70 năm giải phóng Thủ đô

Từng bước giảm mức chi cho người dân

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Viện phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) được điều chỉnh tăng khoảng 10%, áp dụng từ ngày 17/11, theo Thông tư 22 vừa được Bộ Y tế ban hành điều chỉnh phí khám chữa bệnh sau hơn 4 tháng lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng.

Với mức giá điều chỉnh lần này, theo các bệnh viện, sẽ tăng thêm nguồn thu từ BHYT để nâng chất lượng dịch vụ.

Khoảng 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá lần này, trong đó có dịch vụ tăng giá nhiều như phí khám chữa bệnh, giá giường nằm, một số dịch tăng giá ít như chụp X-quang...

Có thể thấy, giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi “tiền túi” của người dân, yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế, giúp các cơ sở y tế có hành lang pháp lý để thực hiện.

Không chỉ vậy, việc tính đúng, tính đủ giá viện phí sẽ giúp các bệnh viện đủ chi phí vận hành và tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; có chi phí cho đào tạo chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Khi bệnh viện ở các tuyến đều có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và chuyên môn, người dân sẽ được tiếp cận nhiều dịch vụ kỹ thuật cao nhiều hơn tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Cùng với đó, người tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT thanh toán toàn bộ, thay vì phải tự thanh toán giá khấu hao cơ sở hạ tầng và quản lý, điều hành bệnh viện như hiện nay khi bệnh nhân khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân. Hiện các bệnh viện tư đã tính đúng tính đủ, nhưng BHYT chi trả cho người dân chưa bao gồm 2 yếu tố khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và quản lý - điều hành bệnh viện.

Đầu năm 2023, Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh gồm nhiều loại chi phí khác nhau cộng lại nhằm giải quyết vấn đề giá khám chữa bệnh đã lạc hậu, trượt giá qua từng năm, nhất là từ khi không còn cơ chế liên doanh, liên kết, không còn xã hội hóa, nguồn thu của các bệnh viện chủ yếu từ BHYT. Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng thu không đủ chi, nhiều nhân viên y tế rời bệnh viện công sang tư – nơi mọi cơ chế đều thông thoáng hơn.

Việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ khám chữa bệnh là cơ sở quan trọng để xác định việc tham gia chi trả của BHYT, ngân sách Nhà nước, người bệnh, là cơ sở để điều chỉnh giá các dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ.

Với ý nghĩa đó, có thể thấy, việc tính đúng, tính đủ cùng lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh góp phần khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập tự chủ nâng cao chất lượng chuyên môn, bảo đảm chế độ, chính sách để giữ chân cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, chúng ta có thêm các nguồn vốn tập trung đầu tư cho cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.