Khởi công xây dựng hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng:

Từng bước đồng bộ hạ tầng giao thông Hà Nội

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng là công trình giao thông quan trọng, trong chương trình phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô. Dự án được khởi công với kỳ vọng góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc cho khu vực cửa ngõ phía Nam của TP Hà Nội.

Dự án trọng điểm

Sáng nay (6/10), Ban QLDA Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội tổ chức lễ khởi công xây dựng hầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Lễ khởi công xây dựng hầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Lễ khởi công xây dựng hầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Tới dự có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn và lãnh đạo Quận uỷ, UBND quận Hoàng Mai, các sở: GTVT, Xây dựng, Ban QLDA…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại lễ khởi công xây dựng hầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại lễ khởi công xây dựng hầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng.

Báo cáo tại buổi lễ khởi công, ông Nguyễn Chí Cường – Giám đốc Ban QLDA Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội cho biết: “Hầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng có quy mô 4 làn xe với chiều dài 460 mét, tổng mức đầu tư 778 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, thời gian thực hiện gói thầu là 30 tháng. Đơn vị trúng thầu là Liên danh công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 - công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng công trình 3.

Theo ông Nguyễn Chí Cường, điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A. Điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với QL1A khoảng 460m. Đoạn qua hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 2 làn xe rộng 3,5m/làn, đoạn ngoài hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 3 làn xe rộng 3,5m/làn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, dự án hoàn thành sẽ từng bước hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2,5 theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo giao thông thuận lợi, thông suốt của đường qua khu vực Ga đường sắt Giáp Bát, quận Hoàng Mai.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, dự án hoàn thành sẽ từng bước hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2,5 theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo giao thông thuận lợi, thông suốt của đường qua khu vực Ga đường sắt Giáp Bát, quận Hoàng Mai.

Cùng với công trình hầm chui Kim Đồng, dự án Vành đai 2,5 có tổng chiều dài theo quy hoạch ban đầu là 19,41km, quy mô mặt cắt ngang từ 40 - 50m sẽ góp phần giải phóng tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Dự án xây dựng hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng là công trình giao thông quan trọng trong chương trình phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô văn minh, hiện đại và đã được xác định là công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu là khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng”.

Khu vực xây dựnghầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng.
Khu vực xây dựnghầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, dự án hoàn thành sẽ từng bước hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2,5 theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo giao thông thuận lợi, thông suốt của đường qua khu vực ga đường sắt Giáp Bát, quận Hoàng Mai.

Đây là ga hàng hóa của tuyến đường sắt Bắc - Nam từ Thủ đô Hà Nội đi khu vực các tỉnh phía Nam đất nước. Do vậy, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án là hết sức cần thiết và cấp bách.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực, tập trung chỉ đạo có hiệu quả của Ban QLDA Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội, sự phối hợp chặt chẽ của Sở: KH&ĐT, Xây dựng, GTVT, UBND quận Hoàng Mai và những đơn vị có liên quan trong công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để đến hôm nay dự án đã đủ điều kiện khởi công thực hiện.

Để việc đầu tư xây dựng dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Ban QLDA Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND quận Hoàng Mai để phối hợp quản lý, thực hiện dự án theo đúng quy định của Nhà nước; tuân thủ chặt chẽ quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật để triển khai thi công công trình theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc thi công đến việc đi lại và đời sống của người dân trong khu vực, đặc biệt, lưu ý tổ chức giao thông đảm bảo thông suốt, an toàn trong quá trình triển khai thực hiện dự án….

Mối nối trọng yếu

Hầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng là một trong những mối nối trọng yếu của toàn tuyến Vành đai 2,5. Hơn nữa, nó còn là một thành phần của nút giao phức tạp bậc nhất Hà Nội trong tương lai, khi tại vị trí xung yếu này còn có đường sắt đô thị đi qua. Đây là đoạn tuyến duy nhất đi ngầm, cũng là đoạn tuyến có độ khó về kỹ thuật cao nhất trên Vành đai 2,5.

Theo quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 3 vành đai hở, chỉ phục vụ cho khu vực đô thị phía Nam sông Hồng, trong đó có Vành đai 2,5.

Vành đai 2,5 có tổng chiều dài theo quy hoạch ban đầu là 19,41km; quy mô mặt cắt ngang từ 40 - 50m. Hướng tuyến đi từ Lĩnh Nam - Kim Đồng - Định Công - Nguyễn Trãi - Yên Hòa - Xuân Đỉnh đến Phú Thượng, nối thông 5 quận: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, hầm chui Kim Đồng và Vành đai 2,5 sẽ trở thành hướng đột phá cho giao thông khu vực phía Nam sông Hồng.

Ông Phan Trường Thành phân tích, hiện các hướng lưu thông từ phía Bắc Thủ đô phải đi chủ yếu trên Vành đai 3, qua khu vực Nguyễn Xiển đến Pháp Vân hoặc theo đường Giải Phóng ra Lĩnh Nam, hoặc đến Vành đai 2.

Ở hướng song song, các phương tiện di chuyển theo Vành đai 2, đến Ngã Tư Vọng phải vòng lên Vành đai 3 qua Giải Phóng hoặc theo hướng Minh Khai đi Lĩnh Nam. Với Vành đai 2,5 và hầm chui Kim Đồng, một hướng lưu thông từ sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân sẽ được mở thẳng đến Quốc lộ 1A, qua hầm chui đến Lĩnh Nam để đi Quốc lộ 5, Quốc lộ 1B…

“Ba vành đai 2; 2,5; 3 với hướng tuyến song song và hàng loạt đường xương cá kết nối ngang sẽ tạo nên một khu vực có hình thế giao thông ô bàn cờ cực kỳ linh hoạt, nhiều lựa chọn và chắc chắn sẽ góp phần rất lớn giải tỏa ùn tắc cho toàn bộ phía Nam sông Hồng, đặc biệt là cửa ngõ phía Nam” - ông Phan Trường Thành chia sẻ.

Ông Hồ Đức Phúc - Giám đốc Liên danh tập đoàn Cienco 4, nhà thầu thi công dự án cho biết: “Ngay sau khi khởi công dự án, chúng tôi sẽ tập trung huy động thiết bị, nhận lực triển khai rào toàn bộ phạm vi đã được bàn giao mặt bằng. Trên cơ sở song song với việc triển khai ở công trường, chúng tôi cũng sẽ tính các biện pháp thi công, bản vẽ thi công, các phương án phân luồng giao thông sao cho an toàn và thuận lợi nhất”.

Theo ông Hồ Đức Phúc, đến thời điểm này, đơn vị thi công đã nhận mặt bằng để triển khai dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đơn vị cũng đã lường được trước sẽ gặp phải một số khó khăn như, có các đốt hầm kín đào qua đường sắt để lên kế hoạch, chủ động xử lý.

“Chúng tôi khẳng định làm chủ được đối với công nghệ thi công hầm hiện đại nhất. Ngay khi được giao gói thầu, chúng tôi đã lập ra các tiến độ mục tiêu nhất định trong tiến độ tổng thể, đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận. Chúng tôi cam kết rằng với nguồn nhân lực, thiết bị và bàn giao mặt bằng kịp thời, dự án chắc chắn sẽ hoàn thành trong 30 tháng” - ông Hồ Đức Phúc thông tin thêm.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần