ, để thực hiện được mục tiêu yêu cầu của Nghị quyết, cũng như mong muốn của đồng bào và Nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đối với một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; với mục tiêu phấn đấu đưa quận Hoàn Kiếm trở thành một Trung tâm văn hóa - kinh tế của Thủ đô, quận Hoàn Kiếm sẽ quyết tâm nỗ lực cao nhất trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, tập trung vào các nhóm giải pháp trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế và đô thị.

Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch

Cụ thể, về phát triển văn hóa xã hội, quận sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo những giá trị văn hóa truyền thống và đặc trưng của Thăng Long.

Tập trung chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghiên cứu xây dựng các không gian văn hóa, không gian sáng tạo, khôi phục các hoạt động lễ hội nghề truyền thống, để quảng bá và phát huy hiệu quả hơn nữa các loại hình du lịch văn hóa trên địa bàn quận.

Chỉnh trang kiến trúc cảnh quan đô thị, gìn giữ các công trình di sản và bảo tồn phố nghề truyền thống, phố chuyên doanh, tập trung điều kiện cho nghệ sĩ, người làm nghệ thuật được tiếp cận với công chúng để thu hút du khách.

Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động phố sách Hà Nội để tạo không gian văn hóa và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tiếp tục duy trì và mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Hà Nội, tạo không gian vui chơi, tổ chức sự kiện cho cộng đồng dân cư giao lưu giữa du khách trong và ngoài nước.

Xây dựng Trang thông tin 360 độ phục vụ công tác quản lý, quảng bá và giới thiệu các hình ảnh, hoạt động về thương mại, dịch vụ, du lịch và giới thiệu di tích lịch sử văn hóa của quận một cách chân thực, đa dạng và hấp dẫn, trở thành một kênh truyền thông chính thống của quận Hoàn Kiếm.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định, Phó Bí thư Thường trực Đinh Hồng Phong; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cũng các đại biểu tham dự tại điểm cầu quận Hoàn Kiếm 
Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định, Phó Bí thư Thường trực Đinh Hồng Phong; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cũng các đại biểu tham dự tại điểm cầu quận Hoàn Kiếm 

Tiếp tục triển khai hiệu quả 2 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố; xây dựng phong cách ứng xử văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp trong các hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế của Thủ đô.

Mở rộng phát triển kinh tế ban đêm

Về phát triển kinh tế, với đặc thù là quận trung tâm của Thủ đô, nguồn thu chủ yếu dựa vào dịch vụ, du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, Quận sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình cải thiện môi trường đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh và đẩy mạnh hoạt động dịch vụ thương mại du lịch theo hướng văn minh, chất lượng, hiệu quả, bền vững gắn với phát triển kinh tế tri thức và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dịch vụ như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.

Mở rộng phát triển kinh tế ban đêm theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả bền vững không gian tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận tuyến phố Hàng Đào, Hàng Giấy, chợ đêm Đồng Xuân và không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội, tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân, phố Tạ Hiện.

Triển khai chỉnh trang các quảng trường, tuyến đường

Về quản lý và phát triển đô thị được xác định tại nhóm giải pháp “nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phát triển và quản lý đô thị khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên bảo vệ môi trường”.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định nhấn mạnh, quận Hoàn Kiếm có diện tích là 5,28km2, theo quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quận Hoàn Kiếm có 4 khu vực quy hoạch, gồm: Khu phố cổ Hà Nội; khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; khu phố cũ quận Hoàn Kiếm; khu ngoài đê sông Hồng quận Hoàn Kiếm.

Tuân thủ nguyên tắc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch, quận sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành thành phố triển khai thực hiện các quy hoạch phân khu đô thị khu phố Cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu vực ngoài đê sông Hồng đoạn đi qua địa bàn quận và thực hiện cải tạo các công trình chung cư cũ kết hợp thực hiện đề án giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm.

Triển khai thiết kế đô thị chỉnh trang các quảng trường (như: quảng trường Cách mạng tháng Tám, quảng trường Vườn hoa Bắc Bộ Phủ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quảng trường Nhà thờ Lớn Hà Nội, quảng trường Nhà Khai Trí Tiến Đức...), các tuyến phố (như: tuyến phố Hàng Khay, Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn, các tuyến phố đi bộ...) và khu vực trọng điểm để tôn vinh các các công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu của Hà Nội.

Quận sẽ làm tốt công tác quản lý đô thị theo quy hoạch, quản lý tốt và từng bước đầu tư khai thác có hiệu quả khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng theo định hướng phát triển thành công viên văn hóa du lịch tạo nên một không gian công cộng cho Nhân dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế.

Tiếp tục nâng cao chất lượng và mở rộng không gian phố đi bộ trên địa bàn quận, trước mắt sẽ tập trung triển khai đề án mở rộng phố đi bộ Tràng Tiền đến quảng trường Cách Mạng Tháng 8 thành không gian văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm, để khu vực này trở thành trung tâm giao lưu văn hóa, giao thương các sản phẩm truyền thống, có thương hiệu, là điểm đến hàng đầu cho du khách trong và ngoài nước.