Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tồn nhà biệt thự cũ xây dựng từ trước năm 1954

Từng nhóm nhà cần có cơ chế riêng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm có các giải pháp để giữ gìn, bảo tồn quỹ kiến trúc giá trị của Thủ đô, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định về danh mục gồm 1.216 nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 để quản lý.

Theo các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, sau khi đã xác định danh mục và phân loại, TP cần sớm có kế hoạch bảo tồn cụ thể cho từng nhóm biệt thự.

Ngôi biệt thự được xây dựng trước năm 1954 tại ngõ Yên Thế, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Linh  
Ngôi biệt thự được xây dựng trước năm 1954 tại ngõ Yên Thế, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Linh  

Chưa được quan tâm đúng mực

Nói đến kiến trúc cảnh quan Hà Nội, ngoài kiến trúc khu phố cổ 36 phố phường, còn một góc khác không thể thiếu đó là các công trình biệt thự được quy hoạch xây dựng từ thời Pháp, trước năm 1954. Những ngôi nhà biệt thự song lập, đơn lập được xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu, hoặc kiến trúc Đông Dương, phần lớn khuôn viên rộng, xung quanh nhà có sân vườn tạo nên vẻ sang trọng lịch lãm của công trình, tạo nên diện mạo kiến trúc riêng đặc trưng cho nhiều tuyến phố cũ của Hà Nội như phố Hoàng Diệu, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Nguyễn Du…

Sau năm 1954, những biệt thự này được Nhà nước phân chia cho cán bộ, các biệt thự trở thành những “nhà ở tập thể” và có nhiều thành phần sở hữu. Trong quá trình sử dụng, nhiều hộ đã lấn chiếm, xây dựng ra lối đi chung, tự cải tạo trái phép sân vườn, dẫn đến làm biến dạng biệt thự, làm mất đi vẻ đẹp kiến trúc cảnh quan nguyên bản của biệt thự. Bên cạnh đó, một bộ phận tổ chức, cá nhân sử dụng biệt thự không nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị kiến trúc văn hóa, hoặc do hoàn cảnh cuộc sống khó khăn mà vô tình hoặc hữu ý phá đi các giá trị của kiến trúc biệt thự…

Không chỉ bị biến dạng, xuống cấp, KTS Lê Anh Tuấn (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) nêu thực trạng, trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều nhà biệt thự mất dần thay vào đó là những tòa khách sạn mini, văn phòng cao tầng 9 - 10 tầng, hiện đại nhưng khá lạc lõng với cảnh quan xung quanh làm mất đi phong cách kiến trúc trong các tuyến phố cũ của Hà Nội. Chủ sở hữu của những tòa nhà này là người, hoặc nhóm người có tiền mua gom diện tích sở hữu của các hộ trong căn biệt thự, sau đó phá đi xây dựng tòa nhà cao tầng để bán hoặc kinh doanh.

“Vài năm trở lại đây xuất hiện một số người đủ khả năng mua những biệt thự để cải tạo lại nguyên bản hoặc xây lại với quy mô gần giống cũ để cho thuê, nên về kiến trúc cảnh quan đô thị khá phù hợp. Đây là tín hiệu đáng mừng rất đáng khích lệ nhưng tỷ lệ các biệt thự này còn rất ít” – KTS Lê Anh Tuấn cho hay.

Các cấp quản lý của TP Hà Nội nhiều thời kỳ đã nhận thấy vấn đề trên, và có nhiều hội thảo, đồ án quy hoạch, thiết kế chỉnh trang những tuyến phố được phê duyệt nhưng rồi cũng đành bỏ đấy không triển khai hoặc triển khai rất chậm bởi vướng mắc nhiều vấn đề từ chính sách, pháp lý, tài chính, quản lý… Việc quản lý, sử dụng, bảo tồn tôn tạo các biệt thự công trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Nhiều biệt thự bị xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người sử dụng và mất mỹ quan đô thị.

Sớm có kế hoạch cụ thể cho từng nhóm nhà

Thực hiện Chương trình 03-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, UBND TP đã có kế hoạch rà soát quỹ nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 cần bảo trì, cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn. Qua rà soát đánh giá, mới đây Hà Nội đã ban hành Quyết định xác định danh mục 1.216 biệt thự được phân loại theo nhóm thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP. Trong đó, nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP được ban hành năm 2013, tất cả nhóm nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ. Đồng thời, TP đã quy định cụ thể các trường hợp biệt thự trong tình trạng nào được cải tạo, phá dỡ và cải tạo, xây dựng lại theo nguyên tắc nào.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cái khó ở đây gồm nhiều vấn đề ràng buộc với nhau như hiện trạng sở hữu, sử dụng phức tạp; chưa có cơ chế rõ ràng về pháp lý, tài chính, quản lý xây dựng đô thị. Do vậy, để đáp ứng được công tác bảo tồn cần cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng người dân tham gia đồng bộ, quyết liệt.

Theo KTS Lê Anh Tuấn, sau khi thực hiện rà soát đánh giá hiện trạng, phân loại biệt thự thì TP cần xây dựng cơ chế cho từng loại. Đối với biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước đang làm nhà ở công vụ, những biệt thự cho thuê hoặc đã bán, biệt thự đa thành phần sở hữu cần xây dựng cơ chế đặc thù.

Về xây dựng cơ chế tài chính, Nhà nước hỗ trợ một phần còn huy động Nhân dân tham gia đóng góp, đối với công trình có kiến trúc đặc biệt cần bảo tồn, huy động nguồn từ ngân sách và tài trợ… Đối với người dân, cần tuyên truyền để họ tuân thủ theo pháp luật và nhận thức được vấn đề và tham gia hỗ trợ cùng chính quyền kể cả về tài chính trong công tác bảo tồn biệt thự cổ.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để bảo tồn lâu dài không chỉ ngày nay mà còn cho các thế hệ sau, rất cần TP sớm lên kế hoạch lựa chọn tư vấn đủ năng lực để lập hồ sơ 3D trên cơ sở hồ sơ lưu trữ của TP cùng nhiều nguồn khác và số hóa dữ liệu hồ sơ quản lý đối với các biệt thự nhóm 1. Đồng thời, đối với biệt thự nhóm 2, nhóm 3, cần sớm lập đồ án thiết kế đô thị, chỉnh trang tuyến phố để định hướng xây dựng và quản lý sau xây dựng. Trong đó, cần chú ý đến phong cách kiến trúc, tầng cao công trình phải hài hòa, đồng bộ trên toàn tuyến phố khi trường hợp biệt thự bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, được xây dựng lại.

 

Hà Nội đang chuyển mình và thay đổi đến chóng mặt trong khoảng hai thập niên qua. Để Hà Nội có thể phát triển bền vững hơn, một TP “xanh và hòa bình”, xứng tầm là Thủ đô có vị thế, bên cạnh sự phát triển các khu đô thị hiện đại, những biệt thự Pháp cổ là nhân chứng kiến trúc của một giai đoạn lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội rất cần được các cấp chính quyền TP và cộng đồng quan tâm hơn nữa.

KTS Lê Anh Tuấn - Hội Kiến trúc sư Hà Nội

 

 

Theo Quyết định vừa được UBND TP phê duyệt danh mục 1.216 nhà biệt thự cũ, được chia làm 3 nhóm gồm: 222 biệt thự xếp nhóm 1 (quận Ba Đình có 111 biệt thự; quận Hoàn Kiếm có 87 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 21 biệt thự; quận Tây Hồ có 3 biệt thự); 356 biệt thự xếp nhóm 2 (quận Hoàn Kiếm có 159 biệt thự; quận Ba Đình có 112 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 78 biệt thự; quận Tây Hồ có 4 biệt thự; quận Đống Đa có 3 biệt thự); 638 biệt thự xếp nhóm 3 (quận Hoàn Kiếm có 237 biệt thự; quận Ba Đình có 216 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 166 biệt thự; quận Đống Đa có 13 biệt thự; quận Tây Hồ có 6 biệt thự).