Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nâng cao chất lượng giáo dục; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục là 3 trong 12 nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD&ĐT chỉ rõ trong triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025.

Năm học 2024 - 2025, các cấp học và trình độ đào tạo tập trung nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.
Năm học 2024 - 2025, các cấp học và trình độ đào tạo tập trung nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.

Thực hiện chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, năm học 2024-2025, một trong 12 nhiệm vụ quan trọng được ngành GD&ĐT xác định đó là triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Theo Bộ GD&ĐT, các cấp học và trình độ đào tạo đều cần tập trung nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh; tập trung nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đề ra nhiệm vụ sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan; phân tích, đánh giá và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT để phục vụ công tác quản lý chuyên môn và ban hành chính sách dạy và học cấp THPT ở các địa phương, cơ sở giáo dục.

Bộ cũng xác định sẽ tổ chức tốt kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2025; nghiên cứu, đề xuất phương án để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng các học sinh đã đạt giải cao tại các Kỳ thi Olympic quốc tế để phát huy tốt phẩm chất, năng lực của các em.

Bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ xác định một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Theo đó, sẽ tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Toàn ngành thực hiện tốt công tác xác định nhu cầu để tuyển sinh, đào tạo sinh viên sư phạm, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên; triển khai có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giai đoạn 2019 - 2030; nghiên cứu xây dựng các Đề án nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục giai đoạn 2026 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với việc sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, Bộ xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là bảo đảm ngân sách thực chi cho GD&ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11, Luật Giáo dục 2019, Nghị quyết 29-NQ/TW và Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.

Một nội dung cần lưu ý nữ là thực hiện đúng quy định về các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024 - 2025, tăng cường quản lý nhà nước theo phân cấp đối với các khoản thu theo quy định.

Bạn đọc xem văn bản TẠI ĐÂY